Cơ hội đất nước và chính sách kinh tế số

Kinh tế số phát triển và đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng, nhà nước cần đóng vai trò là một cơ quan thúc đẩy sự phát triển thay vì cơ quan quản lý rủi ro. Quản lý phải đi sau, phục vụ cho kinh tế số phát triển, chứ không phải đưa ra những chính sách 'cản trở' sự phát triển...

1,7% GDP sẽ mất đi?

“Nếu dự thảo Luật An ninh mạng mà được thông qua như dự thảo thì cơ hội tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (dựa trên nền tảng Internet) của Việt Nam trở nên xa vời”, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, ông Mai Liêm Trực phát biểu. Nếu dự thảo này được thông qua, Việt Nam thiệt hại ước tính 1,7% GDP, và làm giảm 3,1% đầu tư trong nước, và tổn thất 1,5 tỉ đô la Mỹ giá trị phúc lợi tiêu dùng, theo tính toán của Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á (ACCA).

Nhà nước cần đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế số

Theo dự thảo để bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, DN trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải địa phương hóa dữ liệu, tức là lưu trữ các loại dữ liệu được yêu cầu trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Như vậy tức là máy chủ vẫn phải đặt tại Việt Nam.

Theo nhiều ý kiến, ngày nay tìm kiếm dữ liệu qua các dịch vụ như điện toán đám mây trở nên phổ biến và cần thiết cho mọi công việc kinh doanh, sản xuất, học tập. Quy định như dự thảo sẽ làm tăng chi phí tìm kiếm thông tin và dữ liệu. Các DN, các đơn vị tốn thêm chi phí để xây dựng hệ thống lưu trữ đủ tiêu chuẩn về an ninh.

Nhắc lại những năm trước từ chỗ máy tính là hiếm hoi và đến khi Internet phát triển bùng nổ, điện thoại di động phát triển nhanh và mạnh, ông Mai Liêm Trực nói rằng thời đó cơ quan quản lý theo tư duy rất tích cực “mở đến đâu, quản đến đó”. “Nhưng bây giờ tôi có cảm giác chính sách quản lý như đang "quên" tư duy "mở đến đâu, quản đến đó", mà có xu hướng quản được đến đâu cho mở đến đó”, sẽ gây ra nhiều rào cản hạn chế sự phát triển, nên rất đáng lo ngại, ông Mai Liêm Trực nói.

Những quy định tại dự thảo luật an ninh mạng đang cản trở dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới. Các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới, phải cân nhắc việc tham gia vào thị trường Việt Nam.

Ở một quan điểm khác, địa phương hóa dữ liệu là thể hiện của địa phương hóa dịch vụ, thể hiện tính chủ quyền quốc gia tránh cho việc DN Việt Nam bị kiện mỗi khi dừng dịch vụ vì các yếu tố mà chính quyền Việt Nam không thể khống chế. DN nước ngoài không tuân thủ đầy đủ luật địa phương hóa sẽ không có quyền kiện DN Việt Nam vì các yếu tố liên quan tới các dịch vụ không địa phương hóa.

Bây giờ hoặc không bao giờ

ACCA cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế đang theo dõi sát sao cách tiếp cận của Việt Nam đối với vấn đề này. Nếu các quy định mới yêu cầu các công ty đi ngược lại chính sách nội bộ của họ về bảo vệ quyền riêng tư của người dùng hoặc chịu thêm các chi phí đáng kể khác do các yêu cầu về địa phương hóa dữ liệu, một số công ty sẽ phải cân nhắc rời khỏi thị trường Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam cần phải có một cách tiếp cận thận trọng để đảm bảo rằng việc xây dựng một môi trường an toàn mạng không vô tình hạn chế và kìm hãm tiềm năng phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số” - bà Lim May Ann, Giám đốc điều hành ACCA khuyến nghị. Việt Nam là quốc gia mà nhiều DN lớn của thế giới muốn đến. Song các yêu cầu về mặt quản lý nêu trên có thể tạo ra những thách thức đối với các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới, khiến họ phải cân nhắc việc tham gia vào thị trường Việt Nam.

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Kinh tế số đã và đang nhanh chóng bao phủ các lĩnh vực của nền kinh tế. Không thể áp đặt tư duy và cách thức quản lý theo kiểu truyền thống đối với nền kinh tế số. “Quản lý cần phải tạo điều kiện và thúc đẩy, tạo cơ hội cho phát triển”, theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

Chính phủ nhiều nước đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế số để đảm bảo sự tham gia kịp thời và tận dụng tối đa các cơ hội mà nền kinh tế số có thể đem lại, gồm: hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo hệ sinh thái cho phát triển khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích phát triển toàn diện, các ngành công nghiệp tái tạo.

Việt Nam có thể áp dụng nhiều giải pháp thay thế như: nếu lo ngại về an ninh mạng có thể yêu cầu tuân thủ một tiêu chuẩn quốc tế cao về an ninh mạng, ví dụ ISO 27018 về Bảo vệ thông tin có thể định danh cá nhân (PII), or PCI-DSS cho dữ liệu thanh toán thẻ - những tiêu chuẩn này có thể được áp dụng mà không cần phải địa phương hóa dữ liệu. Để đảm bảo an ninh quốc gia, cần xây dựng một chiến lược phân cấp dữ liệu, để xác định dữ liệu nào có thể được đưa lên đám mây chung, những dữ liệu của Chính phủ phải được xử lý riêng.

Mọi ứng dụng phần mềm đều được đưa lên môi trường điện toán đám mây (truy cập và sử dụng qua mạng Internet) và gần như không có quốc gia nào có thể kiểm soát được dữ liệu xuyên biên giới. Việc kiểm soát này là một thách thức và cần chi phí rất lớn, theo ông Vũ Thế Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA).

Kinh tế số phát triển và đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng, nhà nước cần đóng vai trò là một cơ quan thúc đẩy sự phát triển thay vì cơ quan quản lý rủi ro. Quản lý phải đi sau, phục vụ cho kinh tế số phát triển, chứ không phải đưa ra những chính sách "cản trở" sự phát triển.

Nhắc lại 3 cuộc cách mạng công nghiệp mà Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Bây giờ hoặc không bao giờ!”- Theo ông cuộc cách mạng 4.0 chính là cơ hội để chúng ta tiến nhanh hơn… Chính sách kinh tế số thuận lợi không chỉ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển mà còn tạo cơ hội để công nghệ Việt Nam, kinh tế Việt Nam bắt kịp được tiêu chí của khu vực và thế giới. Do đó việc áp đặt tư duy và cách thức quản lý theo kiểu truyền thống đối với nền kinh tế số là không phù hợp.

Linh Ly

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/co-hoi-dat-nuoc-va-chinh-sach-kinh-te-so-76062.html