Cơ hội cuối cùng cho xứ sở sương mù

Nhóm họp trong 2 ngày 21 và 22-3 tại Thủ đô Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý gia hạn Brexit đến ngày 22-5 thay vì 29-3 như kế hoạch ban đầu, song với điều kiện Nghị viện Anh phải thông qua thỏa thuận chia tay vào tuần tới hoặc tới ngày 12-4 trong trường hợp ngược lại. Những nước này cũng cảnh báo, Anh đang đứng trước cơ hội cuối cùng để rời EU một cách có trật tự.

Trở về từ Brussels hôm 22-3 sau Hội nghị Thượng đỉnh EU, với việc thuyết phục được lãnh đạo các nước thành viên còn lại đồng ý gia hạn Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn chưa thể nghỉ ngơi. Bà tiếp tục phải đối mặt với một trọng trách không kém phần khó khăn là thúc đẩy Nghị viện Anh thông qua thỏa thuận chia tay.

Nếu Thủ tướng Anh thành công trong việc đưa thỏa thuận này vượt qua vòng bỏ phiếu lần thứ ba tại Hạ viện, nước Anh sẽ rời EU vào ngày 22-5 tới theo các điều khoản đã nhất trí với Brussels. Trong khi đó, giới phân tích và quan sát đánh giá khả năng không dễ xảy ra. Sức ép lên vị nữ Thủ tướng được cho là đang lên tới đỉnh điểm trong bối cảnh một số quan chức chính phủ ủng hộ Quốc hội kiểm soát bước tiếp theo của tiến trình Brexit. Các nghị sĩ quốc hội nói rằng, thỏa thuận Brexit của bà có thể bị bác tại Hạ viện với tỷ lệ phiếu chống còn cao hơn.

 Người dân tuần hành phản đối Brexit bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở London, Anh. (Ảnh: THX).

Người dân tuần hành phản đối Brexit bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở London, Anh. (Ảnh: THX).

Trong nỗ lực xua tan những lời chỉ trích cũng như thu hút sự ủng hộ liên quan đến tiến trình đàm phán, trong bức thư ngày 22-3 gửi các nghị sĩ đảng Bảo thủ, bà Theresa May cảnh báo có thể từ bỏ nỗ lực thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu lần 3 tại cơ quan lập pháp Anh đối với thỏa thuận chia tay nếu nhận thấy không thể đạt được đa số ủng hộ cần thiết. Cảnh báo cũng đồng thời mở ra nhiều khả năng cho tương lai của tiến trình Brexit, cũng như của nước Anh, trong đó có trì hoãn lâu hơn Brexit.

Ngoài ra, Thủ tướng Theresa May cũng đối mặt với sức ép gia tăng từ việc có hàng trăm nghìn người dự kiến sẽ tham gia tuần hành ở thủ đô London trong ngày 23-3 để yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần hai. Trong khi đó, có hàng triệu người dân Anh đã ký vào kiến nghị yêu cầu ngừng việc rời khỏi EU và hủy bỏ Brexit.

Thủ tướng Theresa May đã 2 lần nỗ lực thúc đẩy Nghị viện Anh thông qua thỏa thuận, song đều thất bại và để có thể đảo ngược được kết quả, vị nữ lãnh đạo Anh cần phải thuyết phục được thêm 75 nghị sĩ. Tuy nhiên, tại Brussels, các nhà lãnh đạo châu Âu lại đang cho thấy sự hoài nghi đối với cơ hội thành công của mình trong lần đặt cược này.

Theo nhiều nguồn tin, trước khi tới Brussels để họp với các đồng minh châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố, cơ hội thành công của Thủ tướng Theresa May là 10% trước khi giảm xuống còn 5% sau cuộc họp.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng không quên cảnh báo những hậu quả mà người dân Anh sẽ phải hứng chịu trong trường hợp không có thỏa thuận: “Thật đáng tiếc là trong trường hợp không có thỏa thuận, người dân Anh sẽ là người đầu tiên bị ảnh hưởng. Họ sẽ hứng chịu những hậu quả tiêu cực của việc rời khỏi thị trường châu Âu, của khủng hoảng kinh tế và của những tác động kinh tế mà thiệt hại của nó chúng ta hoàn toàn có thế tính toán được”.

Tại Anh, đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland hôm 22-3 đã chỉ trích “thất bại đáng thất vọng và không thể tha thứ” của Thủ tướng Theresa May. Ý kiến của đảng này đóng vai trò then chốt trong nỗ lực của vị nữ lãnh đạo Anh nhằm thúc đẩy thỏa thuận chia tay được thông qua tại Nghị viện.

Giới phân tích cho rằng, việc EU kéo dài thời hạn đàm phán vì không thể nhất trí về việc phải làm gì tiếp theo. EU, một cách hợp lý, sẽ đặt câu hỏi tại sao. Nếu Anh đã không thể quyết định về vấn đề Brexit trong hai năm rưỡi qua thì 3 tháng có khác gì? Câu trả lời là bà Theresa May đang từ chối vứt bỏ những “lằn ranh đỏ” và những nỗ lực điên cuồng của bà để xoa dịu phe cánh hữu trong đảng Bảo thủ.

Tuy nhiên, thỏa thuận Brexit của bà cho đến nay vẫn chưa làm họ hài lòng và giờ thỏa thuận đó đã thất bại hai lần, với đa số lớn trong Quốc hội phản đối. Ngạc nhiên là, bà muốn thử thêm một lần nữa. Bà May hy vọng rằng bà có thể làm một vài nghị sĩ trong đảng Bảo thủ thay đổi suy nghĩ. Ngay cả khi bà lôi kéo được đảng DUP trong liên minh cầm quyền, điều này gần như không tưởng.

Nhóm Bruges chống Brexit sẽ không bao giờ ủng hộ thỏa thuận của bà. Ngay cả khi bà giành chiến thắng, bà sẽ trở lại Brussels với tư cách một nhà lãnh đạo hay dao động. Bà có một đa số không an toàn tại Quốc hội, một nội các vô kỷ luật và một phe đối lập xa lánh. Bà khó có thể bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng trên cơ sở đó.

Cái giá mà bà Theresa May đã phải trả để đảm bảo chiến thắng sít sao của bà là chấp nhận rằng, nếu bà thất bại một lần nữa trong cuộc bỏ phiếu tuần này, đó sẽ là lúc vứt bỏ thỏa thuận của bà để thảo luận về mong muốn của Hạ viện tôn trọng cam kết của Anh rời khỏi EU, có nghĩa là phủ quyết cả thỏa thuận Brexit của bà May lẫn việc rời EU mà không có thỏa thuận.

Nói cách khác, Quốc hội sẽ có một cơ hội thống nhất một giải pháp thay thế để rời khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Điều ngạc nhiên là phải mất rất lâu để Hạ viện “thảm hại” này tiến gần tới một sáng kiến như vậy.

Vấn đề đối với bà Theresa May sẽ là: Bà có thể vẫn duy trì tiến trình Brexit không? Bà thực sự phải chấp nhận rằng những “lằn ranh đỏ” của bà và sự nhượng bộ của phe cánh hữu trong đảng Bảo thủ đã không mang lại kết quả.

Bà phải sẵn sàng cho phép Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond thực hiện những tuyên bố của ông hôm 13-9 ủng hộ một thỏa hiệp giữa các đảng phái chính trị. Điều này có nghĩa là ông Hammond phải tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc với nghị sỹ John McDonnell thuộc Công đảng của ông và với nghị sỹ Jeremy Corbyn, cả hai đều cho thấy rõ sự sẵn sàng tìm kiếm một thỏa thuận Brexit thay thế.

Thỏa thuận thay thế đó hiện đã rõ ràng, nhất là sau khi Hạ viện bác bỏ việc tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần hai. Lựa chọn đó sẽ phá vỡ niềm tin đối với cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. Nó sẽ lại khiến cuộc tranh luận chia thành hai phe đối lập nhau và sẽ là một món quà cho những người ủng hộ Brexit một cách cuồng tín. Cơ hội cho một cuộc trưng cầu ý dân lần hai không còn, có thể để xác nhận một thỏa thuận lâu dài cuối cùng.

Sự thỏa hiệp hợp lý đã rõ: Đó là Brexit mềm. Nó có nhiều bí danh theo từng trường hợp: Thị trường chung 2.0, hoặc mô hình Norway, hoặc liên minh hải quan, hay Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). Theo đó, Anh rời khỏi EU nhưng vẫn ở trong khu vực kinh tế rộng lớn hơn của châu Âu.

Một gói thỏa thuận có sẵn như vậy được biết là có thể chấp nhận được đối với Brussels. Nó tôn trọng những yêu cầu của ngành công nghiệp và thương mại không phá vỡ giao dịch của Anh với châu Âu đại lục để đổi lấy “những thỏa thuận hão huyền, khó có thể xảy ra” với phần còn lại của thế giới.

Một liên minh hải quan sẽ giải quyết vấn đề biên giới Ireland không giải quyết được. Nó sẽ tránh được hàng rào thuế quan tại Dover và cứu các trang trại của Anh khỏi sự sợ hãi hiện nay. Thị trường duy nhất cũng sẽ ngăn chặn sự vô lý của việc thay thế những người lao động Ba Lan bằng những người đến từ cách đó nửa vòng Trái Đất.

Brexit mềm có thể không làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng lúc này nó gần nhất với một mẫu số chung của Brexit. Điều cốt lõi của sự thỏa hiệp là tìm ra một con đường phá vỡ sự không khoan nhượng. Đây là đời sống chính trị, không phải là một cuộc chiến tôn giáo.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/co-hoi-cuoi-cung-cho-xu-so-suong-mu-537924/