Cơ hội cho các kho ứng dụng di động thứ 3

ICTnews - Việc những kho ứng dụng nhà mạng chưa đáp ứng được yêu cầu người dùng, trong khi các kho nước ngoài gặp trở ngại lớn về kênh thanh toán đã tạo cơ hội cho các bên thứ 3 phát triển và "kích cầu" thị trường.

Trong thời gian tới, các kho ứng dụng di động của các bên thứ 3 sẽ thay đổi về chức năng, giao diện và thanh toán để hấp dẫn người dùng hơn.

Trong thời gian tới, các kho ứng dụng di động của các bên thứ 3 sẽ thay đổi về chức năng, giao diện và thanh toán để hấp dẫn người dùng hơn. Ông Đỗ Tuấn Anh, GĐ kho ứng dụng AppStore VN cho biết, đang có 3 loại kho ứng dụng dành cho di động, đầu tiên là kho ứng dụng của Apple hay Google, Nokia, Samsung... (các hãng có hệ điều hành riêng). Các hãng này tạo ra kho ứng dụng để có nơi cho các nhà phát triển tạo ra những ứng dụng chạy trên hệ điều hành của hãng. Dạng thứ 2 như của Amazon, FPT... (có thể đặt hàng riêng thiết bị) và tạo ra kho ứng dụng cho những sản phẩm hay kho của các nhà mạng đã có sẵn lượng thuê bao lớn, kênh thanh toán nên đưa thêm nội dung giá trị gia tăng để phục vụ người dùng. Ngoài ra, thị trường còn có thêm kho ứng dụng của các bên thứ 3 (AppStoreVN, ViMarket, Mobile9...) không phụ thuộc vào nhà mạng, các hãng sản xuất nên hỗ trợ rất nhiều loại thiết bị và thường được người dùng quan niệm "là những kho ứng dụng miễn phí hay bẻ khóa". Ở Việt Nam, với các kho ứng dụng của Apple, Nokia, Google..., cả những nhà phát triển lẫn người dùng đều gặp trở ngại lớn về vấn đề thanh toán. Chưa kể, các kho nước ngoài còn chứa một số nội dung không phù hợp với luật pháp Việt Nam như thông tin phản động, hình ảnh nhạy cảm... Với các kho ứng dụng "made in Việt Nam" như Mstore (Viettel), Mspace (MobiFone)... do sở hữu nhiều người dùng nên không cần phải sáng tạo, động lực quá nhiều mà vẫn đem lại doanh thu lớn hay kho F-Store được cài đặt sẵn vào các thiết bị của FPT (F99 3G, F5, FPT Tablet, B990..) Đặc điểm chung của các kho này đều không có nhiều ứng dụng chất lượng và hay bị lỗi do kiểm duyệt không quá gắt gao, chức năng đơn giản, giao diện chưa thực sự thân thiện với đại đa số người sử dụng, nhất là người thường xuyên sử dụng ứng dụng trên di động. "Các nhược điểm này sẽ tạo cơ hội và thị trường phát triển cho những kho ứng dụng thứ 3", ông Tuấn Anh khẳng định. Bên cạnh đó, nếu như các công ty phát triển ứng dụng có thể dễ dàng khai thác và đưa sản phẩm của mình lên Mstore, Mspace, Ovi... thì đối với một lập trình viên "thân cô thế cô" việc này không hề đơn giản. "Từ đó, định hướng của AppleStoreVN hay các kho đơn vị thứ 3 là một nơi để các nhà phát triển Việt Nam có thể bán được ứng dụng của mình và tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng", ông Tuấn Anh nói thêm. Bởi vì, nếu chỉ chia sẻ "ứng dụng miễn phí và bẻ khóa", các kho ứng dụng thứ 3 sẽ mãi mãi là những kho "chợ đen" và không thể phát triển bền vững. Do đó, họ buộc phải linh hoạt kết nối với các nhà phát triển ứng dụng nhằm tạo thành một "khu chợ vừa đen vừa đỏ" (có cả ứng dụng bẻ khóa và ứng dụng có phí) như mô hình của mobile9, GetJar. Ông Nguyễn Minh Quang, GĐ Công ty CP Giải Trí Số Việt NamVDEC, một chuyên gia trong lĩnh vực ứng dụng di động cho biết, nếu nhà mạng cải thiện nhược điểm về chất lượng và giao diện thì người dùng có kiến thức về smartphone vẫn có thói quen truy cập vào kho ứng dụng bên thứ 3 vì tâm lý "sợ phải trả tiền cho hầu hết ứng dụng có trong đó" bởi nhà mạng xây dựng không phải để tặng cho người dùng, trong khi các kho thứ 3 lại có cả những ứng dụng miễn phí. Ngoài ra, với các kho ứng dụng thứ 3, người dùng có thể tìm được bất kỳ một ứng dụng được phổ biến cả thế giới lẫn sản phẩm riêng của Việt Nam, thay vì chỉ có các ứng dụng Việt Nam như các kho ứng dụng nhà mạng cung cấp. Cả ông Tuấn Anh và ông Minh Quang đều cho rằng, ngay trong năm tới sẽ xuất hiện nhiều kho ứng dụng thứ 3, "đặc biệt là các kho ứng dụng Android" và tỷ lệ sử dụng những kho này có thể gia tăng đột biến. "Các nhà mạng có rất nhiều việc phải làm và sẽ bỏ ngỏ việc phát triển kho ứng dụng di động. Trong khi các hãng thứ 3 có nhiều thời gian, công sức để hỗ trợ, phục vụ khách hàng lẫn các nhà phát triển", ông Quang lý giải. Còn theo ông Tuấn Anh, "bản thân các kho thứ 3 cũng sẽ thay đổi về chức năng, ứng dụng, giao diện, thanh toán để hấp dẫn người dùng hơn". Trong tương lai, nhất định kho ứng dụng của các hãng như RIM, Apple, Google sẽ giải quyết được bài toán kênh thanh toán và tiếp cận người dùng Việt Nam. Như vậy, nhiệm vụ của các kho thứ 3 là phải thành công trước khi việc này xảy ra hoặc phải chuyển hướng đi phù hợp.

Theo ông Phạm Thế Vinh, Phó TGĐ Công ty TNHH Nội dung số FPT, tính từ đầu năm 2011 cho đến hết quý 3, F-store đã có hơn 1,1 nghìn ứng dụng gồm các ứng dụng và game do FPT phát triển cũng như từ một số nhà cung cấp như: Tinh Vân, Vinamob, TeaMobi, GameLoft … với tổng số lượt download các ứng dụng và game đạt hơn 1,7 triệu. Số lượt người sử dụng thường xuyên các ứng dụng và game đạt 95,000 lượt/tuần. Còn AppstoreVN, tính đến tháng 6/2011, kho ứng dụng này đã có khoảng hơn 500 nghìn người dùng và 6,5 triệu lượt tải cùng 245 Gb dữ liệu/tháng (mục tiêu đến hết năm 2011: số lượt người dùng, lượt tải sẽ tăng thành 750 nghìn và 13 triệu lượt).

Theo ông Phạm Thế Vinh, Phó TGĐ Công ty TNHH Nội dung số FPT, tính từ đầu năm 2011 cho đến hết quý 3, F-store đã có hơn 1,1 nghìn ứng dụng gồm các ứng dụng và game do FPT phát triển cũng như từ một số nhà cung cấp như: Tinh Vân, Vinamob, TeaMobi, GameLoft … với tổng số lượt download các ứng dụng và game đạt hơn 1,7 triệu. Số lượt người sử dụng thường xuyên các ứng dụng và game đạt 95,000 lượt/tuần. Còn AppstoreVN, tính đến tháng 6/2011, kho ứng dụng này đã có khoảng hơn 500 nghìn người dùng và 6,5 triệu lượt tải cùng 245 Gb dữ liệu/tháng (mục tiêu đến hết năm 2011: số lượt người dùng, lượt tải sẽ tăng thành 750 nghìn và 13 triệu lượt).

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/home/Phan-mem/16/Co-hoi-cho-cac-kho-ung-dung-di-dong-thu-3/98456/index.ict