Cô giáo vỡ òa khi cậu bé tự kỷ bật ra âm thanh đầu tiên trong cuộc đời

Cô giáo Lê Thị Thùy Dung (Hà Nội) đã tiếp xúc và làm việc với nhiều trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ. Trong 8 năm trở lại đây, cô trở thành người hỗ trợ nhiều trẻ bị rối loạn, chậm phát triển hòa nhập cộng đồng.

Cô Lê Thị Thùy Dung hướng dẫn học sinh trong một tiết học về rau, củ, quả

Sau khi nghỉ sinh con thứ 2, cô giáo Lê Thị Thùy Dung được người bạn mời về dạy kỹ năng sống ở một trung tâm tư nhân. Một lần, cô tình cờ được giao phụ trách một học sinh 6 tuổi nhưng chưa biết nói, cũng không có khả năng tự phục vụ bản thân. Trong gần một năm, cô đã đồng hành cùng cậu bé đó. Từ một đứa trẻ lơ đễnh, không chú ý đến bất cứ vấn đề nào, em đã dần quan tâm, lắng nghe và tin tưởng cô.

Cô Dung chia sẻ: "Với các bé rối loạn phổ tự kỷ và chậm phát triển, các con thường gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin qua hệ thống các giác quan, nên không thể bắt chước, học hỏi như những đứa trẻ bình thường khác".

Vì vậy, cậu bé 6 tuổi không biết nói, cũng không thể tự vệ sinh cá nhân nhưng cô Dung vẫn kiên trì đồng hành cùng em. Đến một ngày, em bật ra âm thanh đầu tiên trong cuộc đời. Điều đó giống như một tia sáng chiếu vào cô Dung: "Tôi đã có mười một năm đi dạy, đó là lần đầu tiên tôi thấy vui sướng như vậy. Tôi cảm thấy vui hơn cả khi nghe tin lớp mình 100% đỗ tốt nghiệp. Âm thanh ấy đối với tôi và gia đình của em là một điều kỳ diệu. Khi đó tôi nghĩ mình đã suýt thì bật khóc vì hạnh phúc".

Đó là khoảnh khắc cô quyết tâm theo hai ngành, cả giảng dạy Ngữ văn và giáo dục trẻ đặc biệt. Năm 2020, khi con cái đã lớn, gia đình có nguồn thu nhập ổn định, cô chuyển hẳn sang việc can thiệp sớm cho những trẻ rối loạn phát triển và chậm phát triển. Hiện tại, cô đang là chủ một trung tâm ở Hà Nội.

Nói thật nhiều với trẻ

Trong gần 10 năm theo nghề giáo dục trẻ đặc biệt, cô Dung tập trung vào mảng can thiệp sớm cho trẻ em bị rối loạn phát triển và chậm phát triển. Đối với cô, những em bị rối loạn phát triển là các ca khó nhất, vì như vậy có nghĩa là bố mẹ sẽ phải theo con suốt cả cuộc đời. Nhiều ca cô Dung tiếp nhận, phải mất 1-2 năm liên tục ở bên, các em mới có thể nói được. "Khi tôi nhận các em, bố mẹ thường hỏi: Khi nào con biết nói? Nhưng muốn nói được, các con phải có nền móng, bố mẹ và các thầy cô phải cung cấp vốn từ vựng cho các em", cô Dung tâm sự.

Bí quyết của cô là nói thật nhiều với các em, một từ cô lặp lại khoảng 50 lần trong những hoàn cảnh khác nhau, để tạo ấn tượng với các em. Cùng với đó là việc hỗ trợ các em vận dụng hết các giác quan của mình. Ví dụ, khi dạy từ "rau muống", cô sẽ cho các em sờ vào, thậm chí dùng kéo cắt. Sau đó, cô có thể đưa các em ra siêu thị, cho các em chọn rau muống, đem ra quầy trả tiền. Điều đó không chỉ giúp các em ghi nhớ từ, mà còn biết được các hoạt động mới.

Đừng từ bỏ hy vọng về con

Cô Dung nói: "Nếu có phương pháp dạy và tích cực rèn luyện cho trẻ, trẻ tự kỷ sẽ đóng góp tài năng cho xã hội. Vì vậy, tôi mong bố mẹ đừng bao giờ từ bỏ hy vọng về con của mình". Việt Anh, "cậu bé" 21 tuổi, không thể nói được, hành động như một đứa trẻ con nhưng đối với cô Dung, đó là một đứa trẻ ngoan ngoãn, tình cảm.

Mỗi lần nhìn thấy em đau đớn, bất lực vì không thể nói, không thể kiểm soát hành vi của mình, cô lại cảm thấy vô cùng đau lòng: "Các em không hề muốn như vậy nhưng vì gặp khó khăn trong việc làm chủ hành vi, cũng như các giác quan của mình, nhiều em thường tự làm đau bản thân bằng cách đập đầu vào cửa hoặc cắn tay của mình. Những lúc như vậy, tôi chỉ cố gắng giữ các em lại, hoặc đưa mu bàn tay của mình cho các em cắn".

Khi được can thiệp sớm, nhiều em đã bộc lộ được khả năng tiềm ẩn bên trong. Như Bảo Minh, nhờ có sự đồng hành từ bố mẹ, thầy cô, hiện tại, em đã có khả năng giao tiếp đạt khoảng 70% so với người bình thường. Bản thân em có năng khiếu về âm nhạc và đang học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Ngay ở trung tâm của cô Dung, hiện có một trợ giảng, từng là trẻ mắc bệnh rối loạn phát triển, đang giúp đỡ những học sinh khác.

Anh Nhi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/co-giao-vo-oa-khi-cau-be-tu-ky-bat-ra-am-thanh-dau-tien-trong-cuoc-doi-20230301101526341.htm