Cơ hội nào cho phim Việt tại 'đấu trường Oscar'

Thông tin về bộ phim điện ảnh 'Cô ba Sài Gòn' (đạo diễn Kay Nguyễn và Trần Bửu Lộc) được Cục Điện ảnh lựa chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Oscar năm nay nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây là giải thưởng danh giá và nhà sản xuất phim nào trên thế giới cũng khát khao được vinh danh tại Oscar.

"Cô ba Sài Gòn" có làm nên chuyện hay không, rất khó để đưa ra câu trả lời bởi dù khai thác đề tài mang đậm bản sắc Việt, thắng lợi doanh thu phòng vé trong nước... nhưng bấy nhiêu có thể chưa đủ để chinh phục giám khảo "khó tính" ở Oscar.

"Cô ba Sài Gòn" có làm nên chuyện?

Theo đó, "Cô ba Sài Gòn" sẽ là đại diện của Việt Nam tranh cử tại hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất" tại Oscar lần thứ 91 của Viện Hàn lâm khoa học Điện ảnh Mỹ. Ngô Thanh Vân, nhà sản xuất của bộ phim bày tỏ hy vọng, "Cô ba Sài Gòn" sẽ ghi được dấu ấn trên trường quốc tế.

Đồng thời, "Cô ba Sài Gòn" cũng được nhà sản xuất lên kế hoạch đưa "xuất ngoại", chiếu phục vụ bà con kiều bào ở California, Mỹ vào trung tuần tháng 10 tới đây. Trước khi đến với Oscar, "Cô ba Sài Gòn" cũng từng nhận "Cánh Diều Vàng" hạng mục "Phim truyện điện ảnh xuất sắc" và giải thưởng của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20.

Một cảnh trong phim "Cô ba Sài Gòn", đại diện phim Việt Nam tranh giải thưởng Oscar năm nay.

Khi ra mắt khán giả trong nước hồi cuối năm 2017, "Cô ba Sài Gòn" nhận được phản hồi tích cực của khán giả trong nước. Theo nhiều nguồn tin, doanh thu của "Cô ba Sài Gòn" là hơn 60 tỷ đồng. Con số này được cho là chưa đạt kỳ vọng của nhà sản xuất nhưng cũng là con số ấn tượng trong thời điểm doanh thu phim Việt tụt dốc.

"Cô ba Sài Gòn" khai thác đề tài áo dài - một đề tài truyền thống, gần gũi, đậm sắc văn hóa Việt. Phim đã tạo nên "hiệu ứng" trong cộng đồng về trào lưu mặc áo dài "Cô ba Sài Gòn", nhạc phim cũng tạo được ấn tượng mạnh mẽ sau khi ra rạp. Chính vì vậy, sự kỳ vọng vào "Cô ba Sài Gòn" khi "mang chuông đi đánh xứ người" không phải là không có cơ sở.

Một tin vui khác với nhà sản xuất Ngô Thanh Vân là "Song Lang" (đạo diễn Leon Quang Lê) cũng được đề cử ở hạng mục "Asian Future" tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 31 diễn ra cuối tháng 10, đầu tháng 11 tới đây. "Song Lang" khai thác đề tài "kén" người xem là nghệ thuật cải lương. Phim không đạt doanh thu phòng vé như mong muốn nhưng được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng. Hy vọng "Song Lang" sẽ tạo được bất ngờ khi "chinh chiến" tại các giải thưởng trong và ngoài nước.

Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều phim Việt được vinh danh tại các giải thưởng điện ảnh khu vực và quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng để quảng bá nền điện ảnh Việt với bạn bè thế giới. Gần đây nhất là "Người vợ ba" (đạo diễn Nguyễn Phương Anh) nhận giải "Phim truyện điện ảnh Châu Á xuất sắc nhất" của Liên hoan phim Toronto 2018; "Đảo của dân ngụ cư" (đạo diễn Nguyễn Hồng Ánh) nhận được 8 đề cử và giành giải "Phim hay nhất", "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất", "Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất" tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017, Giải đặc biệt của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Á Âu lần thứ 13, giải "Câu chuyện sáng tạo nhất" và "Giải đặc biệt của Ban giám khảo dành cho diễn viên triển vọng" tại Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 58; "Cha cõng con" (đạo diễn Lương Đình Dũng) giành nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim lớn nhỏ; "Đập cánh giữa không trung" (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) đạt giải "Phim hay nhất" tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice thuộc Liên hoan phim Venice lần thứ 71…

Tuy nhiên, với những giải thưởng điện ảnh lớn, danh tiếng trên thế giới, trong đó có Oscar thì "cánh cửa" cho điện ảnh Việt rất hẹp. Hằng năm, Cục Điện ảnh đều chọn phim xuất sắc nhất trong năm tham dự nhưng chỉ có tác phẩm "Mùa đu đủ xanh" (đạo diễn Trần Anh Hùng) lọt vào vòng đề cử tại Oscar lần thứ 66 cách đây 25 năm.

Vài năm gần đây, một số tác phẩm điện ảnh Việt cũng được kỳ vọng sẽ tạo được dấu ấn tốt như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (đạo diễn Victor Vũ), "Trúng số" (đạo diễn Dustin Nguyễn), "Mùi cỏ cháy" (đạo diễn Nguyễn Hữu Mười), "Khát vọng Thăng Long" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), "Đừng đốt" (đạo diễn Đặng Nhật Minh), "Áo lụa Hà Đông" (đạo diễn Lưu Huỳnh), "Chuyện của Pao" (đạo diễn Ngô Quang Hải), "Mùa len trâu" (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), "Mùa hè chiều thẳng đứng" (đạo diễn Trần Anh Hùng)… nhưng đều không qua được vòng loại.

Cần xây dựng "thương hiệu điện ảnh Việt"

Câu hỏi đặt ra là, để "chạm tới" tượng vàng danh giá Oscar, phim Việt cần gì? Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa phim Việt và phim của những nền điện ảnh tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, nhất là về kỹ thuật quay, dựng phim, kỹ xảo điện ảnh. Những câu chuyện trong phim Việt chưa mang thông điệp thực sự sâu sắc, có thể "vượt biên giới", tìm sự đồng cảm của khán giả ở các quốc gia khác.

Một cảnh trong phim "Mùa đu đủ xanh", phim Việt duy nhất tính đến thời điểm này lọt vào vòng đề cử tại Oscar lần thứ 66, cách đây 25 năm.

Trở lại câu chuyện của "Cô ba Sài Gòn". Đề tài thuần Việt, diễn viên, hình ảnh đẹp, với cốt truyện nhẹ nhàng, không quá khác biệt liệu "Cô ba Sài Gòn" có đủ sức cạnh tranh với những bộ phim với đề tài nóng bỏng trong cuộc sống hiện đại. Một số bộ phim đang gây được chú ý, có thể là ứng viên "nặng ký" của Oscar năm nay là "Beautiful boy" (tạm dịch: Con trai yêu quý, đạo diễn Flix Van Groenige), khai thác đề tài thanh thiếu niên nghiện ma túy, "Boy erased" (tạm dịch: Thanh tẩy, đạo diễn Joel Edgerton) kể về bi kịch của một thanh niên đồng tính sinh ra trong gia đình Công giáo; "Ben is back" (tạm dịch: Ben đã trở lại, đạo diễn Peter Hedges) là câu chuyện của một chàng trai trẻ về thăm gia đình vào dịp Giáng sinh sau khi rời khỏi trại cai nghiện.

Những bộ phim này khai thác đề tài về sự bế tắc của những chàng trai trẻ trong cuộc sống hiện đại. Cám dỗ hiện hữu cũng như những cuộc đấu tranh diễn ra trong tâm hồn mỗi người khiến khán giả như tìm thấy mình thông qua nhân vật trong phim. Rõ ràng, những bộ phim được đánh giá cao của Oscar năm nay có sức nặng, chiều sâu hơn so với "Cô ba Sài Gòn" cũng như nhiều phim Việt ra rạp trong thời gian gần đây.

Thực tế cho thấy, dòng phim tư nhân "lên ngôi", góp phần thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt. Bức tranh điện ảnh Việt đa dạng với nhiều gam màu khác nhau. Với các nhà sản xuất phim tư nhân, doanh thu phim là yếu tố mang tính quyết định. Chính vì vậy, mảng đề tài mà họ tập trung khai thác chính là những vấn đề "hot", "câu khách" trong xã hội để đảm bảo doanh thu phòng vé. Ít nhà sản xuất phim tư nhân mạo hiểm đầu tư phim nghệ thuật. Đầu tư phim nghệ thuật bị coi là tự đưa mình vào con đường gian khó.

Khi đã đầu tư phim nghệ thuật, các nhà sản xuất chấp nhận đi đường vòng, nghĩa là gửi phim tham dự các liên hoan phim quốc tế sau đó quay lại thị trường phim nội địa. Giải thưởng phim quốc tế giống như một hình thức "chứng thực" để quảng bá phim. Đây là bài toán mà nhà sản xuất phim tư nhân khó tìm được lời giải đáp, dù thực sự tâm huyết, muốn đầu tư phim nghệ thuật để góp phần xây dựng nền điện ảnh nước nhà. Chính vì vậy, tất yếu xảy ra tình trạng, phim thương mại thì chạy theo trào lưu, trong khi phim nghệ thuật lại "chưa tới" về mặt cảm xúc.

Một số chuyên gia cho rằng, cái thiếu nhất của phim Việt hiện nay là thương hiệu điện ảnh. Thương hiệu đó là cái cốt lõi để khán giả quốc tế nhận diện nền điện ảnh Việt. Tất nhiên, không thể có thương hiệu nếu chỉ phát triển dòng phim thương mại với đề tài chạy theo trào lưu nhất thời.

Cần những bộ phim chất lượng, khai thác đề tài có giá trị nhân văn, thời đại sâu sắc, phản ánh những vấn đề nóng bỏng mang bình diện khu vực và quốc tế. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ những nhà sản xuất có kinh nghiệm, đạo diễn tài năng để có thêm nhiều bộ phim thực sự chất lượng.

Khi đã định hình được thương hiệu, bản sắc điện ảnh Việt, nghĩa là điện ảnh Việt đã có tên trên "bản đồ" điện ảnh thế giới thì giấc mơ phim Việt đạt tượng vàng Oscar cũng như những giải thưởng danh khác mới có thể trở thành hiện thực.

Tường Phạm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/co-hoi-nao-cho-phim-viet-tai-dau-truong-oscar-515549/