Cơ hội cho những cặp vợ chồng nghèo bị hiếm muộn

'Nhìn mọi người bế con trên tay, vợ tôi toàn lén quay đi lau nước mắt', anh Nguyễn Bá Công kể về nỗi hiếm muộn đau đáu trong tâm trí của anh chị suốt bảy năm qua.

Vợ chồng anh Công, chị Lan.

Sinh ra trong một gia đình có ba anh em trai đều mắc bệnh thần kinh nhẹ do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, anh Nguyễn Bá Công (quê Nam Đàn, Nghệ An) là con trai út trong nhà rơi vào cảnh hiếm muộn. Bảy năm qua, sau khi xây dựng gia đình với chị Phan Thị Lan, anh chị vẫn chưa một lần có được cơ hội làm cha làm mẹ. Dù gia cảnh khó khăn, anh chị cũng dốc hết tiền bạc để chạy chữa. Tại một bệnh viện chuyên về chữa vô sinh hiếm muộn, anh chị đã được thực hiện IVF một lần cho 17 trứng, tạo bốn phôi, chuyển được hai phôi nhưng kết quả vẫn không có beta. “Chúng tôi được bác sĩ cho biết vô sinh không rõ nguyên nhân”, anh Công kể.

Gia cảnh túng quẫn khiến anh chị nghĩ mình tìm đâu cơ hội để có tiền cho lần làm thụ tinh trong ống nghiệm tiếp theo. Nhưng với một niềm khao khát có được đứa con, lần này anh chị lại nộp hồ sơ xin được làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) miễn phí tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Và thật may mắn, vợ chồng anh Công đã được bệnh viện quyết định hỗ trợ TTTON miễn phí, giúp anh chị vượt qua khó khăn về kinh tế, có cơ hội “bắt con”.

Cũng như gia đình anh Công, gia đình chị Phạm Thị Tơ, anh Vũ Văn Chí (xóm 22, Hải Đường, Hải Hậu, Nam Định) đã kết hôn 8, 9 năm nhưng chưa có con. Chị bị tắc vòi trứng nhưng vẫn chưa có điều kiện thực hiện TTTON. Thu nhập của cả gia đình phụ thuộc vào công việc của anh, tuy nhiên cũng không ổn định.

Anh Triệu Văn Sơn, chị Triệu Thị Liên vượt rừng, lội suối để xuống Hà Nội với khao khát các bác sĩ can thiệp thành công cho anh chị có con đầu lòng.

Cặp vợ chồng dân tộc Dao ở xa nhất tại mảnh đất Yên Bái cũng được bệnh viện quyết định hỗ trợ lần này là vợ chồng anh Triệu Văn Sơn, chị Triệu Thị Liên. Chín năm qua, họ cũng mong mỏi có được đứa con đầu lòng, thế nhưng họ chỉ dám mong vậy, vì họ đâu có tiền đi khám xét, can thiệp.

Đây là những cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội quyết định hỗ trợ TTTON. Từ 103 hồ sơ được gửi về từ khắp cả nước, Hội đồng chuyên môn đã làm việc công tâm và xét duyệt kỹ lưỡng từng trường hợp và quyết định hỗ trợ 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất. Toàn bộ 10 trường hợp được chọn sẽ được hỗ trợ miễn phí hoàn toàn 100% chi phí làm TTTON.

Ngoài ra, hội đồng thẩm định còn quyết định hỗ trợ thêm cho một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tuy chưa đạt đủ các yêu cầu về hồ sơ là gia đình chị Nguyễn Thị Nhung và anh Chu Hữu Hưởng (địa chỉ xóm 3, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội).

Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi trao gói hỗ trợ cho các gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, với những ca được chọn để nhận sự hỗ trợ lần này, đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện sẽ nỗ lực hết mình để mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. “Chúng tôi biết rằng, những cặp vợ chồng này đã từng tuyệt vọng, cô đơn và khát khao đứa con đến cháy bỏng nhưng vì hoàn cảnh, đôi khi họ phải tạm gác giấc mơ về tiếng cười thơ trẻ. Chúng tôi, bằng tất cả tâm sức sẽ dốc lòng để giúp những giấc mơ ấy trọn vẹn”, BS Lợi nói.

Mỗi trường hợp là một nỗi niềm, không ai giống ai nhưng họ đều có điểm chung là nỗi mong con đau đáu nhưng không thể thực hiện giấc mơ làm cha mẹ vì nhiều lẽ, trong đó kinh tế là một phần quan trọng. Sự hỗ trợ lần này đã đem đến cho họ một tia hy vọng mới trong hành trình chữa trị vô sinh vốn nhiều khó khăn, thách thức.

LÂM TRẦN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/goc-tu-van/item/41285402-co-hoi-cho-nhung-cap-vo-chong-ngheo-bi-hiem-muon.html