Cô hiệu trưởng dân vận khéo

Gắn bó, hi sinh vì sự bình yên của biên giới không chỉ có những người lính Biên phòng, mà còn có những cô giáo vượt bao cánh rừng hoang vu đem cái chữ đến với các em nhỏ ở các bản làng vùng cao heo hút. Trong rừng hoa tươi đẹp ấy, có người hiệu trưởng hết lòng vì trẻ em vùng biên làm tôi vô cùng cảm phục. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Hiệu trưởng Phương Lan cùng các học sinh trong lễ khai giảng năm học 2017-2018. Ảnh: Đặng Văn Nam

Năm 2004, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Thị Phương Lan xin về công tác tại Trường Mầm non xã Mường Nhà. Dẫu biết công tác ở vùng biên giới nhiều khó khăn, vất vả, nhưng thực tế vẫn làm cô hụt hẫng và đôi lúc có chút nản lòng. Tuy chỉ cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40km về phía Nam, nhưng từ năm 2012 trở về trước, Mường Nhà vẫn là một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Từ thành phố Điện Biên Phủ vào xã Mường Nhà chỉ có một con đường đất sỏi, đá gập ghềnh, mùa mưa lũ phải lội qua 2 con suối lớn bằng bè tre, vô cùng nguy hiểm và gian nan.

Về trường, Phương Lan được phân công phụ trách một lớp học mầm non ở bản Phì Cao, cách trung tâm xã Mường Nhà 10km. Đường từ xã vào bản chủ yếu là dốc cao, việc đi lại vất vả và nguy hiểm hơn gấp bội, nhất là vào mùa mưa lũ. Đời sống của người dân trong bản còn vất vả, quanh năm thiếu ăn, trình độ dân trí thấp, tỉ lệ mù chữ cao, 100% học sinh là người dân tộc Mông.

Không biết tiếng địa phương, ở một nơi không người thân, không có ánh điện, không đủ nước sinh hoạt, lớp học được bố trí dưới gầm sàn nhà dân, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học thiếu thốn đủ thứ, trẻ thường bỏ học theo bố mẹ làm nương rẫy, khiến cô giáo trẻ Lan Phương không ít lần khóc ướt đẫm gối. Cô từng có ý nghĩ bỏ nghề vì buồn và nản. Nhưng rồi hằng ngày lên lớp, quấn quýt với lũ trẻ, chăm sóc chúng từ bữa ăn, giấc ngủ rồi thành nhớ, thành thương không muốn dứt. Chính ánh mắt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên của con trẻ đã níu giữ cô ở lại với vùng biên này. Để hiểu, dạy trẻ và giao tiếp với phụ huynh, cô đã tự học tiếng địa phương, tự tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào nơi đây. Sự chân thành và tấm lòng yêu thương trẻ thơ của Phương Lan đã được nhân dân bản Phì Cao ghi nhận và trìu mến gọi cô là “người con của bản”. Đồng cảm với sự hi sinh thầm lặng của cô giáo trẻ, một sĩ quan Biên phòng đóng quân trên địa bàn đã kết duyên cùng cô. Tình yêu của anh, sự quan tâm động viên của gia đình, bạn bè, người thân đã giúp cô thêm nghị lực vượt qua khó khăn, gắn bó với mảnh đất biên cương.

Từ tháng 8-2009 đến nay, cô được giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mường Nhà. Trên cương vị người đứng đầu nhà trường, cô luôn gương mẫu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, gần gũi, quan tâm động viên, chia sẻ khó khăn cùng giáo viên, học sinh, đặc biệt là cô, trò ở các điểm bản xa. Một điều mà khi gặp Lan Phương, ai cũng có thể cảm nhận được, đó là lòng yêu nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Dù ở cương vị nào, cô cũng luôn trăn trở làm thế nào để học sinh được ăn no hơn, mặc ấm hơn, không phải chịu cảnh thiếu thốn, không phải học trong những phòng học tạm.

Mường Nhà là một xã biên giới đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trên 50%, huy động sự đóng góp từ nhân dân là điều không thể, cô quyết định đi tìm các mạnh thường quân trong và ngoài xã giúp đỡ. Chỉ tính riêng năm học 2017-2018, cô đã kết nối, kêu gọi nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ được hơn 430 triệu đồng xây dựng 3 lớp học, 1 phòng công vụ, 1 nhà bếp, 1 nhà vệ sinh, xi-téc nước năng lượng và nhiều đồ dùng học tập... Kết quả ấy là sự thành công của nghệ thuật “xã hội hóa” giáo dục, của phương pháp “dân vận khéo” với cả tâm, tầm và trí cùng sự nhiệt huyết của cô cùng đồng nghiệp.

Một kỷ niệm mà Phương Lan cũng như các đồng nghiệp của cô không thể nào quên, đó là, năm 2011, biết tin đoàn công tác do ông Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, người đã sáng lập quỹ “Cơm có thịt” cho trò nghèo vùng cao) lên Điện Biên tặng quà cho học sinh Trường Mầm non số 2 Mường Nhà, cách trường cô công tác hơn 10km, Phương Lan tức tốc tìm đến. Tuy nhiên, đến nơi thì đoàn đã lên đường về thành phố Điện Biên để về Hà Nội. Cô liền lao xe máy trên con đường gập ghềnh sỏi đá và bụi cát mùa hanh khô đuổi theo đoàn công tác.

Các cô giáo Trường Mầm non Mường Nhà sửa soạn quần áo, chăn ấm do các cá nhân có lòng hảo tâm trao tặng học sinh. Ảnh: Đặng Văn Nam

Khi thấy một cô gái ăn mặc quần áo lấm đầy bụi đất, hấp tấp và ra hiệu dừng xe, mọi người trong đoàn ngạc nhiên không hiểu chuyện gì. Sau màn chào hỏi, giới thiệu, Phương Lan đã trình bày về những khó khăn, thiếu thốn của học sinh trường cô và mong đoàn công tác giúp đỡ. Cảm phục sự hi sinh, vất vả, hết lòng vì học sinh thân yêu của cô hiệu trưởng, đoàn công tác đã nhận lời quay lại thăm cô, trò nhà trường vào sáng ngày hôm sau tại điểm trường Pu Lau thuộc Trường Mầm non xã Mường Nhà. Tận mắt chứng kiến sự khó khăn vất vả, tự tay ông Tuấn đi chợ tại trung tâm thành phố mua sắm đồ dùng cần thiết theo nhu cầu của cô, trò tại điểm trường. Quỹ “Cơm có thịt” đã quyết định hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/tháng cho trên 40 học sinh tại điểm trường Pu Lau và 400 học sinh Trường mầm non xã Mường Nhà.

Khi tiếp xúc với Phương Lan, mọi người đều cảm nhận được sự gần gũi, giản dị của một nhà giáo. Có chứng kiến cách Phương Lan trò chuyện với học sinh, phụ huynh, bạn bè và đồng nghiệp mới cảm thấy tình cảm cô dành cho mọi người chân thành, ấm áp đến thế nào. Đó là cái tâm của cô với nghề, với trò và đồng nghiệp. Ngày khai trường sắp tới gần, cô và các đồng nghiệp lại lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ gieo mầm, viết tiếp những câu chuyện đẹp cho đời. Xin cảm ơn cô và những cô giáo trẻ vùng cao đã dành cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người nơi biên cương của Tổ quốc, để ước mơ của những đứa trẻ nơi đây được bay cao, bay xa.

Đặng Văn Nam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/co-hieu-truong-dan-van-kheo/