Cơ hội bị bỏ lỡ

Một bộ quy tắc ứng xử về chống biến đổi khí hậu đã không được đưa ra sau khi Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 25) ở Madrid (Tây Ban Nha) vừa kết thúc. Ngay sau hội nghị với kết quả đáng thất vọng này, Tổng Thư ký LHQ A.Guterres tiếc nuối cho rằng, 'đây là cơ hội bị bỏ lỡ' trong cuộc chiến chống lại tình trạng ấm lên của Trái đất.

Phát biểu hôm 15-12 ngay sau khi hội nghị COP 25 kết thúc, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh: "Tôi rất thất vọng về kết quả của COP 25. Cộng đồng quốc tế đã mất đi Cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn về giảm nhẹ tác động, tăng cường thích nghi và tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu". Nỗi thất vọng của Tổng Thư ký LHQ cũng là cảm giác chung của các nhà hoạt động môi trường, các quốc gia đang là "nạn nhân" của biến đổi khí hậu và cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tình trạng Trái đất ấm lên đang giống như "bom nổ chậm" đe dọa gây các thảm họa cho toàn nhân loại.

Ngay trong thời điểm diễn ra COP 25 lần này, giới khoa học đã công bố các nghiên cứu cảnh báo tình trạng băng tan tại đảo Greenland (Ðan Mạch) đang diễn ra nhanh hơn dự báo và có thể đẩy thêm hàng triệu người đối mặt với hiểm họa thiên tai vào cuối thế kỷ. Theo đó, kể từ năm 1992, những khối băng có độ dày lên đến 3 km tại một số điểm ở Greenland đã tan chảy lượng băng đá tương đương 3,8 nghìn tỷ tấn, đủ để làm tăng thêm 1,06 cm mực nước biển. Trong khi đó, nồng độ CO2 trong khí quyển vốn đã liên tục tăng cao trong vài chục năm qua, sẽ đạt mức trung bình 410 phần triệu trong năm 2019 - mức cao nhất trong hàng trăm năm qua.

Hậu quả của tình trạng nêu trên là hàng chục triệu người trên Trái đất đối mặt thiên tai thảm khốc và nguy cơ chết đói. Tại COP 25, tổ chức cứu trợ nhân đạo Save the Children cảnh báo rằng, tác động của biến đổi khí hậu đang đẩy hàng chục triệu người ở 10 quốc gia khu vực phía đông và nam châu Phi tới bờ vực của nạn đói. Riêng trong năm 2019, lũ lụt, lở đất, hạn hán và lốc xoáy đã tàn phá nhiều khu vực ở đông và nam châu Phi, khiến ít nhất 33 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nguy cấp. Ngoài ra, hơn 16 triệu trẻ em đối mặt với nguy cơ khẩn cấp về lương thực.

Trước nguy cơ cấp bách từ biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế đã kỳ vọng COP 25 sẽ tìm ra những giải pháp đáng kể cho "bài toán chống biến đổi khí hậu". Các nhà lãnh đạo quốc tế cũng đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ về việc phải chung tay cứu "hành tinh xanh" trước khi quá muộn. Theo đó, Hiệp định Paris là hiệp định duy nhất mang tính ràng buộc toàn cầu để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng hối thúc COP 25 gửi đi thông điệp mạnh mẽ về việc các nước đang sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn để giảm khí thải. Bên ngoài hội nghị COP 25 diễn ra ở Tây Ban Nha, hàng chục nghìn người tại nhiều nước trên thế giới, nhất là ở châu Âu, đã xuống đường tuần hành kêu gọi, gây sức ép đòi lãnh đạo các quốc gia và thế giới phải hành động trước khi quá muộn để ngăn chặn tình trạng Trái đất ấm lên, dẫn đến biến đổi khí hậu gây thảm họa cho nhân loại...

Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng lớn nêu trên, sau hai tuần họp, COP 25 đã kết thúc với một tuyên bố chung gây thất vọng, chỉ thừa nhận nhu cầu cấp thiết đối với các cam kết cắt giảm khí thải mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khí thải hiện tại với các mục tiêu của Hiệp định Paris, nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất dưới 20C. Ðiều đáng thất vọng là các nước như Mỹ, Brazil, Australia, A-rập Xê-út - những nước phát thải khí CO2 nhiều nhất - lại tiếp tục né tránh trách nhiệm trong việc tăng cường các nỗ lực chống hiện tượng Trái đất ấm lên. Nhiều chuyên gia môi trường đã gọi hành động này là "đáng xấu hổ", trong khi tại diễn đàn COP 25, nhà hoạt động trẻ người Thụy Ðiển G.Thunberg đã chỉ trích các nước giàu tìm cách né tránh thực hiện cam kết cắt giảm khí thải. Theo một bản đánh giá về những nỗ lực của các nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được công bố tại COP 25, Mỹ là nước xếp cuối bảng xếp hạng Chỉ số hành động biến đổi khí hậu (CCPI). Ðứng áp chót trong danh sách này là A-rập Xê-út và Australia, chủ yếu do hai nước này vẫn không hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu than đá.

Như vậy, dù đã kéo dài thời gian hội nghị thêm hai ngày, các quốc gia tham dự COP 25 vẫn không thể hoàn tất một bộ quy tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái đất dưới ngưỡng 20C và nếu có thể là 1,50C. Nguyên nhân khiến các bên chưa thể tìm được tiếng nói chung là vì họ không thống nhất được cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý các thị trường khí thải. Một bất đồng lớn khác là về vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan liên quan biến đổi khí hậu.

Với việc COP 25 chưa thể xây dựng bộ quy tắc ứng xử về chống biến đổi khí hậu, COP 26 dự kiến diễn ra ở Anh vào năm 2020 sẽ phải tiếp tục "sứ mệnh dang dở" ở hội nghị Ma-đrít năm nay. Trong lúc chờ đợi, thế giới lại tiếp tục thắc thỏm mối lo Trái đất ấm lên.

HÀ VIỆT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42608802-co-hoi-bi-bo-lo.html