Có hay không sự buông lỏng quản lý các bệnh viện, phòng khám gắn mác 'quốc tế'? (kỳ cuối): Hà Nội chỉ có 1 bệnh viện đạt chuẩn quốc tế

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng quản lý hành nghề (sở Y tế Hà Nội), hiện nay trên địa bàn Hà Nội chỉ có duy nhất 1 bệnh viện đạt chuẩn quốc tế là bệnh viện Vinmec, còn lại những phòng khám, bệnh viện khác có từ quốc tế chỉ là tên gọi.Nghe từ 'quốc tế' là yên tâm

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng quản lý hành nghề (sở Y tế Hà Nội), hiện nay trên địa bàn Hà Nội chỉ có duy nhất 1 bệnh viện đạt chuẩn quốc tế là bệnh viện Vinmec, còn lại những phòng khám, bệnh viện khác có từ quốc tế chỉ là tên gọi.

“Quốc tế” chỉ là tên gọi, tự phong

Trước những khái niệm về “quốc tế” mà các bệnh viện, phòng khám có tên quốc tế đưa ra. PV báo ĐS&PL cũng đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng quản lý hành nghề (sở Y tế Hà Nội).

Đem thắc mắc không biết hiện trên địa bàn Hà Nội có bao nhiêu bệnh viện, phòng khám chuẩn quốc tế. Ông Nguyễn Quang Trung cho biết: “Hiện nay, nay ở Hà Nội chỉ có Vinmec là bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế. Còn không có bệnh viện nào, phòng khám nào đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

Về tên gọi quốc tế kèm theo tên của bệnh viện, phòng khám, ông Nguyễn Quang Trung cho hay: “Các thông tin tự đặt tên quốc tế là quyền của người ta, chỉ là tên gọi, chứ hiện nay không có tiêu chuẩn, luật Khám bệnh chữa bệnh không quản lý”.

Ông Nguyễn Quang Trung cho biết trên địa bàn Hà Nội hiện chỉ có 1 bệnh viện đạt chuẩn quốc tế.

PV đưa ra ví dụ hiện nay trên địa bàn Hà Nội có nhiều phòng khám, bệnh viện quốc tế như: Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc, bệnh viện đa khoa quốc tế Thiên Đức..., vậy sở Y tế có quản lý tên gọi những bệnh viện này hay không? Vị Trưởng phòng quản lý hành nghề thông tin: “Đây chỉ là tên gọi, chúng tôi không quản lý, tự người ta thích đặt thế nào thì đặt, miễn là không trùng tên. Không có luật nào cấm tự đặt tên cả”.

Khi PV tỏ ra lo ngại về việc đặt tên như vậy sẽ gây hiểu lầm, ông Nguyễn Quang Trung thừa nhận: “Đúng là có hiện tượng đó, nhưng hiện nay trong vấn đề này chúng tôi thường khuyến cáo phòng khám, bệnh viện khi thành lập nên chú ý tên gọi. Hiện chưa có tiêu chuẩn nào để đặt tên, các bệnh viện có dịch vụ gì đạt chuẩn quốc tế”.

Liên quan đến bệnh viện, phòng khám có từ “quốc tế”, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế). Nói về việc đặt tên bệnh viện, phòng khám có từ “quốc tế”, ông Nguyễn Huy Quang cho biết: “Theo tôi, việc đặt tên căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, được biết trong lĩnh vực y tế không có tiêu chuẩn quốc tế hay Việt Nam, đây chỉ là danh xưng mà thôi”.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, chữ quốc tế tại biển tên của một số bệnh viện, phòng khám tại Hà Nội (trừ bệnh viện Vinmec) không có ý nghĩa về mặt khám bệnh, chữa bệnh. “Chính vì thế, theo tôi cần thiết nên dẹp bỏ, siết chặt lại danh xưng gắn mác “quốc tế””, ông Quang bày tỏ.

“Muốn giải quyết được điều này, chúng ta phải bắt đầu từ bộ Kế hoạch và Đầu tư, là nơi cấp giấy phép kinh doanh cho các bệnh viện, phòng khám cũng như đặt tên cho các đơn vị. Chúng ta phải quyết liệt từ đó, cũng mới đây một số cơ sở y tế có xin chúng tôi về việc đặt thêm tên quốc tế, tuy nhiên chúng tôi yêu cầu ngừng ngay vì như thế người bệnh rất hiểu nhầm”, ông Quang nhấn mạnh.

Khó kiểm soát phí dịch vụ với các bệnh viện tự xưng “quốc tế”

Theo các luật sư, việc dùng từ “quốc tế” tại các phòng khám, bệnh viện trên địa bàn đễ gây ra sự hiểu lầm cho người dân. Và các cơ quan quản lý, chức năng cần vào cuộc siết chặt lại những tên gọi dễ gây hiểu lầm này.
Trao đổi với PV, LS Nguyễn Văn Tuấn (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, hiện nay, pháp luật nước ta không có quy định nào về loại hình trường học quốc tế hay bệnh viện quốc tế.

Đối với hệ thống tổ chức các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tại Điều 81, luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 lại chỉ ghi nhận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước, tư nhân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Đồng thời cũng không có quy định nào về tiêu chuẩn quốc tế cho các bệnh viện.

Thực chất, danh xưng “quốc tế” này chỉ là tự xưng để tự khẳng định đẳng cấp của mình, thu hút người học, thu hút bệnh nhân”.

LS Tuấn phân tích: “Mặc dù pháp luật không có quy định cho cả các trường học cũng như bệnh viện nhưng trên quan điểm lý luận thì lại có một số nhận định khác nhau để đánh giá tính “quốc tế” này. Chẳng hạn như trường học được gọi là “quốc tế” nếu như có cơ sở ở nhiều quốc gia, có thể chuyển tiếp học sinh qua các quốc gia khác nhau, học sinh học tập với ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh, có vốn đầu tư nước ngoài hoặc thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài,...

Còn với hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lại có sự rõ ràng hơn khi có tổ chức giám định chất lượng bệnh viện của Mỹ - JCI, tổ chức này được thành lập từ lâu đời và được công nhận trên toàn cầu, xác định 321 tiêu chuẩn và 1.312 yếu tố đo lường cụ thể cho các bệnh viện.

Hiện nay, tại địa bàn TP.Hà Nội, mới chỉ có bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (Times City) đã được JCI công nhận là đạt chuẩn chất lượng dịch vụ y tế - hay còn gọi là chứng chỉ JCI. Có thể thấy, do thiếu quy định pháp luật về vấn đề này nên mới xảy ra tình trạng loạn, lạm dụng từ “quốc tế” để đánh bóng, gây nhầm lẫn cho người dân”.

“Với việc đặt tên này, các bệnh viện tự xưng quảng cáo, truyền thông về tính “quốc tế” có thể sẽ bị xử phạt theo pháp luật về hành vi quảng cáo, gây nhầm lẫn về chất lượng, dịch vụ, hành vi này bị nghiêm cấm theo khoản 9, Điều 8, luật Quảng cáo năm 2012.

Đặc biệt với lĩnh vực y tế, mang tính nhạy cảm khi gắn với sức khỏe, tính mạng con người, còn có quy định riêng biệt, theo đó các hành vi quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 7, Điều 6, luật Khám chữa bệnh năm 2009”, LS Tuấn thông tin.

LS Tuấn nhận định, với tiêu chuẩn “quốc tế” tự xưng của mình, nhiều cơ sở đào tạo, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tự ý tăng giá dịch vụ lên rất cao. Việc này rất khó kiểm soát với các loại hình bệnh viện tư nhân. “Một phần là do sự chấp nhận chi trả của chính người dân, tâm lý “sính ngoại” và sự tin tưởng vào hình thức đã tạo cơ hội cho việc tăng giá không tương xứng với chất lượng dịch vụ.

Nhìn chung, hiện nay các bộ ban ngành sẽ có quy định riêng cho ngành, theo đó bộ Y tế có trách nhiệm kiểm soát về chất lượng, giá cả của ngành y tế bằng cách đưa ra mức giá trần cho các dịch vụ cụ thể. Tuy nhiên, đó chỉ là trong khối các cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước.
Do vậy, cần có can thiệp sâu hơn đối với các cơ sở tư nhân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác, đồng thời phải kiểm soát chất lượng kỹ càng, ban hành bộ tiêu chuẩn cho các bệnh viện”, LS Tuấn nói.

Nghe từ “quốc tế” là yên tâm

Chia sẻ với PV, phần lớn gia đình bệnh nhân đều cho rằng vì tin vào quảng cáo về dịch vụ tại các phòng khám, bệnh viện có từ quốc tế nhanh nên họ cũng không ngần ngại chi tiền để thăm khám. Anh Huy H. (Hà Nội) chia sẻ:“Thường người thân, hay họ hàng của tôi bị ốm là đến bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Có lần tôi đưa người nhà đến Bạch Mai khám nhưng nhìn lượng người chờ khám quá đông, tôi thật sự choáng ngợp. Và kể từ đó, khi có ốm đau tôi thường hay lựa chọn phòng khám quốc tế, bệnh viện quốc tế để thăm khám. Tuy đắt hơn một chút nhưng không phải đợi lâu nên tôi cũng thấy đỡ hơn là việc phải ngồi xếp hàng dài chờ không biết bao giờ đến lượt khám”.

Thanh Lam- Di Hân

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 176

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/co-hay-khong-su-buong-long-quan-ly-cac-benh-vien-phong-kham-gan-mac-quoc-te-ky-cuoi-ha-noi-chi-co-1-benh-vien-dat-chuan-quoc-te-a300139.html