Cơ hội lịch sử thay đổi văn hóa rượu, bia

Hơn 2 tuần nay, người tham gia giao thông bị xử phạt nặng do có nồng độ cồn gây 'ồn ào' trên mạng xã hội, người dân đang rất quan tâm, cân nhắc khi sử dụng ly bia, chén rượu. Những nhà hàng, quán nhậu vắng tanh, bệnh nhân cấp cứu liên quan đến rượu, bia giảm hẳn… Điều chưa từng xảy ra trước đây. Có thể nói, đầu năm mới 2020, quy định mới của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đã thiết lập nên văn hóa sử dụng rượu, bia mới.

Câu chuyện buồn!

Tôi có anh bạn thân người Bỉ, anh muốn hợp tác với một công ty để mở văn phòng đại diện, làm đầu mối phát triển một số lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam. Và anh muốn tôi cùng đến gặp lãnh đạo công ty đặt vấn đề hợp tác.

Đúng hẹn, 8 giờ sáng anh bạn và tôi có mặt, tiếp chúng tôi là một giám đốc cũng cỡ tuổi tôi. Giám đốc rất vui vẻ và nói chúng tôi ngồi chờ 5 phút. Anh mở tủ, lấy ra bình rượu ngâm 3 con rắn hổ mang, 3 con rắn cạp nong, 3 con rắn ráo, cùng 3 cái ly rồi cẩn thận rót rượu đầy có ngọn. Ly thứ nhất chúng tôi cạn chén, phải dốc ngược đáy, đó mới chỉ là màn chào hỏi. Ly thứ hai anh giám đốc tự giới thiệu. Rồi ly thứ ba, thứ tư, thứ năm; cứ thế rượu liên tục được rót ra, với rất nhiều lý do.

 Những ly rượu khó chối từ khi bị đối phương ép "phải cạn trăm phần trăm"

Những ly rượu khó chối từ khi bị đối phương ép "phải cạn trăm phần trăm"

Tôi đã từng đến Bỉ và uống rất nhiều, có khoảng 250 loại cả bia và rượu vang, chưa kể hàng chục loại rượu mạnh. Ở quê nhà, anh bạn người Bỉ cuối tuần vẫn hay uống cùng bạn bè ở quán bar, lại rất chịu khó rèn luyện thể lực và chơi bóng đá, nên sức khỏe và khả năng uống rượu của anh rất tốt. Nhưng lần này đến Việt Nam thì anh gục ngã, kết quả cuộc gặp mặt anh không nói được điều gì, ra về tôi phải đưa anh vào thẳng bệnh viện. Cho đến tận bây giờ, anh vẫn bị ám ảnh với con số 3x3x3.

Nô lệ của rượu, bia

Hà Nội nơi tôi sống và làm việc, đang có văn hóa nhậu nhẹt say sưa vào buổi trưa cùng đồng nghiệp, chiều về uống với bạn bè và bỏ mặc gia đình. Trên khắp các cung đường nhỏ ồn ào trong thành phố, hay ở những làng quê yên tĩnh vùng ngoại ô, đâu đâu cũng thấy những cốc bia cỏ tràn đầy trên những chiếc ghế nhựa, chỉ cần vài củ lạc, mấy bìa đậu luộc hoặc chục nem chua, người ta có thể dốc ngược cốc “1,2,3… trăm phần trăm”, cho đến hết bom bia. Mỗi nhà hàng bia hơi ở Hà Nội thường phải đặt bàn từ trước và len chân không được, với sức chứa tới vài trăm người, tiếng ồn tôi ước đoán phải hơn 100dBA, tai người chịu đựng âm thanh 85dBA quá 8 giờ là bắt đầu có vấn đề thính lực. Vào mỗi buổi chiều tối, đàn ông Hà Nội chui hết vào các nhà hàng bia, nơi có những cô gái trẻ đẹp mặc quần áo bó sát, nhẹ nhàng và dịu dàng, các cô khiêm tốn tự nhận mình là người “mở nắp chai”.

Đàn ông Việt sẽ bị coi thường khi đột ngột đặt ly xuống

Người dân Nam Bộ khác Bắc và Trung Bộ ở phong cách uống xuyên ngày và xuyên đêm. Mỗi lần tôi vào Sài Gòn, bạn bè rủ đi uống, từ 4 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ chiều hôm sau chưa được dừng. Đi từ miền Đông cho đến miền Tây sông nước, nơi đâu cũng nhậu nhẹt tối ngày, từ quán rượu cỏ ven đường cho đến các nhà hàng lớn sang trọng, người Nam bộ có thể uống và “chết” trên băng ghế cả ngày lẫn đêm. Điều đặc biệt ở phía bên trong những quán hàng ấy, ngoài những cô gái “mở nắp chai” như ở Hà Nội, thì đâu đâu tôi cũng gặp những “em gái bia” trẻ trung xinh đẹp. Các “em gái bia” uống với khách tận tình bao nhiêu cũng được, chỉ thỉnh thoảng xin phép vào nhà vệ sinh tháo ra đường miệng, rồi lại quay vào uống tiếp. Khách có tiền bo các “em gái bia” sẽ ngồi hẳn lên đùi. Nếu như các cô gái “mở nắp chai” chỉ là những người quảng cáo và bán bia, thì “em gái bia” dường như là một dạng nô lệ của văn hóa bia, rượu.

Trong nhiều năm, tôi đã có những chuyến đi vòng quanh các tỉnh miền núi, đến những bản làng xác xơ do rượu tàn phá, đến các thị trấn thị xã lớn nhỏ bị bia, rượu nhấn chìm, có những thời điểm tôi đã sống cùng đồng bào dân tộc. Tôi nhận ra rằng, uống rượu với người miền núi giống như một thuộc tính xã hội, nó không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt là người H’Mông, họ uống bất cứ khi nào có rượu, say bất cứ khi nào họ uống. Ngoài việc uống rượu thường xuyên trong mỗi bữa cơm, rượu cũng được coi là bắt buộc phải có đủ trong các cuộc tụ họp gia đình, gặp mặt bạn bè, đám hỏi, đám cưới, đám tang, hay lễ hội; người miền núi đã uống là không thể không say.

Bất cứ đâu đâu, bất cứ lý do gì, người Việt đều có thể ngồi uống rượu xuyên ngày và xuyên đêm

Chuyến đi của tôi trong dịp Hè năm ngoái, tôi tự lái xe lên miền Tây Bắc, đi qua một thị trấn suy tàn và tôi dừng lại ngủ qua đêm. Khoảng 6 giờ sáng tôi bị đánh thức bởi tiếng ồn ào, hóa ra có một người say rượu la hét, tay cầm vũ khí là thanh củi mục và đòi chiến đấu. Ra ngoài thị trấn ăn sáng, tôi thấy quán nào cũng rất đông người, họ ngồi từng nhóm và uống rượu. Tôi chọn góc khuất trong quán, nhưng chỉ một lúc sau có người cầm chai rượu sang rót mời tôi uống, tiếp đến lại một người khác cầm chai rượu sang, rồi đến nhiều người khác, mặc dù tôi không quen biết ai. Chẳng thể từ chối, tôi phải uống, và say, nhiều người cũng vậy. Lúc đó là 10 giờ, một số người mới bắt đầu kết thúc bữa sáng, họ loạng choạng bước thấp bước cao trở về cơ quan trong thị xã để bắt đầu một ngày làm việc.

Chúng ta ai cũng nghĩ người miền núi sống ở nơi khí hậu trong lành, đồ ăn thức uống đều dân dã, nên họ rất khỏe. Là một bác sĩ, tôi thấy điều ngược lại. Người miền núi không hề khỏe mạnh, tuổi thọ trung bình thấp hơn nhiều so với TP, có lẽ do họ uống rượu quá nhiều. Ngoài vấn đề tỷ lệ tội phạm có liên quan đến rượu trong cộng đồng gia tăng, thì tai nạn giao thông, vấn đề sức khỏe sa sút cũng khá nghiêm trọng. Hàng loạt những căn bệnh như huyết áp cao, bệnh tim, tiểu đường, xơ gan, thậm chí một số phụ nữ uống rượu khi mang thai, đứa trẻ sinh ra cũng bị “hội chứng rượu bào thai”, chưa kể trẻ mắc hàng loạt những tật bẩm sinh vô cùng quái dị.

Rất nhiều người Việt hôm nay nghĩ ra đủ mọi lý do để uống, từ một trận cầu cho đến thất bại trong hôn nhân, đàn ông ngập chìm trong bia, rượu, nhiều trong số đó họ chẳng chịu suy nghĩ bất cứ điều gì, họ chỉ uống.

Bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện rượu được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Đi trong thang máy sợ nhất có một người đàn ông uống rượu. Là bởi rượu làm cho tuyến nước bọt giảm tiết, miệng trở nên khô, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi phát triển, nên mỗi khi tôi khám cho người uống rượu nhiều sẽ phát hiện ra ngay, bởi hơi thở của họ có mùi hôi rất đặc trưng, dù cách xa trong phạm vi 2 mét vẫn có mùi hôi nồng nặc. Và đương nhiên, vợ của những người đàn ông lạm dụng rượu, miệng của họ cũng rất khó tránh khỏi bị hôi giống như chồng.

Rượu trở thành món quà biếu

Người Việt vẫn nghĩ “rượu là cao của gạo” hoặc “rượu là tinh hoa của trời đất”, uống rượu là tốt cho sức khỏe và thể hiện sức mạnh của người đàn ông bởi “nam vô tửu như cờ vô phong”, thậm chí có những loại rượu đồn thổi về tác dụng bản lĩnh đàn ông như “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử”, vì thế mà người Việt đua nhau nâng ly.

Ở Việt Nam không khó để tìm thấy những gia đình có hầm rượu tới vài ngàn lít. Người ta đựng rượu ra chum, hạ thổ rất lâu, thường là sau 5 năm. Có người đào hẳn bể phốt ngầm vài ngàn lít, mua hàng xe téc rượu bơm xuống, chỉ để thiết đãi bạn bè dần dần. Người Việt có thể cho bất cứ thứ gì vào chai rượu. Các loại động vật ngâm rượu như rượu cao, rượu mật, rượu tay gấu, nhung hươu, rắn, kì đà, tắc kè, rượu ngâm tinh hoàn động vật, rượu cá ngựa, hải long, hải sâm, ong, bìm bịp, chim sẻ, sâu chít, tằm. Các loại thảo dược ngâm rượu như thuốc nam, thuốc bắc, dâm dương hoắc, sâm, kỉ tử, táo tàu, nhãn, vải, đinh lăng, cây mật gấu, thục, ba kích, chuối hột, mơ, tầm gửi, quế chi, xuyên khung, nhục thung dung, hà thủ ô.

Món quà phổ biến để biếu cấp trên, biếu bạn bè trân quý là những can rượu gạo quê, rượu thóc, rượu ngô, rượu nếp, hay rượu nếp cái hoa vàng; rượu vùng miền càng quý, như rượu Làng Vân, Làng Mây, rượu Bắc Ninh, Sán Lùng, Bàu Đá. Công việc nhờ vả quan trọng hơn, món quà biếu sẽ là những bình rượu thuốc ngâm rất cầu kỳ, rượu động vật quý hiếm, đặc biệt là các loại rượu được mệnh danh “chồng uống vợ khen”. Cao hơn nữa, là những chai rượu ngoại đắt tiền hàng ngàn đến chục ngàn đô la, được đặt thửa từ nước ngoài mang về.

Theo WHO, mỗi năm tính trung bình một người Việt uống 8,3 lít rượu nguyên chất, nhiều gấp 3 lần các nước láng giềng thuộc khu vực Đông Nam Á, hậu quả xã hội do rượu gây ra chiếm từ 1,3% đến 3,3% sản phẩm quốc nội, gây tử vong cho 79 nghìn người, tiêu tốn 3,5 tỷ đô la. Một nghiên cứu của Chính phủ cho thấy, 60% bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến rượu. Do đó, Chính phủ đã ban hành một loạt các quy định, như cấm bán rượu, bia vào lúc 10giờ đêm, hạn chế quảng cáo rượu, bia trên báo chí và trên truyền hình trong những khung giờ nhất định, nhưng không có ai thực sự quan tâm, thậm chí mọi người còn nghĩ cấm đoán là điều thật buồn cười.

Lịch sử đã thay đổi

Văn hóa rượu, bia ở Việt Nam không còn dừng ở mức độ bê tha nữa, mà nó thực sự trở thành tệ nạn, đe dọa đến sức khỏe tính mạng của từng người dân, nó kéo thụt lùi sự phát triển của quốc gia. Chúng ta còn nhớ, hậu chiến tranh Đông Dương, WHO đi tìm quốc gia có người nghèo và lạc hậu cần chăm sóc, Việt Nam nhanh chóng được WHO tìm thấy. Vẫn biết rượu, bia là một phần của nền văn hóa, rất quan trọng, nếu biết sử dụng và nâng tầm trở thành nét văn hóa tích cực, thì rượu, bia giúp người dân khắc phục những căng thẳng của cuộc sống, nâng cao sức khỏe, tạo sự kết nối tốt đẹp giữa con người với con người, thu hút khách du lịch, kiếm về nguồn ngoại tệ không hề nhỏ; bởi vậy mà đã đến lúc Việt Nam cần phải làm một cuộc cách mạng về văn hóa rượu, bia.

Người Việt đã thực hiện xong công cuộc "xã hội hóa" uống rượu, bia khi Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực

Cuộc cách mạng đó chính là Luật phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, cùng với Nghị định 100/NĐ-2019. Tôi cho rằng, bước đột phá để tạo nên cuộc cách mạng thay đổi văn hóa bia, rượu, mà tôi tin chắc cuộc cách mạng sẽ thành công, đó chính là “Luật không khoan nhượng với nồng độ cồn - Zero tolerance and alcohol laws”. Cụ thể, với quy định nồng độ cồn bằng 0 tuyệt đối khi lái xe, cùng với hình thức xử phạt rất nặng, là rất cần thiết, để bắt buộc người Việt phải thay đổi lại thói quen uống bia, rượu.

Tôi đã dự nhiều bữa tiệc liên hoan kể từ ngày luật có hiệu lực, người ta không còn nâng cốc “1,2,3… trăm phần trăm”, đàn ông không còn bị coi thường khi đột ngột đặt ly xuống, những người lái xe họ kiên quyết không uống một giọt rượu, bia nào, không có cảnh ép nhau ngửa cổ lên để đổ rượu vào mồm. Ở bệnh viện, tuy chưa có số liệu thống kê nhưng tôi thấy lượng bệnh nhân tai nạn giao thông đã giảm đi rất nhiều, tôi cũng không còn ngửi thấy mùi hôi miệng của nhiều cặp vợ chồng như trước đây.

Bác sĩ Trần Văn Phúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/co-hoi-lich-su-thay-doi-van-hoa-ruou-bia-362840.html