Cơ hội để Ukraine được NATO chuyển 'rồng lửa' S-300 vẫn rất xa vời

Ukraine khó sở hữu được 'rồng lửa' S-300 từ các thành viên NATO, do các nước này đòi hỏi phải có hệ thống phòng thủ Patriot thay thế, tuy nhiên Mỹ lại không sẵn sàng cho điều này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng hứa giúp Ukraine tiếp nhận các hệ thống phòng không có tầm xa có năng lực tác chiến tốt hơn Stinger, nhưng giới quan sát cho rằng sẽ rất khó để làm được điều này bởi nhiều nguyên nhân. Hiện nay hệ thống tên lửa tầm xa Ukraine cần chỉ có thể là "rồng lửa" S-300.

Dù Mỹ đang có trong tay các hệ thống phòng thủ tầm xa mạnh như Patriot, THAAD, nhưng sẽ khó đề Hoa Kỳ chuyển chúng cho Ukraine. Thứ nhất THAAD đang là "quốc bảo", còn Patriot dù đã thể hiện tốt năng lực trong thực chiến nhưng Ukraine lại không có khả năng sử dụng chúng.

Chính vì vậy giải pháp được coi là tối ưu nhất là tìm kiếm các hệ thống phòng thủ S-300 và chuyển chúng cho Ukraine, do Kiev có kinh nghiệm và khả năng vận hành các tổ hợp này.

Một tổ hợp S-300 gồm 6 xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL), mỗi xe mang được tối đa 4 đạn, cùng xe chỉ huy và radar các loại.

Radar điều khiển hỏa lực 30N6E2 có thể dẫn bắn cho 12 tên lửa cùng lúc nhằm vào 6 mục tiêu riêng rẽ với tầm bắn tối đa 195 km.

Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này. Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.

Nếu có trong tay hệ thống phòng không S-300, Ukraine đủ khả năng bảo vệ bầu trời các thành phố chủ chốt như Kiev và Kharkov...

Một số quốc gia Đông Âu là thành viên NATO như Slovakia và Bulgaria vẫn sở hữu hệ thống S-300 sản xuất từ thời Liên Xô và từng tỏ ý sẵn sàng chuyển các tổ hợp này cho Ukraine.

Dù vậy, họ yêu cầu NATO phải cung cấp giải pháp thay thế phù hợp, nói cách khác là bù đắp bằng hệ thống tên lửa Patriot, để bảo vệ vùng trời của mình.

"Chúng tôi đã thảo luận với Mỹ, Ukraine và các đồng minh về khả năng triển khai, chuyển giao hoặc cung cấp hệ thống S-300 cho Kiev. Chúng tôi sẵn sàng làm vậy, nhưng chỉ khi có phương án bù đắp phù hợp", Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad nói với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin từ chối bình luận liệu Mỹ có giúp Slovakia lấp chỗ trống của hệ thống S-300 hay không. "Tôi không có thông báo nào. Đó là vấn đề sẽ được thảo luận với toàn bộ đồng minh. Đây không phải vấn đề với riêng Mỹ, mà là cả NATO", ông nói.

Bộ trưởng Slovakia đưa ra tuyên bố sau khi Tổng thống Ukraine Zelensky có bài phát biểu trước quốc hội Mỹ, trong đó ông nhấn mạnh nước mình cần hệ thống S-300.

Hà Lan hôm 18/3/2022 thông báo sẽ triển khai một khẩu đội Patriot đến căn cứ Sliac ở miền trung Slovakia, trong khi Đức xác nhận sẽ điều hai khẩu đội Patriot đến nước này nhằm củng cố năng lực phòng thủ sườn đông NATO.

Tuy vậy chính phủ Slovakia cho rằng điều này là chưa đủ, do họ không có quyền sử dụng các hệ thống Patriot và chưa rõ chúng sẽ được triển khai trong bao lâu. Điều họ cần vẫn là việc chuyển giao vĩnh viễn hệ thống Patriot.

Tuy vậy mỗi hệ thống Patriot có giá hàng tỷ USD, vì vậy Mỹ chưa sẵn lòng để chịu bỏ ra khoản tiền này để Ukraine có hệ thống S-300 trong giai đoạn hiện tại.

Nhiều nước sẵn sàng cung cấp đạn tên lửa S-300 dư thừa cho Ukraine, nhưng Kiev cần nhiều hệ thống hoàn chỉnh với đầy đủ radar và đài chỉ huy.

"Một tổ hợp S-300 vẫn tốt hơn là không có gì, nhưng như vậy là không đủ", ông Brent Eastwood, biên tập viên quốc phòng thuộc tạp chí chính sách đối ngoại 1945 ở Mỹ, nhận xét.

Không có số liệu chính xác về số tên lửa S-300 mà Ukraine đang sở hữu. Nước này biên chế các tổ hợp S-300PT, S-300PS sản xuất từ thời Liên Xô cho lực lượng phòng không, cùng phiên bản S-300V cho lục quân với khả năng chống tên lửa đạn đạo.

Giới chuyên gia ước tính Ukraine chỉ có khoảng 6 hệ thống S-300 với 36 xe chở đạn kiêm bệ phóng ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong giai đoạn 2004-2014.

Căng thẳng leo thang với Nga khiến Ukraine vội vã sửa chữa và đưa vào sử dụng nhiều tổ hợp S-300, với ít nhất 4 khẩu đội được đại tu trong giai đoạn 2014-2015.

Ít nhất 34 xe chở đạn kiêm bệ phóng bị bỏ lại Crimea khi lực lượng Nga tiến vào kiểm soát bán đảo này đầu năm 2014.

Không những vậy, quân đội Nga cũng tuyên bố phá hủy nhiều bệ phóng tên lửa S-300 của Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát hôm 24/2.

"Đất nước Ukraine rất rộng lớn và bảo vệ không phận cần nhiều nguồn lực. Nếu tôi là nhà hoạch định chiến lược, tôi muốn mỗi góc thủ đô Kiev được bảo vệ bởi tối thiểu 4 đơn vị S-300", ông Brent Eastwood nói.

Hy Lạp, một nước thành viên NATO, cũng sở hữu một trung đoàn S-300PMU-1 với 32 bệ phóng và khoảng 175 quả đạn, nhưng họ cũng cần phương án thay thế bằng Patriot nếu chuyển giao chúng cho Ukraine.

Ngay cả khi Washington sẵn sàng cung cấp các hệ thống Patriot trong biên chế, vốn có số lượng hạn chế, chúng sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể được triển khai cho những nước đồng minh NATO ở châu Âu.

Mỹ dường như đang tìm cách thuyết phục các đồng minh ở châu Á và Trung Đông chuyển giao tên lửa Patriot cho NATO để bố phòng tại châu Âu, nhưng có vẻ điều này cũng không có nhiều triển vọng.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 18/3 cũng phát cảnh báo tới những quốc gia định cung cấp tên lửa S-300 cho Ukraine.

"Tôi muốn nhắc nhở những quốc gia đang nghĩ tới ý tưởng này rằng các thỏa thuận liên chính phủ và hợp đồng đi kèm điều khoản chứng nhận bên sử dụng, trong đó không cho phép họ chuyển giao vũ khí cho nước thứ ba. Mọi chuyến hàng tiến vào lãnh thổ Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu chính đáng nếu được xác định là vận chuyển vũ khí. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu", ông Sergey Lavrov nói.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/co-hoi-de-ukraine-duoc-nato-chuyen-rong-lua-s-300-van-rat-xa-voi-post499085.antd