Cô giáo trường làng tỏa sáng toàn cầu - Bài 2: Vinh danh trên diễn đàn quốc tế

Sau khi thực hiện thành công Dự án 'Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại', cô giáo Trần Thị Thúy tiếp tục được tham gia nhiều cuộc thi và được vinh danh trên diễn đàn quốc tế, mang lại niềm tự hào cho những mái trường quê đất Việt.

Giải đặc biệt toàn cầu

Tiếp nối những thành công bước đầu, cô Thúy đăng ký tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cô đã vượt qua hơn 1700 sản phẩm để góp mặt trong 71 sản phẩm dạy học tiêu biểu nhất tham dự chung kết cuộc thi được tổ chức vào tháng 8/2016 tại Hà Nội.

Cô giáo Trần Thị Thúy (thứ tư từ trái sang) nhận Bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên. Ảnh: thptduchop.hungyen.edu.vn

Cô giáo Trần Thị Thúy (thứ tư từ trái sang) nhận Bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên. Ảnh: thptduchop.hungyen.edu.vn

Cô đã thuyết phục được ban giám khảo về cách tạo môi trường để học sinh cải thiện năng lực giao tiếp ngôn ngữ thông qua những giờ học kết nối Skype với các nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan. Kết quả cô đã đạt giải Nhì cuộc thi và được lựa chọn là ứng cử viên tham dự diễn đàn giáo dục toàn cầu - sự kiện về giáo dục hàng năm do Microsoft tổ chức để vinh danh các nhà giáo dục sáng tạo và tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Tháng 3/2017, Diễn đàn giáo dục toàn cầu quy tụ trên 200 chuyên gia đến từ 83 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại đây, cô Thúy được tiếp cận với những xu thế giáo dục phát triển tiên tiến nhất trên thế giới như: Ứng dụng thực tế ảo, STEM, trò chơi kích thích sáng tạo cho người học; các kỹ thuật để việc dạy trở nên hiệu quả hơn và cách cá nhân hóa việc học để họ trở thành những công dân toàn cầu. Cô giáo đến từ ngôi trường quê Đức Hợp đã chia sẻ với các chuyên gia về những sáng kiến giáo dục mà mình đã thực hiện tại quê nhà.

Và cô Thúy đã làm nên điều kỳ diệu. Qua cách trình bày với những ý tưởng sáng tạo đầy sức thuyết phục, nhóm của cô Thúy đã vượt qua tất cả và giành giải cao nhất - Giải Đặc biệt trong khuôn khổ Diễn đàn. Cô vẫn bồi hồi nhớ lại cảm xúc trong khoảnh khắc tỏa sáng: "Thực sự là khi đi xa Tổ quốc rồi mình mới thấy ý nghĩa của việc mang theo lá cờ, được tự hào khoe với bạn bè rằng tôi là người Việt Nam!"

Hai năm sau, tháng 3/2019 cô giáo Trần Thị Thúy đã vinh dự trở thành 1 trong 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên xuất sắc Toàn cầu (Global Teacher Prize) được trao tặng tại Dubai (các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất). Đây là Giải thưởng được tổ chức giáo dục Varkey Foundation chọn lọc từ hơn 10.000 ứng viên. Giải thưởng thường niên này nhằm tôn vinh thầy, cô giáo có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục, được ví như "Nobel" trong giảng dạy, để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới.

Những lớp học "Xuyên biên giới"

Cô Thúy cho biết, xuất phát từ việc triển khai đề tài "Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại", trong quá trình triển khai cô luôn ý thức được rằng, giáo viên cần liên tục cập nhật, liên tục tự học. Rồi cô miệt mài tìm kiếm trên mạng, tìm những video học tiếng Anh, và tình cờ biết đến cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam và cộng động giáo viên sáng tạo Microsoft toàn cầu. Với vốn tiếng Anh sẵn có, cô tìm hiểu các hoạt động trong cộng đồng và biết được cách thức kết nối với học sinh và giáo viên các nước cùng dạy tiếng Anh.

Tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin, cô Thúy liên hệ với các giáo viên ở Nhật Bản, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ… để sắp xếp những giờ học xuyên lục địa nhờ công cụ Skype. Học sinh của cô được cùng chia sẻ, thảo luận với các bạn đang ngồi cách nửa vòng trái đất. Trong những giờ học này, học sinh cả hai bên cùng chuẩn bị các bài PowerPoint và công cụ miễn phí khác của Microsoft để trình bày quan điểm của mình. Đó cũng là cách để các em học tiếng Anh hiệu quả hơn, hứng thú hơn. Tại lớp học của cô Thúy, vượt qua mặc cảm về học kém môn tiếng Anh, các em trở nên tự tin với 4 kĩ năng: Nghe, nói, đọc, viết; rồi tự tin thuyết trình bằng tiếng Anh, giao lưu trực tiếp với các chuyên gia nổi tiếng từ nước ngoài.

Cô Thúy đã xây dựng được mô hình học tập “Lớp học xuyên biên giới” để các em học sinh có thể kết nối và học tập trực tuyến với các bạn học sinh nước ngoài. Qua đó, chứng minh một điều: Giáo viên Việt Nam không hề thua kém giáo viên các nước khác trong quá trình cải tiến, đổi mới giáo dục, để giáo dục chính là chìa khóa giúp học sinh phát triển những năng lực tiềm tàng của mình vốn sẵn có.

Em Bùi Thị Lệ Quyên và nhiều học sinh trường THPT Đức Hợp chia sẻ, phương pháp áp dụng công cụ Skype đã giúp em và các bạn nâng cao kiến thức, kỹ năng và vốn sống, là động lực để chúng em tự tin giao lưu với bạn bè trên khắp thế giới để tìm hiểu, tiếp cận được nhiều điều bổ ích, trang bị những hành trang thiết thực trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Sau những hành trình trải nghiệm, cô Thúy chia sẻ: "Nếu giáo viên chúng ta biết cách sử dụng công nghệ thông tin như là phương tiện hỗ trợ thì việc học tập của học sinh sẽ đạt hiệu quả. Mỗi học sinh có những năng lực học tập khác nhau, riêng đối với công nghệ thông tin, không học sinh nào bị bỏ lại phía sau".

Bài 3: Chắp cánh ước mơ cho học trò vùng quê.

Mai Ngoan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/co-giao-truong-lang-toa-sang-toan-cau-bai-2-vinh-danh-tren-dien-dan-quoc-te-20190902132849858.htm