Cơ hội cho cây ăn quả Gia Lai: Nông dân chủ động chuyển đổi

Với mục tiêu ổn định diện tích 10.000ha cây ăn quả toàn tỉnh đến năm 2020, các địa phương cũng như nông dân trong tỉnh đang có những bước đi vững chắc, nâng kim ngạch xuất khẩu lên cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân...

Không ít nông dân ở Gia Lai, sau khi tìm hiểu và học hỏi, đã mạnh dạn chuyển đổi hoặc trồng xen canh cây ăn quả trong những vườn hồ tiêu, cà phê, cao su tái canh. Kết quả mang lại là những nụ cười rạng rỡ.

60 gốc bơ Booth = 300 triệu đồng/năm

Sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số vườn cây ở Đăk Lăk, ông Nguyễn Văn Đoàn (làng Yon, xã Ia Glai, Chư Sê) đã xen canh 150 cây bơ Booth trong vườn tiêu gia đình. Sau 3 năm, cây phát triển tốt, cho quả với năng suất cao. Theo ông Đoàn thì bơ Booth dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh vì phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Đặc biệt là đầu tư không cao nhưng sớm cho thu hoạch... Đó là lý do ông chọn bơ Booth xen canh vườn tiêu.

Cũng như rất nhiều hộ nông dân khác ở thôn Ia Ring (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê), gia đình anh Đào Vĩnh Dũng đã gắn bó với cây hồ tiêu, cà phê từ rất nhiều năm nay. Tuy nhiên những năm gần đây, hồ tiêu và cà phê bị bệnh chết, giá cả lại bấp bênh khiến anh cũng như nhiều gia đình trong thôn không khỏi lo lắng. Sau thời gian tìm hiểu, anh Dũng quyết định trồng thử 60 gốc bơ Booth chỗ vườn cà phê bị chết. Sau 7 năm trồng loại bơ này, gia đình anh đã có thu nhập khá ổn định: Với 60 gốc bơ Booth trồng ngày nào, giờ cho thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Thấy anh Dũng trồng bơ Booth cho thu nhập cao, nhiều người dân trong thôn cũng đến vườn của anh tham quan và học hỏi kinh nghiệm, sau đó về trồng thử nghiệm ở nhà mình. Theo đó, nhu cầu giống cũng ngày một cần nhiều. Nhìn thấy bà con đang cần giống nên ngoài việc chăm sóc vườn bơ của gia đình, anh Dũng còn ghép bơ giống thuần chủng, bán lại cho các hộ dân trong vùng có nhu cầu trồng bơ Booth, với giá 40.000 đồng mỗi cây giống.

Theo anh Dũng và nhiều người trồng bơ có kinh nghiệm ở đây thì giống bơ này cho thu hoạch trái vụ vào tháng 10 đến tháng 12, quả to và đều, ruột vàng, giàu chất dinh dưỡng. Đặc biệt năng suất bơ Booth trái vụ không kém bơ chính vụ...

Chị Vũ Thị Thủy có 2ha cây ăn quả cho thu nhập cao

"Tính trung bình một cây bơ Booth trái vụ cho thu 3 triệu đồng mỗi năm, nhờ vậy mà gia đình có thêm tiền tiếp tục củng cố vườn tiêu, vườn cà phê", anh Dũng vui vẻ nói.

Đất hoang đẻ ra tiền tỷ

Đến xã Kon Gang (huyện Đăk Đoa) lập nghiệp từ năm 2012, ông Nguyễn Duy Đô thấy đất đai còn bỏ không nhiều lắm. Với kinh nghiệm của một lão nông, ông nhận thấy chất đất pha cát ở đây rất phù hợp với các loại cây có múi. Vậy là, khăn gói ra Nghệ An, ông mua 200 cây cam giống loại cam Vinh và cam Canh về trồng thử nghiệm. Không ít người dân sống lâu năm ở đây bảo rằng ông bị... hâm! Mặc kệ, ông quyết tâm ngày đêm chăm sóc để sau một thời gian, cây đã cho quả ngọt, nhiều người từ nơi khác đến mua mà ông không đủ cam để bán.

Thử nghiệm thành công 200 gốc cam, cộng với đầu ra ổn định, ông Đô quyết định mở rộng vườn cam lên 1.000 gốc. Giờ, vườn cam của ông quanh năm xanh tốt, trĩu quả ngọt. Đó là phần thưởng xứng đáng cho người đàn ông "hâm", nhưng lại có gan biến đất hoang thành vàng ròng.

Không chỉ có cam mà hiện tại, vườn cây ăn quả của ông Đô "hâm" còn có 100 gốc ổi, 40 gốc vải, 500 gốc tre... Mỗi năm, trừ chi phí, ông thu về trên 400 triệu đồng từ vườn cây ăn quả này - chưa kể khoản thu 100 triệu đồng từ 500 gốc tre.

Còn với ông Đào Văn Chủy (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh), diện tích đất trống trong vườn và phê đã "tặng" ông 250 triệu đồng mỗi năm từ việc xen canh cây sầu riêng.

Ông Đào Văn Chủy trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê thu thêm 250 triệu đồng mỗi năm

"Ban đầu thấy khoảnh đất trống trong vườn cà phê, tôi trồng vài cây sầu riêng với suy nghĩ chỉ để vợ con ăn thôi. Mấy năm sau, cây cho quả sai và ngon, tôi quyết định chọn giống, trồng vào tất cả những khoảnh đất trống trong vườn cà phê". Đến nay, ông Chủy đã có đến 150 cây sầu riêng được trồng xen canh trong vườn cà phê.

"Mùa vừa qua, tôi thu từ 50 cây trồng đợt trước được 5 tấn quả, bán được 250 triệu đồng", lão nông 60 tuổi không giấu được niềm vui. Cũng theo tính toán của ông Chủy thì, năm nay ông sẽ thu được khoảng 15 tấn sầu riêng, với giá 50 - 55 ngàn đồng/kg như vừa rồi, ông cầm chắc 750 triệu đồng từ vườn sầu riêng này.

Ngoài việc sầu riêng trồng xen canh ở những nơi đất trống, ông Chủy còn tranh thủ những nơi đất trống xung quanh vườn cà phê, trồng được 80 cây bơ Booth. "Để làm hàng rào chắn gió, nhưng năm vừa qua, gia đình tôi cũng thu được hơn một trăm triệu đồng từ những gốc bơ này đấy", ông Chủy cười tươi.

Những người như ông Chủy, ông Đô - những người am hiểu về nghề nông, lại dám nghĩ dám làm, đã biến những vùng đất hoang, đất trống trở thành vàng ròng.

Ở Gia Lai, có không ít người như ông Chủy, ông Đô hay ông Đoàn, ông Dũng: Mạnh dạn chuyển đổi, áp dụng khoa học kỹ thuật như bón phân vô cơ, hệ thống tưới nhỏ giọt... mà đã thành công trên những vườn cây ăn quả. Tuy nhiên, phần lớn người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đều có chung nỗi lo gửi đến ngành Nông nghiệp và Nhà nước: Đó là tạo thương hiệu, ổn định đầu ra, đưa đến thu nhập bền vững cho nông dân.

TRẦN BÌNH ĐỊNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/co-hoi-cho-cay-an-qua-gia-lai-nong-dan-chu-dong-chuyen-doi-post220796.html