Cơ hội đầu tư đang giảm?

Số DN mới và việc làm mới được tạo ra ít hơn, cảm nhận lạc quan của DN giảm đi.

Sau khi đã bóc tách những động lực tạo nên tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2018, các chuyên gia kinh tế đều đưa ra cảnh báo rằng cần quan tâm tới con số DN thành lập và hoạt động trên thị trường hiện nay. Bởi số DN đăng ký tăng rất thấp trong quý đầu năm sẽ là một trong những nút thắt cho tăng trưởng các quý còn lại, trong khi đây mới là lực lượng tạo nên sức khỏe thực của nền kinh tế.

Ảnh minh họa

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm mặc dù tốc độ tăng trưởng đạt con số ấn tượng là 7,38%, song số DN thành lập mới trên cả nước chỉ tăng 1,2% về số lượng và tăng 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Cần nhắc lại rằng, vào thời điểm quý I năm ngoái, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,3%, tuy nhiên tình hình DN thành lập mới lại rất khả quan với tốc độ tăng 11,4% về số lượng và 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Tình trạng số DN mới và việc làm tạo mới không cao tương ứng với tăng trưởng kinh tế cũng đã được Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cảnh báo hôm đầu tuần qua. Theo cơ quan này, số DN thành lập mới trong tháng 1 tương đương với cuối năm ngoái với khoảng 10.800 DN, trước khi giảm mạnh trong tháng 2 và tháng 3 với chỉ 7.800 và 8.000 DN thành lập mới. Tính chung cả quý, số lượng DN thành lập mới cũng không chênh lệch nhiều với quý I năm ngoái, trong khi tổng vốn đăng ký cũng chỉ tăng nhẹ 2,7%. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới cũng chỉ đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tháng 1 chứng kiến lượng DN tạm ngừng hoạt động nhiều nhất trong hơn 2 năm qua với 13.300 DN, cao hơn cả tháng 1 năm ngoái. Bên cạnh đó, quý I có tổng số 21.115 DN tạm ngừng hoạt động.

Cùng với số lượng DN thành lập mới, quy mô việc làm tạo mới trong quý I không cao tương ứng với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế so với năm trước. Cụ thể, tính chung cả quý I, có 225.400 việc làm mới được tạo thêm, trong khi cùng thời điểm này năm 2017 nền kinh tế thậm chí tạo thêm 291.600 việc làm. “Hiện tượng số việc làm mới tạo ra ít hơn, trong khi tăng trưởng vẫn cao, một lần nữa đặt ra câu hỏi về chất lượng tăng trưởng và sức mạnh thực chất của khu vực nội địa”, báo cáo của VEPR đặt vấn đề.

Một dấu hiệu đáng lo khác, đó là chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) đã suy giảm trong tháng 3 về 51,6 điểm, thể hiện tốc độ mở rộng chậm đi ở khu vực sản xuất. Bên cạnh đó, khảo sát về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo do Tổng cục Thống kê cho thấy sự lạc quan của DN có phần giảm đi trong quý I. Trong số các DN tham gia khảo sát, có 33% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I tốt hơn so với quý IV năm trước. Tỷ lệ này thấp hơn khá nhiều so với quý trước (44,8%) và gần tương đương so với cùng kỳ năm ngoái (33,7%).

Như vậy, có thể thấy một hiện tượng lạ là tăng trưởng vẫn cao trong khi số DN mới và việc làm mới được tạo ra ít hơn, cảm nhận lạc quan của DN giảm đi. Vấn đề này khiến PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR tỏ ra băn khoăn. Ông Thành cho rằng có rất nhiều câu hỏi được đặt ra.Thứ nhất, phải chăng Việt Nam đang phát triển kinh tế dựa trên áp dụng nhiều công nghệ cao, không cần dùng lao động? Như vậy, dù lao động giảm nhưng GDP vẫn cao. Nếu câu chuyện này là đúng, thì đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, “vấn đề có phải là như vậy hay không?”, ông đặt câu hỏi.

Vấn đề thứ hai, biểu hiện này cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI với những giá trị gia tăng phụ thuộc vào bên ngoài, trong khi đó, khu vực nội địa không phát triển được lực lượng lao động, các giá trị lao động không được lan tỏa, thu nhập của người lao động không tăng. “Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh. Con số tăng trưởng đẹp nhưng liệu cái chất của nó có hay không, có thực sự lan tỏa đến người lao động không”, ông Thành cảnh báo.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng lo ngại khi qua nhiều năm nay số lượng DN tăng nhanh nhưng cơ cấu ngành nghề hầu như không thay đổi, khoảng 30% DN đăng ký mới hoạt động trong lĩnh vực thương mại và khoảng trên 20% trong xây dựng, bất động sản. Như vậy cơ cấu DN thành lập mới cơ bản vẫn tập trung trong khu vực dịch vụ là chính.

Vấn đề khác là 98% DN đăng ký mới có quy mô vốn và lao động rất nhỏ. Tuy nhiên ông Lâm cũng cho rằng trong thời đại công nghiệp 4.0, việc DN thuê lao động ít và tận dụng công nghệ thông tin để quản lý hoàn toàn là việc có thể xảy ra. Mặc dù vậy, với các số liệu về tình hình thành lập DN trong thời gian qua, theo ông Lâm vẫn cho thấy tình hình sức khỏe của khối DN trong nước đang tăng về lượng nhưng giảm về chất.

Khanh Đoàn

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/co-hoi-dau-tu-dang-giam-74791.html