Cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Việt Nam được đánh giá có nhiều thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với chính trị, kinh tế ổn định và vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu, cùng với lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Do đó, Việt Nam cần tận dụng những cơ hội này để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhiều thuận lợi để phát triển

Ngành công nghiệp bán dẫn (hay còn gọi là vi mạch) là tập hợp các thành phần tham gia vào lĩnh vực thiết kế cũng như chế tạo ra toàn bộ các linh kiện, thiết bị điện tử. Linh kiện, thiết bị điện tử là thứ không thể thiếu và đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được các chuyên gia đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển bởi hệ thống chính trị ổn định.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực hành trong phòng thí nghiệm về điện tử.

Bên cạnh đó, Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, sở hữu vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu và là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn gia nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh trong khu vực. Đồng thời, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.

Đặc biệt, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm (khoảng 22 triệu tấn), một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Với những lợi thế đó, Việt Nam có thể trở thành trung tâm tăng trưởng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn, trong bối cảnh quy mô thị trường chip toàn cầu đã đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2022 và dự báo tăng lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2029.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Huỳnh Thành Đạt đánh giá, Việt Nam có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu... Thời gian qua, Việt Nam cũng đã hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển chíp bán dẫn. Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm cả các dự án sản xuất chip.

Bên cạnh những thuận lợi thì ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, đó là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần nhiều nỗ lực để đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nguồn nhân sự chất lượng cao trong ngành bán dẫn của Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5.000 người. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, trong đó đề án phát triển nguồn nhân lực 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030 cũng đã được xây dựng.

Trong khi đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn cũng đã được các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam quan tâm. Đơn cử như Tập đoàn FPT đã đề xuất phía Hoa Kỳ hỗ trợ đào tạo 30.000-50.000 chuyên gia bán dẫn thông qua đầu tư vào Trường Đại học FPT. Hay như Trường Đại học KHCN Hà Nội bắt đầu đào tạo ngành công nghệ vi mạch bán dẫn từ năm 2024 với lợi thế về cơ sở vật chất mới được đầu tư và hợp tác quốc tế, đồng thời trường có kinh nghiệm hơn 10 năm trong đào tạo các ngành gần với vi mạch bán dẫn như: Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano, vật lý kỹ thuật và điện tử.

Theo các chuyên gia, với tiềm lực kinh tế hiện tại của Việt Nam thì việc tự đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip là không hề dễ dàng, bởi chi phí để xây dựng một nhà máy sản xuất chip là rất lớn, có thể lên tới hàng chục tỷ USD cùng rất nhiều điều khoản đi kèm. Tuy nhiên với lợi thế có nguồn đất hiếm đứng thứ hai thế giới thì Việt Nam có thể tận dụng điều đó để đưa ra thỏa thuận với các đối tác nước ngoài có nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu này với những yêu cầu như phải đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam và ưu tiên nhập khẩu linh kiện cho các doanh nghiệp trong nước.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho biết, để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực vi mạch, Bộ KHCN đã phê duyệt một số nhiệm vụ KHCN trong các chương trình KHCN cấp quốc gia. Qua các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã từng bước nâng cao năng lực, làm chủ được một số công nghệ trong ngành vi mạch.

Trong thời gian tới, Bộ KHCN sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực bán dẫn thông qua Quỹ Phát triển KHCN quốc gia (NAFOSTED), các chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên; ưu tiên nguồn lực triển khai chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó có sản phẩm quốc gia là vi mạch điện tử tích hợp.

Đồng thời, Bộ KHCN sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn FPT, Tập đoàn công nghệ CMC... để nghiên cứu, đánh giá các khâu trong chuỗi sản xuất chíp (thiết kế, chế tạo, gia công và đóng gói) mà Việt Nam có lợi thế và khả năng thành công để tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên nguồn lực và có các chính sách phù hợp.

Bộ KHCN cũng sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho một số doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào chuỗi sản xuất chip, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo liên quan đến vật liệu bán dẫn, thiết kế chip tại Việt Nam.

ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VI MẠCH BÁN DẪN

Ngày 27-2, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam với Công ty Siemens Electronic Design Automation. Chương trình hợp tác sẽ cung cấp bộ giải pháp toàn diện, gồm: Phần mềm, phần cứng và dịch vụ tự động hóa thiết kế điện tử để đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đặc biệt, việc hợp tác sẽ nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (thuộc Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) và tạo cơ hội để sinh viên được tiếp cận công nghệ tiên tiến trong thiết kế, triển khai ý tưởng. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ triển khai hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học-công nghệ, giúp Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành khu đô thị khoa học-công nghệ đổi mới sáng tạo bậc nhất của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

BÍCH TRÂM

Bài và ảnh: LA DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/co-hoi-de-phat-trien-nganh-cong-nghiep-ban-dan-766658