Cơ hội lịch sử

Ngày 30-9, Macedonia bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý để người dân quyết định xem có chấp nhận hay không một thỏa thuận bước ngoặt chấm dứt tranh cãi hàng thập niên với quốc gia láng giềng Hy Lạp thông qua việc thay đổi tên của nước này thành Bắc Macedonia, mở đường cho việc trở thành thành viên của NATO.

Macedonia đấu tranh để được công nhận tên kể từ khi ra đời vào năm 1991 khi quốc gia không giáp biển này tuyên bố độc lập khỏi Yugoslavia (Nam Tư). Tuy nhiên, nỗ lực này luôn vấp phải sự phản đối của Athens. Hy Lạp cho rằng, việc sử dụng tên Macedonia cho thấy những tham vọng lãnh thổ đối với tỉnh cùng tên của nước này, đồng thời ngăn chặn những nỗ lực của Macedonia trong việc gia nhập NATO.

Cuộc tranh chấp giữa hai quốc gia tuyên bố liên kết với đế chế Macedonia cổ đại của Alexander vĩ đại kéo dài gần ba thập kỷ. Bước ngoặt diễn ra hồi tháng 6, khi Thủ tướng mới Zoran Zaev của Macedonia và người đồng nhiệm Hy Lạp Alexis Tsipras đạt thỏa thuận mang tính lịch sử, theo đó Hy Lạp sẽ ủng hộ việc Macedonia gia nhập EU và NATO nếu nước này đổi tên.

Nhưng vấn đề này lại gây tranh cãi ở Macedonia. Trong khi chính phủ Macedonia kêu gọi các phe phái ủng hộ thỏa thuận này, phe đối lập cánh hữu vẫn nghi ngờ độ tin cậy của các lá phiếu bầu nếu tỷ lệ bỏ phiếu dưới 50%. Một số nhân vật chỉ trích, bao gồm cả Tổng thống Gjorge Ivanov, người liên minh với phe đối lập dân tộc chủ nghĩa, kêu gọi phản đối.

Nếu đa số cử tri bỏ phiếu ủng hộ đổi tên nước, Quốc hội Macedonia sẽ phải phê chuẩn những sửa đổi hiến pháp trước khi thỏa thuận nêu trên được thông qua tại Hy Lạp. Thông qua các lá phiếu này, các cử tri Macedonia cũng quyết định liệu họ ủng hộ tư cách thành viên trong NATO và Liên minh Châu Âu (EU) thông qua việc chấp nhận thỏa thuận giữa cộng hòa Macedonia và cộng hòa Hy Lạp hay không.

Tình trạng di cư lớn trong những thập kỷ gần đây cũng có thể ảnh hưởng đến con số kết quả trưng cầu dân ý, với gần 1/4 dân số 2,1 triệu người ước tính sống ở nước ngoài. Trong khi đó, chỉ có khoảng 3.000 người ở nước ngoài đăng ký bỏ phiếu. Châu Âu và Mỹ cũng vận động tích cực cho thỏa thuận này, trong đó các nhà lãnh đạo để thúc giục người Macedonia chấp nhận cơ hội lịch sử này. NATO đã đưa ra lời mời gửi đến Macedonia, trong khi các cuộc đàm phán gia nhập EU dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới.

Phương Tây tích cực như vậy vì mong muốn có chỗ đứng khác ở vùng phía Tây Balkan, một khu vực nơi Nga vốn có ảnh hưởng lớn. Với Macedonia, một thỏa thuận cho một tương lai với EU là giúp ràng buộc người Macedonia gốc với người thiểu số Albania, những người ủng hộ phương Tây. Trong khi đó, Macedonia tránh được các cuộc chiến tranh dân tộc có quy mô toàn diện lan khắp khu vực sau sự sụp đổ của Nam Tư.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_196025_co-hoi-lich-su.aspx