Cố hạ thấp thành công của Nga, Phương Tây hoang tưởng

Nga vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ, chủ yếu là do Moscow có đủ lên lửa và đầu đạn hạt nhân để phá hủy nước Mỹ.

Bằng chứng kiểu...chuẩn phương Tây

Những tin tức cho thấy Nga đang gặt hái thành công từ Trung Đông tới châu Á, châu Phi và cả châu Âu. Những ví dụ nổi bật đang được nhắc tới là sự can dự của Nga ở Syria giúp chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đứng vững và giờ “làm chủ” cuộc chơi. Mới đây, Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh châu Phi ở Sochi.

Mặc dù vậy, giới phân tích phương Tây vẫn chỉ ra những điểm yếu của Nga mà trước hết là thông qua con số thống kê. Trang Viện chính sách chiến lược của Australia (ASPI) thậm chí đánh giá Nga có thể vẫn chỉ là một kẻ phá bĩnh quốc tế và đằng sau sự phiêu lưu là suy tàn.

Bài viết đánh giá về Nga trên ASPI

Bài viết đánh giá về Nga trên ASPI

Trang này nhắc lại sự kiện năm 1959, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đưa ra tuyên bố rằng Liên Xô sẽ vượt Mỹ vào năm 1970 hoặc năm 1980. Thế nhưng, năm 1991, Liên Xô đã sụp đổ, khiến cho nước Nga bị thu hẹp lại, bằng 3/4 lãnh thổ của Liên Xô, một nửa dân số, một nửa nền kinh tế và 1/3 quân số quân đội.

ASPI cũng đưa ra đánh giá dựa trên thống kê về GDP, theo đó, GDP của Nga chỉ là 1,7 nghìn tỷ USD so với 21 nghìn tỷ USD của Mỹ. Năm 1989, kinh tế của Liên Xô gấp đôi Trung Quốc nhưng ngày nay, GDP của Nga bằng 1/7 của Trung Quốc.

Một lưu ý nữa được đưa ra là Nga phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu năng lượng; các sản phẩm công nghệ cao chỉ chiếm 11% các mặt hàng sản xuất xuất khẩu (so với 19% của Mỹ).

ASPI còn nêu ra những yếu tố thuộc về “sức mạnh mềm” của Nga. Theo trang này, mặc dù ngôn ngữ, lịch sử và di cư lao động cung cấp cho Nga một số sức mạnh mềm ở bên ngoài gần nước Nga, song thực tế là rất ít người nước ngoài xem phim Nga và không có trường đại học nào của Nga nằm trong danh sách 100 trường đại học hàng đầu thế giới.

Các thể chế chính trị cho một nền kinh tế thị trường hiệu quả hầu như không có và chủ nghĩa tư bản nhà nước “kiểu địa chủ” không có chính sách hiệu quả để tạo niềm tin. Hệ thống y tế công yếu kém và tuổi thọ trung bình của người dân Nga là 72 tuổi (ở cả nam lẫn nữ), thấp hơn 5 tuổi so với ở châu Âu.

Tổng thống Nga V. Putin

Các nhà nhân khẩu học Liên hợp quốc dự đoán rằng dân số của Nga có thể sẽ giảm từ 145 triệu người xuống còn 121 triệu người vào giữa thế kỷ này.

ASPI đánh giá Nga là một “nền kinh tế thời vụ” có nhiều vấn đề về y tế và nhân khẩu học. Nga đã vạch ra các kế hoạch để giải quyết những vấn đề này, nhưng hầu như không được thực hiện và việc hiện đại hóa đất nước gặp khó khăn. Tổng thống Nga Vladimir Putin thành công trong việc khôi phục sự hiện diện của Nga trên sân khấu thế giới, nhưng ASPI cho rằng ông không phải là một chiến lược gia khéo léo giải quyết các vấn đề dài hạn của đất nước.

Ly gián và kích động

Theo trang này, một trong những chiến thuật thành công của Tổng thống Putin là liên kết với Trung Quốc. Sau khi bị phương Tây trừng phạt, Nga đã tuyên bố Trung Quốc là “đối tác chiến lược chủ chốt”. Đổi lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Tổng thống Putin là “đồng nghiệp và là người bạn tốt nhất của tôi”.

Giới phân tích Australia tỏ ra không mấy ngạc nhiên khi cho rằng đây là vấn đề cân bằng quyền lực chính trị truyền thống trước sức mạnh của Mỹ. Trong những năm 1950, Trung Quốc và Liên Xô đã liên minh chống Mỹ. Sau sự cởi mở của Nixon đối với Trung Quốc năm 1972, Mỹ và Trung Quốc đã hợp tác để hạn chế sức mạnh của Liên Xô.

Hợp tác với Trung Quốc chỉ là "chiến thuật" của Nga?

Năm 1992, Nga và Trung Quốc tuyên bố mối quan hệ “đối tác mang tính xây dựng”. Mối quan hệ đó đã trở thành “đối tác chiến lược” vào năm 1996, và tháng 7/2001 hai bên đã ký hiệp ước “hữu nghị và hợp tác”.

Hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đưa ra những quan điểm chung về kiểm soát internet quốc tế, sử dụng nhiều khuôn khổ ngoại giao khác nhau, chẳng hạn như Nhóm BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để điều phối quan điểm. Hai nước hiện chia sẻ công nghệ quân sự phi hạt nhân và tiến hành nhiều cuộc tập trận chung.

Bất chấp những biểu hiện trên, ASPI chỉ ra những trở ngại đối với mối quan hệ Trung-Nga và vượt ra ngoài sự phối hợp chiến thuật của hai nước. Đó chính là sự ngờ vực vẫn tồn tại. Trang này cho rằng trong thế kỷ 19, không quốc gia nào chiếm đất từ Trung Quốc nhiều hơn Nga và tình hình nhân khẩu học ở vùng Viễn Đông của Nga đang là mối lo ngại lớn của Moscow. Tại khu vực này chỉ có 6 triệu người Nga trong khi dân số của Trung Quốc là 120 triệu người.

Sự suy giảm kinh tế của Nga làm tăng mối lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù thương mại tăng lên, song đầu tư chậm lại, và Nga chỉ đứng thứ 10 trong số các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc.

Tờ The Economist mới đây đưa tin Nga lo lắng trở thành đối tác cấp thấp và phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Dù Trung Quốc và Mỹ đang trong tình trạng căng thẳng, đặc biệt là cuộc chiến thương mại lan rộng, song trên thực tế Trung Quốc vẫn coi mối quan hệ với Mỹ là “quan trọng nhất”.

Phương Tây chỉ sợ vũ khí hạt nhân Nga?

Sau khi đưa ra đánh giá rằng Nga đang “xuống dốc”, ASPI đưa ra cảnh báo rằng Mỹ không được hài lòng và coi Nga là cường quốc hạng hai. Lý do được đưa ra là quyền lực suy giảm không đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ ít hơn. Ví dụ được nêu ra là trường hợp của liên minh Áo-Hung năm 1914. Theo trang này thì quốc gia “xuống dốc” có ít thứ để mất hơn so với các cường quốc đang lên.

Do đó, ASPI cho rằng Nga vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ, chủ yếu là do Moscow có đủ lên lửa và đầu đạn hạt nhân để phá hủy nước Mỹ. Và sự suy giảm tương đối đã khiến Moscow không muốn từ bỏ vị thế hạt nhân của mình.

Một thực tế nữa được ASPI nêu ra là ngay cả khi đang xuống dốc, Nga vẫn có rất nhiều nhà khoa học, kỹ sư lành nghệ và dân số có học thức và nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn. Nga dường như không còn sở hữu các nguồn lực để cân bằng sức mạnh của Mỹ theo cách Liên Xô đã làm trong suốt 4 thập kỷ sau Thế chiến II nhưng với sức mạnh hạt nhân, dầu mỏ và khí đốt, kỹ năng trong công nghệ điều khiển học, vị trí địa lý gần châu Âu và khả năng liên minh với Trung Quốc, Nga có khả năng sẽ gây ra các vấn đề cho Mỹ.

Những đánh giá trên của ASPI nằm trong xu hướng chung của phương Tây khi nhìn nhận về Nga hiện nay. Một mặt, họ coi Nga là “mối đe dọa” và đánh giá cao sức mạnh của trong nhiều trường hợp. Mặt khác, phương Tây luôn tìm ra lý lẽ để thuyết phục rằng Nga đang “xuống dốc” hay đang trải qua một “mùa đông” trong phát triển...

Nhìn thoáng qua với những con số thống kê thì đánh giá của ASPI hay nhiều đánh giá tương tự có vẻ có cơ sở, thậm chí chính xác tới từng chi tiết. Tuy nhiên, lời nói được thể hiện dường như không phản ánh suy nghĩ thật trong đầu của phương Tây.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/co-ha-thap-thanh-cong-cua-nga-phuong-tay-hoang-tuong-3391224/