Cơ hội Fintech tại Việt Nam dưới góc nhìn của nhà đầu tư Hàn Quốc

TGTTO Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư trong lĩnh vực Fintech của Hàn Quốc đã chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị Online về tiềm năng, cơ hội thị trường và hợp tác trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam bên lề hội thảo 'Thúc đẩy công nghệ Fintech và công nghệ thông tin trong thời đại chuyển đổi số', ngày 31/10, tại Hà Nội.

Việt Nam có cơ hội thành quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực Fintech

Quan hệ của Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu bằng hoạt động sản xuất và lắp ráp. Nền tảng đấy đã đưa đến sự hợp tác kinh tế và tăng trưởng kinh tế cho cả hai bên. Cùng sự phát triển hợp tác và lắp ráp như vậy, những ngành mới cũng đi theo. Bây giờ có thể coi là thời đại của ngành dịch vụ tài chính ngân hàng. Ngành công nghệ Fintech đang phát triển như vũ bão trên toàn cầu, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng và dòng chảy này. Vì vậy, ứng dụng Fintech là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu.

Thứ hai là tiềm lực kinh tế của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, việc kết hợp Fintech của Hàn Quốc sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên, đầu tiên là cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang sản xuất và kinh doanh tại đây. (Theo thống kê hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam – PV).

Tháng 3/2018, Chủ tịch Hiệp hội Tài chính ngân hàng của Hàn Quốc đã ký với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một biên bản ghi nhớ (MOU) về kết hợp giữa hai nước trong ngành Fintech.

Ngành công nghiệp của Fintech đầu tiên cần trang bị hạ tầng thật tốt. Tiếp đến là nó có thể đưa đến một dịch vụ ngân hàng hoàn toàn mới, bên cạnh ngành ngân hàng và tài chính hiện có. Ở tất cả các nước, Fintech là lĩnh vực mới chứ không chỉ Việt Nam, chỉ có điều việc di chuyển, tiếp cận và dung nạp nó nhanh hơn đến đâu.

Việt Nam là đất nước có nền kinh tế phát triển đang rất tốt (tỷ lệ tăng trưởng) thì sẽ có cơ hội để trở thành quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực Fintech.

Hàn Quốc với nền tảng kỹ thuật hiện có và niềm tin giữa hai quốc gia, thì riêng với lĩnh vực Fintech, chúng tôi kỳ vọng sẽ là đối tác chiến lược và đồng hành cùng Việt Nam. Bản thân Chính phủ Hàn Quốc cũng rất nỗ lực cho việc tạo những cơ sở và nền tảng hợp tác cho lĩnh vực Fintech của hai nước, vì thế Chính phủ đã có những nỗ lực để doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm việc ở Việt Nam và cả người dân được tiếp cận với nền tảng công nghệ tài chính mới này.

(Ông Song Jjun-Sang, Ủy viên thường trực, Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc)

Nhiều cơ hội cho start-up Fintech Việt Nam

Nền công nghiệp Fintech có thể cung cấp ở nhiều lĩnh vực, như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tuy nhiên ngân hàng đang là hoạt động đầu tiên. Trong ngành ngân hàng, nó đưa đến sự giản tiện - trong đó có thanh toán và chuyển tiền. Hôm nay có 4 tổ chức ngân hàng và các hiệp hội tài chính tín dụng của Việt Nam và Hàn Quốc đã ký MOU.

Việt Nam có dân số trẻ, tuổi lao động trung bình là 30 nên có khả năng tiếp cận, sử dụng máy tính, smartphone cao. Dân số lớn và lượng người trẻ nhiều, nghĩa là thị trường có người tiêu thụ, có khách hàng. Điều đó một phần đảm bảo tính khả thi của các dự án liên quan đến Fintech và công nghệ giải pháp thông minh bên cạnh dịch vụ truyền thống.

Ngay ở Silicon Valley thì Fintech cũng là ngành hoàn toàn mới không chỉ ở Hàn Quốc hay Việt Nam, điều đó đưa đến xu hướng các start-up trong lĩnh vực Fintech giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Và khi các start-up trong lĩnh vực này gặp các nhà đầu tư sẽ tạo nên hệ sinh thái rất hoàn thiện cho lĩnh vực Fintech. Khả năng huy động vốn cho lĩnh vực này khá tốt nên về mặt kinh doanh sẽ có nhiều cơ hội.

Nếu đặt ra một kỳ vọng xa hơn thì Việt Nam và Hàn Quốc đã có quan hệ thân thiết trong sản xuất hàng hóa nên bây giờ chuyển sang lĩnh vực mới là tài chính và tín dụng. Theo đánh giá, trung tâm tài chính tín dụng đang dịch chuyển về Việt Nam (Singapore được xem là trung tâm tài chính tín dụng của khu vực ASEAN – PV), doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam kết hợp tốt thì lĩnh vực Fintech trong tài chính ngân hàng sẽ tạo ra các dịch vụ nhanh, rẻ, an toàn. Và sản phẩm Fintech mà Việt Nam và Hàn Quốc có thể làm chung được với nhau không chỉ phục vụ cho thị trường Việt Nam và Hàn Quốc mà còn bán sang các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

(Ông Jung Yoo Shin, Chủ tịch Trung tâm Fintech Hàn Quốc)

Thích ứng thế nào là áp lực của ngân hàng

Hiện nay xu hướng của thế giới và nền công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi thời đại và chúng ta ai cũng nhận ra. Sự thay đổi này đã đặt ra những lo lắng cho lĩnh vực ngân hàng và tín dụng. Tuy nhiên, cái mà chúng ta lo lắng không phải các dịch vụ vốn có của ngân hàng sẽ tồn tại hay sẽ bị thay thế. Bản chất của các dịch vụ ngân hàng sẽ không thay đổi, nghĩa là vẫn thanh toán, cho vay, đi gửi nhưng phương thức thực hiện sẽ khác đi.

Thay vì bạn phải đến các địa chỉ của ngân hàng để thực hiện hoạt động vay, gửi… thì bây giờ bạn đều có thể sử dụng trên Internet. Hay trước đây phải có thẻ tín dụng thì bây giờ chỉ cần máy điện thoại di động giúp khách hàng thanh toán từ cái lớn đến cái nhỏ như thanh toán phí giao thông…

Khi có nền công nghiệp tiên tiến và giản tiện như thế thì sẽ có bước thay đổi thứ hai – thị trường sẽ thay đổi. Trước đây thị trường là tờ giấy thì giờ chỉ là code (mã hóa) thôi. Nên thích ứng thế nào với thị trường mới là áp lực của các doanh nghiệp. Về bản chất ngân hàng không thay đổi mà chỉ là thay đổi về phương thức và cách thức để làm mọi thứ trở nên nhanh hơn, đơn giản hơn.

Việt Nam là thị trường khá tốt và có tiềm năng nên việc kết hợp giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tạo nên các mẫu mới, có thể là những ý tưởng phục vụ cho sự giản tiện của ngân hàng, của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tóm lại sẽ tạo ra những gói dịch vụ ngân hàng mới hoặc những mẫu mới sẽ không chỉ sử dụng riêng ở Việt Nam mà sẽ đưa ra các nước Đông Nam Á mà sau này Việt Nam đang ở thế là nước trung tâm của khu vực.

(Ông Park Hwan Soo, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Công nghiệp Phần mềm Hàn Quốc (KOSA)

TRUNG ĐỨC

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/co-hoi-fintech-tai-viet-nam-duoi-goc-nhin-cua-nha-dau-tu-han-quoc-16698.html