Cơ hội đầu tư, kinh doanh ô tô tại Việt Nam

Việt Nam là thị trường đầy hấp dẫn với ngành công nghiệp sản xuất ô tô bởi đây là thị trường có nhiều thế hệ trẻ và có các chính sách rất thu hút trong đầu tư kinh doanh.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Tại hội thảo “Cơ hội kinh doanh giữa Việt Nam và Malaysia trong ngành linh kiện và phụ tùng ô tô” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng lãnh sự quán Malaysia, Phòng Thương vụ (MATRADE) tổ chức sáng 18/4, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Mohd Zamruni Khalid đánh giá, Việt Nam là thị trường đầy hấp dẫn với ngành công nghiệp sản xuất ô tô bởi đây là thị trường có nhiều thế hệ trẻ và có các chính sách rất thu hút trong đầu tư kinh doanh.

Theo ông Dato’ Mohd Zamruni Khalid, sự nổi lên của VinFast đã khiến ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam trở nên hấp dẫn, tạo cơ hội lớn cho những nhà sản xuất cũng như các nhà cung cấp linh kiện khám phá thêm thị trường ô tô ở Việt Nam.

Với mức độ sử dụng ô tô ở Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, ông Dato’ Mohd Zamruni Khalid cho biết, sang Việt Nam lần này có 15 doanh nghiệp ô tô Malaysia để cùng nhau tìm hiểu, khám phá cơ hội này. Các doanh nghiệp Malaysia mong muốn được hợp tác với những đối tác ở Việt Nam để khám phá thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp hai bên có thể thiết lập được mối quan hệ kinh doanh chiến lược trong lĩnh vực đang phát triển ở Việt Nam.

Ông Hoàng Quang Phong, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng hi vọng, doanh nghiệp hai nước sẽ tận dụng được những cơ hội phát triển, trao đổi học tập kinh nghiệm trong các lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ô tô mà Malaysia có thế mạnh. Thực hiện Hiệp định ATIGA, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hứa hẹn đối với ngành công nghiệp ô tô của các nước; trong đó có Malaysia.

Tại hội thảo, ông Lương Đức Toàn, Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho biết, mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu trên 3 tỷ USD các loại linh kiện, phụ tùng phục vụ lắp ráp ô tô cũng như sửa chữa xe.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Một số sản phẩm nội địa hóa được nhưng có hàm lượng khoa học công nghệ khá thấp. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực đạt trung bình 65-70%, có nước đạt trên 80%. Nếu các nhà sản xuất ô tô Việt Nam không có giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì sẽ rất khó cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam còn 0%.

Theo ông Lương Đức Toàn, ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam ra đời muộn hơn so với các nước trong khu vực, do đó ngành chịu áp lực cạnh tranh cao. Hai năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển khá nhanh. Năm 2018, Việt Nam đã sản xuất, lắp ráp được trên 250.000 xe. Các sản phẩm sản xuất ra đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước.

Hiện ngành có trên 40 doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô. Tuy nhiên, hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Công suất thiết kế của các doanh nghiệp có thể sản xuất, lắp ráp khoảng 800.000 xe/năm. Các doanh nghiệp đang sản xuất ở dưới mức thiết kế.

Ông Lương Đức Toàn cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, ngành phải gắn mình vào chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Vì vậy, ưu tiên trước mắt của ngành là tham gia sâu nhất vào chuỗi giá trị này. Có 3 nhóm giải pháp chính đó là: phát triển lành mạnh thị trường ô tô; duy trì và đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô. Các giải pháp chính sách cũng cần hướng vào hỗ trợ 3 nhóm giải pháp trên.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/co-hoi-dau-tu-kinh-doanh-o-to-tai-viet-nam-305711.html