Cơ hội cho các doanh nghiệp tại Anh thời hậu Brexit

Chỉ còn 6 tháng nữa, nước Anh chính thức rời khỏi mái nhà chung Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Dù hai bên hiện chưa thống nhất quan điểm về một thỏa thuận 'ly hôn', nhưng Chính phủ Anh vẫn khẳng định xứ sở Sương mù thời kỳ hậu Brexit sẽ là một trong những mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp phát triển …

Trong tuyên bố mới đây, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định, dù cho Anh đạt được thỏa thuận khi “chia tay” EU hay rời khỏi khối này mà không có bất cứ thỏa thuận nào, thì London thời hậu Brexit vẫn mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong thu hút nhân tài và xứ sở Sương mù sẽ là một trong những nơi tốt nhất để phát triển kinh doanh.

Theo Independent, phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp tại New York (Mỹ), bà Theresa May nhấn mạnh, sau khi rời EU, Anh sẽ áp dụng mức thuế suất doanh nghiệp thấp nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ngoài ra, London còn khởi động hệ thống nhập cư mới để bảo đảm cho các doanh nghiệp có thể thu hút những nhân tài sáng giá nhất. Theo đó, sau khi nước này chính thức rời EU, những người muốn nhập cư vào Anh cần phải trải qua quá trình xét duyệt visa nhập cư với hai tiêu chí căn bản: Kỹ năng tay nghề và khả năng tài chính. Các lao động nước ngoài có tay nghề cao sẽ dễ dàng được cấp visa vào Anh làm việc hơn là những lao động tay nghề thấp. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng cũng cảnh báo rằng, việc cắt giảm lao động có tay nghề thấp của Chính phủ Anh sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với các ngành điều dưỡng, xây dựng, chế biến thực phẩm và khách sạn. Điểm đáng chú ý, trong chính sách nhập cư mới được Anh đưa ra sẽ không có ưu tiên đặc biệt nào cho các công dân EU so với các công dân khác trong việc xin visa vào làm việc tại Anh.

Doanh nghiệp nước ngoài tại Anh sẽ đón nhận lực lượng lao động tay nghề cao thời hậu Brexit. Ảnh: Getty Images.

Tuyên bố của bà Theresa May được xem là lời trấn an dành cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Anh trong bối cảnh nhiều tập đoàn đang lên kế hoạch rời khỏi xứ sở Sương mù do lo ngại về nền kinh tế không ổn định của London thời hậu Brexit. Một số tập đoàn toàn cầu như: Airbus, BMW và Siemens dọa rút một số hoạt động ra khỏi Anh khi nước này rời khỏi EU vào cuối tháng 3-2019. Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus cảnh báo, hãng này sẽ rút khỏi Anh trong trường hợp nước này rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào. Phó chủ tịch của Tập đoàn Airbus Katherine Bennett cho biết: “Nếu không có thỏa thuận, chúng tôi sẽ phải xem xét kế hoạch đầu tư một cách nghiêm túc vào Anh. “Brexit không thỏa thuận” sẽ là một thảm họa đối với nước Anh cũng như Airbus”.

Brexit cũng chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng và công ty bảo hiểm đặt tại Anh dịch chuyển việc làm khỏi London nhằm duy trì quyền tiếp cận với khối thị trường chung châu Âu. Trong khi đó, Hiệp hội Các phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho biết, nhiều công ty nước này bắt đầu chuyển hướng đầu tư khỏi Anh vì sợ rào cản thương mại tăng. “Rất nhiều thành viên DIHK cho biết sẽ chuyển hướng đầu tư khỏi Anh do lo ngại tác động tiêu cực từ Brexit. Cụ thể, Brexit sẽ làm tăng thêm các thủ tục hành chính và quy định kiểm soát ở biên giới. Vì thế, chi phí của các công ty bị đội lên”, Giám đốc DIHK Martin Wansleben giải thích.

Tuy nhiên, mới đây, hãng thời trang danh tiếng Chanel của Pháp cho biết, hãng này đã chuyển quân từ New York đến trụ sở toàn cầu ở London. Với quyết tâm đơn giản hóa và hợp lý hóa cơ cấu, Chanel đã hợp nhất tất cả bộ phận toàn cầu về một địa điểm và London là mảnh đất được lựa chọn. Đây được xem là bước đi đáng hoan nghênh của Chanel trong bối cảnh nhiều công ty muốn rút khỏi Anh nhằm tránh tác động của Brexit.

Chính phủ Anh nhận thức rõ về sự cần thiết của việc bảo đảm hoạt động kinh doanh ổn định cho các doanh nghiệp. Do đó, London đang nỗ lực đàm phán với EU để tránh tăng thêm chi phí và đình trệ hoạt động của doanh nghiệp tại các cửa khẩu thời hậu Brexit. Mục tiêu của Anh là đạt được thỏa thuận Brexit với Brussels. Song, chính phủ của bà Theresa May vẫn chuẩn bị sẵn sàng cho một kịch bản “Brexit không thỏa thuận”.

Tuy nhiên, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU cũng cảnh báo rằng: “Trong bất kỳ tình huống nào thì các doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị năng lực ứng phó những tác động tiêu cực của Brexit đối với chuỗi cung ứng của họ". Ông cũng nhấn mạnh, các công ty sẽ bị gián đoạn dây chuyền cung ứng nếu Anh rời EU mà không được tiếp tục tiếp cận thị trường chung của khối này hoặc không có một thỏa thuận liên minh thuế quan.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/co-hoi-cho-cac-doanh-nghiep-tai-anh-thoi-hau-brexit-551162