Cơ hội cho rượu cần Phú Túc

Cùng với sự ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên, mảnh đất phía tây huyện Hòa Vang còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Trong đó phải nói đến rượu cần Phú Túc - kết tinh văn hóa ẩm thực của đồng bào Cơ tu đã và đang góp thêm vào 'Bảo tàng văn hóa' của người dân Hòa Phú nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung.

Thưởng thức rượu cần Phú Túc tại lễ khai trương Điểm du lịch cộng đồng thôn Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc). Ảnh: V.T.L

Ra đời vào năm 2014, sản phẩm rượu cần Phú Túc của ông Lê Văn Nghĩa (69 tuổi) đạt danh hiệu “Cúp vàng thương hiệu chất lượng cao năm 2016”, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021. Loại rượu kết tinh văn hóa ẩm thực của đồng bào Cơ tu này là một trong những sản phẩm đại diện cho huyện Hòa Vang được chọn trưng bày tại gian hàng trưng bày của của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, đang được xây dựng, đề xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm).

Sản phẩm đặc thù và cơ hội phát triển

Thế nhưng hiện nay công tác bảo tồn, phát triển nghề nấu rượu cần Phú Túc đang đặt ra nhiều thách thức và đứng trước nguy cơ bị mai một nếu không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời. Trăn trở về vấn đề này đã thôi thúc tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Nghĩa - người duy nhất “giữ lửa” rượu cần Phú Túc, để lắng nghe những trải lòng của người làm nghề nấu rượu cần nơi đây.

Nhà ông Nghĩa là một ngôi nhà cấp 4 với mảnh sân rộng, màu khói lam, mùi nếp lan trong màn mưa. Tay ôm bó lá từ rừng về, vừa bước vào sân, ông vui vẻ chia sẻ: “Ché rượu thơm ngon, đậm đà bản sắc dân tộc Cơ tu là sản phẩm của quá trình dài đúc kết kinh nghiệm, tâm huyết, từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến nấu, ủ rượu và bảo quản. Lá rừng phải vừa độ già tới, không sâu, không lủng. Công đoạn quan trọng và phức tạp nhất là ủ men rượu bởi nó phụ thuộc vào thời tiết, nóng hay lạnh, mưa hay nắng và tâm trạng người ủ men. Đôi khi làm đúng theo công thức nhưng có lúc mẻ rượu lại không đạt vị ngon, đành phải bỏ đi để giữ chữ tín trong nghề”.

Được biết giá thành rượu cần Phú Túc cao so với các loại rượu công nghiệp, bởi đây là sản phẩm nông nghiệp thủ công và đa số nguyên vật liệu như ché, ống cần, nhãn mác, giỏ tre, củi đốt… phải nhập về, chịu ảnh hưởng của giá cả thị trường ngày một tăng. Ông cũng tìm nhiều cách để giảm chi phí đầu vào như việc sử dụng chai thủy tinh, chai nhựa thay thế ché gốm Bát Tràng, thế nhưng rượu lại bị biến chất, không bảo quản được lâu. Ông đang thử nghiệm dùng loại ché 1,5 lít nhằm giảm giá thành và dễ dàng vận chuyển, trước mắt cũng đã mang lại hiệu quả tích cực, chỉ có một hạn chế nhỏ là hạn sử dụng của rượu trong ché nhỏ ngắn hơn loại ché lớn.

Khó khăn của rượu cần Phú Túc còn nằm ở thị trường tiêu thụ. Ông Nghĩa từng đến đặt gian hàng sản phẩm của mình tại các điểm du lịch của quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, các nhà hàng lớn, sân bay, nhà ga, bến xe… nhưng lại không bán được nhiều. Người tiêu dùng chỉ đến điểm bán ở thôn Phú Túc để mua. Từ đó thấy rằng đây là một sản phẩm nông nghiệp đặc thù, nên việc cạnh tranh trên thị trường rất khó, không chỉ ở giá thành mà còn là khu vực bán. Nó chỉ mang giá trị trọn vẹn nhất khi gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc người Cơ tu tại đây. Vậy nên muốn phát triển rượu cần Phú Túc thì phải dựa vào phát triển du lịch sinh thái ở địa phương, cùng với đó là giữ gìn và phát huy truyền bá văn hóa của dân tộc Cơ tu, có như thế thì giá trị của ché rượu cần mới nguyên vẹn.

Ngoài ra, theo anh Lê Văn Thọ (con trai ông Nghĩa), rượu cần Phú Túc được quảng bá và tiêu thụ mạnh tại các hội chợ, khu triển lãm sản phẩm nông nghiệp. Thế nhưng hội chợ thì một năm chỉ được vài lần, mà thông tin hai chiều về thời gian, quy định của các hội chợ còn rất hạn chế, khiến gia đình không chủ động được trong quá trình chuẩn bị và vận chuyển đến khu trưng bày sản phẩm.

Mặc dù rượu cần Phú Túc chủ yếu bán cho khách du lịch, nhưng có một hạn chế là các khu du lịch trên địa bàn Hòa Phú như: Lái Thiêu, Suối Hoa, Hòa Phú Thành, Núi Thần Tài lại không có gian hàng để trưng bày, quảng bá sản phẩm. Tất cả những vấn đề này cần được nhìn nhận, quan tâm và khắc phục để rượu cần Phú Túc có nhiều cơ hội phát triển mạnh hơn nữa.

Phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa

Người dân Cơ tu quanh vùng coi rượu cần Phú Túc là biểu tượng của niềm vui, tình đoàn kết, là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm dấu ấn của núi rừng và thiên nhiên hoang dã, gắn kết người dân. Vì vậy, ông Nghĩa luôn muốn chia sẻ kinh nghiệm, công thức nấu rượu cần đến toàn thể bà con để phát triển thành một làng nghề truyền thống, vừa tạo việc làm cho bà con, vừa khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Cơ tu.

Thế nhưng, thanh niên Cơ tu hiện lại không mặn mà với nghề nấu rượu cần, bởi nhận thấy nghề này vất vả, đòi hỏi sự kiên trì nhưng thu nhập lại chưa cao so mặt bằng chung các công việc khác tại địa phương. Bản thân ông Nghĩa cũng khẳng định: “Thu nhập từ rượu cần vẫn còn thấp và khá bấp bênh, chính con trai tôi cũng phải đi làm tại các khu du lịch để tăng thu nhập, công việc nấu rượu cũng chỉ “tranh thủ” và “phụ” giúp cho tôi”.

Ông Nghĩa rất mong muốn cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ mở các lớp dạy nghề nấu rượu miễn phí cho thanh niên Phú Túc. Người học được tuyên truyền, giáo dục về những nét truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc

Cơ tu, cùng với việc được trải nghiệm những lần lên rừng hái lá, ủ men, nấu rượu… Tuy sẽ phải trải qua nhiều lần thất bại rồi mới ra được mẻ rượu ngon, nhưng đó là lúc bản năng dân tộc của mỗi con người được đánh thức, tìm về cội nguồn và mong muốn lưu truyền nghề truyền thống của dân tộc mình.
Với ông Nghĩa, rượu cần Phú Túc không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là tình yêu, sự đam mê của một người Cơ tu đối với văn hóa truyền thống dân tộc mình. “Còn rượu cần là còn văn hóa Cơ tu”, dù khó khăn thế nào ông vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.

Gia đình ông Nghĩa đang xây dựng các trang web, trang mạng xã hội về rượu cần. Từ đó, có thể chủ động đăng tải hình ảnh, video trong quá trình sản xuất rượu cần (hái lá, nấu, ủ rượu,...) nhằm quảng bá sản phẩm đến khách hàng, để họ thấy được nỗi vất vả, kỳ công của một sản phẩm nông nghiệp truyền thống và hiểu được giá trị tương ứng với giá thành sản phẩm.

Phát triển nghề nấu rượu cần truyền thống ở Phú Túc không phải là chuyện một sớm một chiều và không phải riêng một ai có thể cáng đáng được mà cần có thời gian, sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương và cả cộng đồng. Chính quyền địa phương đã tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để cùng với “Rượu cần Phú Túc” xây dựng thương hiệu nông sản Hòa Phú.

Dành không gian cho việc sử dụng và trưng bày rượu cần Phú Túc tại lễ hội do các ban, ngành, cơ quan địa phương tổ chức sẽ không chỉ góp phần đẩy mạnh tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà còn mở ra cơ hội để sản phẩm biểu trưng lòng tự tôn dân tộc của đồng bào Cơ tu này phát triển... Hy vọng một ngày không xa, rượu cần Phú Túc trở thành sản phẩm OCOP để thương hiệu đặc sản của quê hương ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Cùng với sự lãnh đạo của Đảng, những chính sách hỗ trợ của chính quyền thì mơ ước về một làng nghề truyền thống của ông Lê Văn Nghĩa sẽ sớm thành hiện thực. Để mỗi ché rượu cần không chỉ mang trên mình trọn vẹn giá trị cả về kinh tế lẫn truyền thống mà còn sóng sánh bản sắc văn hóa của người đồng bào Cơ tu.

PHAN THỊ HOÀI THƯƠNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202305/co-hoi-cho-ruou-can-phu-tuc-3945603/