Có 'giấy thông hành' về phòng cháy, chữa cháy

Việc Văn phòng UBNDTP Hà Nội đã có thông báo số 152 về 'kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP Nguyễn Văn Sửu tại cuộc họp về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng trên địa bàn Thành phố' là minh chứng sống động cho thấy quyết tâm của Thành phố trong việc nói 'không' với những doanh nghiệp, chủ đầu tư xem thường luật pháp liên quan đến an toàn cháy nổ.

Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội, tính đến 14/6 toàn Thành phố có 759 công trình nhà chung cư cao tầng, trong đó có 79 công trình nhà chung cư cao tầng còn tồn tại vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng (1 công trình chưa thẩm duyệt thiết kế về PCCC đã thi công; 78 công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng).

Chung cư VP3 đã được đưa vào vận hành từ nhiều năm nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Và để các dự án chung cư thực sự an toàn, TP yêu cầu tất cả các dự án chung cư đang trong quá trình hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng phải có giấy chứng nhận về PPCC mới được phép vận hành (Ảnh: TD)

Các vi phạm chủ yếu là không bảo đảm lối ra thoát nạn; không có các giải pháp ngăn cháy, chống khói lan tại vị trí các trục kỹ thuật thông tầng, khoảng trống thông tầng; tự ý thay đổi thiết kế công trình; thiếu phương tiện PCCC… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các công trình đã đưa vào hoạt động nhưng không đảm bảo về yêu cầu PCCC do thi công không đúng theo hồ sơ đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC và chủ đầu tư không chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC.

Bên cạnh việc bắt buộc các chủ đầu tư thực hiện việc nghiệm thu theo quy định, nhằm thông tin đến người dân một cách cụ thể nhất, ngăn ngừa tình trạng chung cư chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng, cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã tiến hành cập nhật và công khai kết quả trên trang thông tin điện tử của mình cùng các phương tiện truyền thông. Thông qua những việc làm này, người dân có điều kiện tiếp cận thông tin về công tác đảm bảo PCCC của các dự án chung cư, qua đó yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ quy định.

Theo cảnh sát PCCC Hà Nội, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Thành phố đã có thêm 6 công trình khắc phục và đã có nghiệm thu về PCCC, còn tồn tại 73 công trình chưa khắc phục; 53 công trình, chủ đầu tư cam kết sẽ khắc phục trước ngày 30/7; 20 công trình còn lại sẽ khắc phục xong trước ngày 31/10.

Để giải quyết dứt điểm các vi phạm về PCCC đối với các dự án chung cư cao tầng trên địa bàn, UBND TP đã có chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội không cấp giấy phép xây dựng khi công trình chưa được Cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, không nghiệm thu và cấp văn bản cho phép công trình được đưa vào hoạt động khi chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC; báo cáo Bộ Xây dựng về tình trạng các dự án, công trình sai phạm, vi phạm quy định về PCCC trên địa bàn TP thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội không giới thiệu địa điểm cấp đất, giao đất, cho thuê đất đối với các đơn vị là chủ đầu tư 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng chưa khắc phục; Tổng công ty Điện lực thành phố và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội phối hợp và căn cứ kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện việc ngừng cấp điện nước, đảm bảo theo quy định của pháp luật; không ký hợp đồng cấp điện, nước phục vụ thi công khi chưa có văn bản thẩm duyệt thiết kế PCCC, giấy phép xây dựng; không cấp điện, cấp nước sử dụng khi chưa có văn bản nghiệm thu về PCCC về xây dựng để đưa công trình vào sử dụng...

Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, UBND TP cũng đã yêu cầu cảnh sát PCCC Thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc khắc phục các vi phạm về PCCC (15 ngày/lần); nêu rõ việc thực hiện những cam kết của chủ đầu tư hoàn thành đến đâu, ra thông báo tạm đình chỉ, đình chỉ khi cần thiết. Sau k hi xử phạt xong, nếu chủ đầu tư “chây ì” không khắc phục thì đề xuất chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế. Trường hợp cần thiết, củng cố hồ sơ, tập hợp đầy đủ chứng cứ đề xuất chuyển cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành xử lý theo quy định.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-giay-thong-hanh-ve-phong-chay-chua-chay-56230.html