Cơ hội của chuỗi giá trị toàn cầu

Thế giới hội nhập kinh tế đang thay đổi nhanh chóng đem lại cho doanh nghiệp cả những cơ hội và thách thức trong 3 xu hướng mới quan trọng tác động đến chuỗi giá trị sản phẩm.

Ba xu hướng quan trọng

Gia tăng các chuỗi giá trị toàn cầu:việc chia nhỏ quy trình sản xuất ở cấp độ toàn cầu mang lại những cơ hội mới cho sự hội nhập giữa các nền kinh tế giàu và nghèo, với những lợi ích tiềm năng cho mỗi bên.

Chuỗi giá trị sản phẩm

Chuỗi giá trị sản phẩm

Chuỗi giá trị toàn cầu với sự hỗ trợ của công nghệ số đã mang lại lợi ích cho các nền kinh tế đang phát triển, vì chúng giúp họ dễ dàng đa dạng hóa từ hàng hóa sang hàng hóa và dịch vụ sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn bằng cách chia nhỏ quy trình sản xuất để có thể thực hiện các bước khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Với chuỗi giá trị, một quốc gia có thể chuyên môn hóa một hoặc một số hoạt động mà quốc gia đó có lợi thế so sánh.

Việc tách sản xuất bắt đầu ở các nền kinh tế tiên tiến để đối phó với cạnh tranh và giảm chi phí hậu cần, sau đó lan ra toàn cầu khi các nền kinh tế lớn đang phát triển mở cửa. Mặc dù vậy, chuỗi giá trị toàn cầu cũng đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia phải có quy mô kinh tế lớn. Đây cũng là thách thức chủ yếu với doanh nghiệp ở các nước có môi trường huy động vốn còn nhiều bất cập.

Chiến lược doanh nghiệp thay đổi:trong chuỗi giá trị sản phẩm (xem hình trên), phân khúc có giá trị gia tăng cao là nghiên cứu và phát triển sản phẩm (A), thiết kế sản phẩm (B), marketing (E - thương hiệu, giá cả, bán hàng...), và dịch vụ sau bán hàng (F). Các phân khúc như sản xuất (C) và lắp ráp (D) có giá trị gia tăng thấp hơn. Chính vì vậy, với bối cảnh chuỗi giá trị sản phẩm đã kéo dài và mở rộng khắp toàn cầu trong quá trình hội nhập, các công ty đa quốc gia có xu hướng thuê lại (outsourcing) các phân khúc C và D cho các nước đang phát triển. Đây cũng là cơ hội cho các nước đang phát triển thu hút đầu tư, phát triển đối tác nhằm nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh.

Mặc dù vậy, trong dài hạn, các nước đang phát triển và các doanh nghiệp cần phát triển và mở rộng tham gia vào các phân khúc A, B, E, F nhằm nâng cao hiệu quả. Trước mắt cần phải đột phá trong phân khúc E - marketing (giá cả, bán hàng...) thông qua phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của mình vì thương hiệu ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sản phẩm công nghệ cao và ở quốc gia có thị trường tài chính phát triển.

Cơ hội phát triển thương hiệu:chuỗi giá trị toàn cầu và phân khúc giá trị gia tăng đã đem lại cơ hội cho doanh nghiệp ở các quốc gia vốn chỉ là công xưởng sản xuất và lắp ghép có thể vươn lên các chuỗi giá trị cao hơn, như xây dựng thương hiệu của mình.

Trên thế giới, các nhà kinh tế học đều cho rằng, thương hiệu phục vụ một chức năng kinh tế quan trọng để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và định hướng tổng cầu. Lịch sử cũng cho thấy quyết định loại bỏ tất cả các nhãn hiệu trên hàng hóa được sản xuất tại Liên Xô ngay sau Cách mạng tháng Mười năm 1917 đã góp phần gây ra nền sản xuất trì trệ và tụt hậu thời Xô Viết… Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã xây dựng và phát triển thương hiệu để tạo giá trị gia tăng các sản phẩm công nghệ cao trên danh nghĩa (mặc dù vai trò của nước này chủ yếu là công xưởng sản xuất và lắp ráp). Ví dụ, thương hiệu phi cơ chở khách thân hẹp C919 do Trung Quốc mới sản xuất (hầu hết bộ phận đều nhập khẩu từ nước ngoài) đã bay thương mại vào cuối tháng 5.2023.

Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Ở nước ta, lịch sử việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm Việt có nhiều bước thăng trầm. Nền công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng với những thương hiệu trước năm 1975 (Xà-bông (savon) cô Ba, xe hơi La Dalat, kem đánh răng Dạ Lan, bia Trúc Bạch, mỹ phẩm Thorakao…) từng là niềm tự hào của dân Việt. Đến hôm nay, có thương hiệu vẫn duy trì, có thương hiệu một thời “biến mất”, và có thương hiệu dường như đang “ngủ quên”…

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp có trên 800.000 doanh nghiệp; khoảng 98% có quy mô vừa và nhỏ với loại hình phổ biến là công ty trách nhiệm hữu hạn. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng được những thương hiệu mạnh trong các lĩnh vực sản xuất như điện tử, ô tô, nông sản, da giày, dệt may… nhằm tạo ra những giá trị gia tăng cho sản phẩm ở trong nước và trên toàn cầu.

Nhằm phát triển hiệu quả nguồn vốn xã hội thông qua đổi mới thể chế cấu trúc doanh nghiệp trong xu hướng thay đổi của thương mại quốc tế, xin đóng góp 3 đề xuất:

Công ty cổ phần: để góp phần phát triển kinh tế thị trường với chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu, vai trò của các loại hình cấu trúc và thể chế doanh nghiệp hết sức quan trọng; vì chỉ khi các loại hình công ty được khai thác hết tiềm năng, vận hành phù hợp mới có thể phát huy hết hiệu quả và khả năng của chúng.

Với thực tế phần lớn doanh nghiệp Việt đứng trước thách thức về quy mô do hạn chế tiếp cận nguồn vốn, công ty cổ phần là một giải pháp hiện đại, kết hợp các ưu điểm của sở hữu chung và quản lý chuyên nghiệp; một công ty cổ phần trao quyền cho các cổ đông bằng cách tập hợp các nguồn lực, hạn chế trách nhiệm pháp lý và quyền sở hữu có thể chuyển nhượng. Mô hình này đã thay đổi cục diện kinh doanh, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng quy mô và hoạt động minh bạch. Là một trong những định chế quan trọng nhất trong thời đại kinh doanh toàn cầu, công ty cổ phần đã trở thành mô hình kinh doanh phổ biến nhất cho các doanh nghiệp quy mô lớn. Việt Nam cần tập trung phát triển công ty cổ phần vì nó hội tụ nhiều ưu điểm như linh hoạt và thích ứng nhanh với sự đổi mới...

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu: các doanh nghiệp cần nghiên cứu chuỗi giá trị toàn cầu và công xưởng sản xuất của thế giới; bên cạnh đó, Việt Nam từng bước xây dựng các chiến lược sản xuất hàng hóa với thương hiệu của mình để khai thác hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao uy tín và sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên các doanh nghiệp trong khi sử dụng chiến lược thuê lại cũng không nên đi quá xa giá trị cốt lõi (core competency) như thị trường bản địa, bí quyết công nghệ… của mình để tránh rủi ro khi chuỗi cung ứng thay đổi. Hơn nữa, cũng cần có biện pháp bảo vệ thương hiệu (đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu…) tại thị trường kinh doanh.

Môi trường kinh doanh:nhà nước cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và cho doanh nghiệp cổ phần nói riêng. Cần nghiên cứu và từng bước xây dựng môi trường pháp lý để phát triển thuận lợi công ty cổ phần, trước mắt cần cải thiện pháp luật liên quan về phương diện thuế và thị trường tài chính… Đặc biệt, thị trường tài chính cần phát triển theo hướng đồng bộ và hiện đại cho các loại hình, thể chế cấu trúc doanh nghiệp nhằm phát huy tính hiệu quả của nguồn lực xã hội to lớn để thúc đẩy nguồn lực tài chính, nâng cao sức hợp tác, cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Trong quá trình đó, phát triển hệ sinh thái công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng để xây dựng môi trường phát triển thuận lợi cho các thể chế cấu trúc doanh nghiệp hiện đại kinh doanh hiệu quả cùng với quá trình toàn cầu hóa.

TS. Đoàn Duy Khương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/co-hoi-cua-chuoi-gia-tri-toan-cau-i332996/