Có hay không đau ở động vật?

Đau được Hiệp hội Nghiên cứu đau quốc tế (IASP) định nghĩa 'là cảm giác khó chịu và là trải nghiệm cảm xúc xuất hiện cùng với tổn thương mô thực thể hay tiềm tàng, hoặc được mô tả giống như có tổn thương'.

Tuy nhiên, đối với các loài động vật, điều này rất khó, thậm chí chúng ta còn không biết liệu các loài động vật có xuất hiện một trải nghiệm cảm xúc hay không?

Động vật có đau hay không?

Các phương pháp lượng giá đau tiêu chuẩn ở người hiện nay đều dựa vào lời khai của người đó, bởi vì chỉ có chính họ mới có thể biết tính chất và cường độ của cảm giác đau. Động vật do không có ngôn ngữ như con người nên không thể nói lên cảm xúc của mình và chúng ta cũng không biết chúng có ý thức và cảm giác đau hay không. Đây vẫn là vấn đề mà các nhà khoa học đang còn tranh luận.

Nhiều ý kiến cho rằng động vật không thể có trải nghiệm đau hoặc cảm giác đau như con người được nhà triết học Pháp thế kỷ 17 René Descartes đưa ra và lập luận rằng động vật không có ý thức. Đến những năm 1980, các nhà nghiên cứu vẫn không chắc chắn liệu động vật có trải nghiệm đau hay không. Các bác sĩ thú y được đào tạo ở Mỹ trước năm 1989 đã được học bỏ qua vấn đề đau ở động vật. Những đánh giá khoa học hiện nay cho thấy khả năng một số loài động vật ít nhất cũng có những suy nghĩ và cảm giác ý thức đơn giản, tuy nhiên, một số tác giả vẫn tiếp tục đặt câu hỏi làm thế nào để xác định được trạng thái tâm lý ở động vật.

Mức độ đau của động vật thí nghiệm được xem như một trong những vấn đề về đạo đức trong nghiên cứu khoa học (Ảnh minh họa).

Đau ở một số loài động vật

Các nhà khoa học đã chứng minh ở cá có các tế bào thần kinh cảm giác rất nhạy cảm với các kích thích gây hại và đồng nhất về sinh lý so với các thụ thể ở người. Các đáp ứng hành vi và sinh lý với một kích thích đau xuất hiện tương tự như ở động vật lưỡng cư, chim và động vật có vú và khi được cho uống một loại thuốc giảm đau thì những phản ứng này cũng giảm. Những người ủng hộ bảo vệ động vật đã dấy lên lo ngại về sự đau đớn có thể có ở cá khi bị câu.

Mặc dù đã có lập luận rằng hầu hết các động vật không xương sống không cảm thấy đau, nhưng có một số bằng chứng cho thấy động vật không xương sống, đặc biệt là các loài thập túc giáp xác (như cua và tôm hùm) và thân mềm (như bạch tuộc) có những biểu hiện phản ứng hành vi và sinh lý học cho thấy chúng có thể có trải nghiệm này.

Ở động vật có xương sống, opioid nội sinh là chất hóa học thần kinh làm dịu cơn đau bằng cách tương tác với các thụ thể opiat. Một số nghiên cứu đã tìm thấy các peptide opioid và các thụ thể opiat có ở giun tròn, động vật thân mềm, côn trùng và động vật giáp xác. Sự hiện diện của opioid trong động vật giáp xác đã được giải thích như là một dấu hiệu cho thấy rằng tôm hùm có thể có trải nghiệm đau, mặc dù nó đã được tuyên bố “hiện tại chưa rút ra được kết luận nào”.

Có ý kiến đưa ra lý do để bác bỏ trải nghiệm đau ở động vật không xương sống là bộ não của chúng quá nhỏ. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lại cho rằng kích thước bộ não không nhất thiết phải tương đương với sự phức tạp của chức năng. Hơn nữa, tỉ lệ trọng lượng não trên trọng lượng cơ thể ở động vật thân mềm là tương tự như ở động vật có xương sống, nhưng nhỏ hơn ở các loài chim và động vật có vú và tương tự hay lớn hơn so với hầu hết các loài cá.

Thỏ thường hay được dùng làm vật thí nghiệm khoa học.

Mức độ đau ở động vật

Động vật được sử dụng trong phòng thí nghiệm với nhiều lý do, trong đó có thể liên quan đến đau. Mức độ đau mà thử nghiệm gây ra cho động vật thí nghiệm là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận và được xem như một trong những vấn đề về đạo đức trong nghiên cứu khoa học.

Một số nhà phê bình chỉ ra một nghịch lý là trong thời đại cần nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật thì chính các nhà nghiên cứu lại có khuynh hướng phủ nhận trải nghiệm đau của động vật đơn giản chỉ vì họ không muốn thừa nhận chính mình là người gây ra điều đó. Vấn đề đạo đức trong việc gây đau và tổn thương cho động vật thí nghiệm đã được nhiều nước đưa vào luật, như Luật Bảo vệ động vật 1966 ở Mỹ, Luật (thủ thuật khoa học) Động vật 1986 ở Anh.

Tính đến năm 2011, đã có 11 nước có hệ thống quốc gia phân loại các đề tài nghiên cứu về mức độ nghiêm trọng liên quan đến đau ở động vật được sử dụng là: Australia, Canada, Phần Lan, Đức, Cộng hòa Iceland, Hà Lan, New Zealand, Ba Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Anh. Hoa Kỳ cũng có một hệ thống phân loại động vật sử dụng trong khoa học, nhưng có sự khác biệt với các nước khác ở chỗ nó nói về các loại thuốc giảm đau đã được yêu cầu sử dụng.

Phân loại mức độ đầu tiên được thực hiện năm 1986 ở Phần Lan và Vương quốc Anh. Số lượng các loại mức độ dao động trong khoảng 3 (Thụy Điển và Phần Lan) và 9 (Australia). Tại Anh, các dự án nghiên cứu được phân loại là “nhẹ”, “vừa phải” và “đáng kể” về sự gây tổn thương cho động vật mà chúng có thể gây ra; một cấp thứ tư là “không phân loại” có nghĩa là con vật sẽ được gây mê và bị giết chết mà không phục hồi ý thức. Tại Mỹ, “Hướng dẫn chăm sóc và sử dụng động vật trong thí nghiệm” thừa nhận khả năng gây đau cho các động vật thí nghiệm và đưa ra các quy định về sử dụng các biện pháp giảm đau trong thử nghiệm trên động vật.

Tại Việt Nam, gần đây, Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức các cuộc hội thảo về động vật thí nghiệm. Đến nay, chúng ta không thể phủ nhận được sự cần thiết của việc sử dụng động vật trong nghiên cứu khoa học, vì thế, cần quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của động vật và các biện pháp bảo vệ, chăm sóc động vật phục vụ nghiên cứu khoa học.

BS. Mai Trung Dũng (Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện 354)

Nguồn Thanh Niên: http://suckhoedoisong.vn/co-hay-khong-dau-o-dong-vat-n142859.html