Cơ giới hóa đồng bộ, hướng tới nền nông nghiệp bền vững

Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Đây là trao đổi của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam với phóng viên TBTCVN xung quanh Chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PV: Thưa ông, lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã có bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, ổn định của ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của cơ giới hóa, cũng như làm rõ hơn nội hàm khái niệm “cơ giới hóa đồng bộ” trong nông nghiệp?

Ông Trần Thanh Nam: Trên cơ sở kết quả trong quá trình sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cơ giới hóa nông nghiệp có những đóng góp rất quan trọng. Trong 10 năm (2011 - 2021), số chủng loại máy nông nghiệp đã tăng lên, như: máy kéo tăng 60%, máy bơm tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng gần 80%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 90%.

Mức độ cơ giới hóa tại một số khâu, trong một số lĩnh vực ngành Nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như: trồng trọt đạt từ 70% - 100% (làm đất, tưới, bảo vệ thực vật), chăn nuôi đạt từ 55% - 90% (cung cấp thức ăn, nước cho vật nuôi trong chuồng). Việc gia tăng trang thiết bị, máy móc đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, đặc biệt đã thay thế lực lượng lao động trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đánh giá, cơ giới hóa trong nông nghiệp hiện đang thiếu đồng bộ giữa các khâu, công đoạn trong quá trình sản xuất, ảnh hưởng đến lịch thời vụ sản xuất, phòng chống dịch bệnh và biến đổi của thời tiết. Lực lượng lao động phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp chưa được đào tạo bài bản…

Để giải quyết thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 (Quyết định số 858/QĐ-TTg), sắp tới là nghị định cơ giới hóa đồng bộ với định hướng: “Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu sản xuất nông nghiệp”.

Đồng bộ ở đây được hiểu là đồng bộ giữa việc trang bị các loại máy, thiết bị, công nghệ trong các khâu sản xuất nông nghiệp với hạ tầng kỹ thuật sản xuất và nguồn nhân lực được đào tạo, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; đồng bộ trong toàn bộ chuỗi liên kết từ sản xuất, vận chuyển, sơ chế, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều người dân vận hành và sử dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Khánh Linh

Nhiều người dân vận hành và sử dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Khánh Linh

PV: Nhằm thúc đẩy tiến trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đưa ra những giải pháp trọng tâm gì, thưa ông?

Ông Trần Thanh Nam: Trong các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã đề xuất giải pháp trọng tâm là hình thành các trung tâm cơ giới hóa cấp vùng. Đây không phải là tổ chức bộ máy hành chính sự nghiệp do Nhà nước thành lập, mà là trung tâm tập hợp các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực về cơ giới hóa, công nghệ mới, công nghệ thông minh để hợp tác, liên kết và cung ứng dịch vụ cơ giới hóa và công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp; là nơi đặt hàng cho công tác nghiên cứu, đào tạo của các trường đại học, viện nghiên cứu; cũng là nơi hỗ trợ cơ giới hóa các vùng nguyên liệu quy mô lớn đạt chuẩn.

Trung tâm hoạt động dưới hình thức các doanh nghiệp, hợp tác xã, viện nghiên cứu, trường đại học tự tổ chức liên kết để nghiên cứu, chuyển giao cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng các vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực. Nhà nước giữ vai trò định hướng, khuyến khích phát triển trung tâm cơ giới hóa vùng, nhằm đẩy mạnh tiến trình cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển cơ giới hóa đồng bộ.

Với ý nghĩa đó, chúng tôi đề xuất mô hình trung tâm cơ giới hóa các vùng để Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới. Chúng tôi nghĩ, mô hình này sẽ đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp, nông dân, các cấp chính quyền trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.

Hàng triệu người sử dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp

Theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí, 271 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động thuần cơ khí, trong đó có gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy; hàng triệu người dân vận hành và sử dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp. Đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ, lẻ, hộ gia đình.

PV: Để triển khai ý tưởng đó, Bộ NN&PTNT và các địa phương đóng vai trò như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Nam: Để chuyển đổi cách tiếp cận cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, theo tôi cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện, sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học, các viện, trường và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thì mới có thể đẩy mạnh hiệu quả quá trình cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT sẽ rà soát và tham mưu trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, trong đó đề xuất chính sách hỗ trợ cơ giới hóa đồng bộ, tham mưu quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn máy nông nghiệp, quy trình cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành Đề án Phát triển trung tâm cơ giới hóa vùng và hướng dẫn các địa phương thực hiện; tổ chức thực hiện tốt Đề án xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn (Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT).

Các địa phương cần cụ thể thể hóa các cơ chế, chính sách về cơ giới hóa phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất tham gia thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 thế giới

Mới đây, tại TP. Cần Thơ, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Agitechnica Asia Live 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội thảo “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”. Hội thảo này diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030.

Theo ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030 là trồng trọt đạt 70%; chăn nuôi đạt 60%; sản xuất thủy sản đạt 90% và đánh bắt bảo quản là 95%; lâm nghiệp đạt 50% và diêm nghiệp đạt 90%. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 thế giới.

Bên cạnh đó, mục tiêu còn là phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển cơ giới hóa đồng bộ phù hợp với trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, theo từng vùng sản xuất nông nghiệp gắn với tổ chức sản xuất có quy mô lớn và theo chuỗi giá trị nông sản.

Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những giải pháp chính là phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hóa. Đồng thời, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp… cần được đẩy mạnh.

Nguyên Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-gioi-hoa-dong-bo-huong-toi-nen-nong-nghiep-ben-vung-114183-114183.html