Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Đông

Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Châu Phi với trên 60 nhóm mặt hàng.

Việc hợp tác với UAE được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực Trung Đông.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - UAE. Đvt: triệu USD

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - UAE. Đvt: triệu USD

Mở “khóa” vào Trung Đông

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-UAE vừa qua, ông Sultan bin Saeed Al Mansoori, Bộ trưởng Kinh tế UAE đã khẳng định, UAE là “cửa ngõ” chiến lược giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường với các quốc gia Trung Đông.

Hiện tại, hơn 100 mặt hàng của Việt Nam đã có mặt tại UAE với các sản phẩm nông sản chủ lực như: chanh không hạt, gạo, thanh long, ổi, hạt tiêu, điều,…

Trong khi đó, các nước Trung Đông đang nhập khẩu 80% lượng hàng hóa tiêu thụ của khu vực này, trị giá 40 tỷ USD mỗi năm. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 70 tỷ USD đến năm 2035.

Bà Nadya Kamali, Giám đốc Customs World Dubai cho biết, Dubai đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Con đường Tơ lụa Dubai” và sáng kiến “Hộ chiếu Hậu cần Thế giới” nhằm thúc đẩy vai trò của Dubai như một liên kết thương mại toàn cầu.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế của sáng kiến này để giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa vào Trung Đông.

Lưu ý tiêu chuẩn Halal

Lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang UAE thường được trung chuyển qua Frankfurt nên chi phí rất cao và mất nhiều thời gian. Nay các doanh nghiệp Việt Nam có thể trung chuyển qua Dubai, thay vì Frankfurt, giúp tiết kiệm chi phí ít nhất 1.000 USD và rút ngắn thời gian thêm 2 tiếng.

Theo bà Phạm Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á – Châu Phi, Vụ thị trường Châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), khi làm ăn với các nước khu vực Trung Đông, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với một số rào cản như khoảng cách địa lý, phong tục tập quán… Theo đó, một trong những đặc điểm mà doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý là sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng được tiêu chuẩn Halal. Nếu bước qua được rào cản đầu tiên về Halal, thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thâm nhập được vào thị trường các nước Hồi giáo ở Trung Đông.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển Halal, cho rằng tiêu chuẩn Halal là “chìa khóa” cho các doanh nghiệp Việt Nam vào được thị trường Trung Đông. Trong thời gian tới, tiêu chuẩn Halal có thể trở thành tiêu chuẩn toàn cầu.

“Để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn Halal, doanh nghiệp cần tiến hành khảo sát tại nhà máy, tham gia đào tạo về tiêu chuẩn Halal, xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn Halal, hướng dẫn áp dụng và hướng dẫn đăng ký, khắc phục sau chứng nhận, ông Cường nhấn mạnh.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/co-hoi-day-manh-xuat-khau-vao-trung-dong-159737.html