Cơ hội nhìn lại nền nông nghiệp Việt Nam

Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tác động toàn diện đến nền kinh tế. Trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất do đứt gãy chuỗi tiêu thụ. Nông sản chất đầy đồng, hư hỏng trong khi tại nhiều thành phố lớn xảy ra cảnh thiếu rau củ, hoa quả. Ngoài tác động tiêu cực, đại dịch cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp – một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam nhìn lại, tìm hướng đi tăng sức chống chịu trước cú sốc có thể xảy ra trong tương lai.

Vải thiều Bắc Giang có giá bán cao trong bối cảnh dịch bùng phát là bài học cho địa phương trong tiêu thụ nông sản Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Từ giải cứu sang giải pháp

Bắc Giang là một trong những địa phương đầu tiên chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Dịch bùng phát đúng vào thời điểm thu hoạch nhiều nông sản như: đào, mận, vải thiều, dứa, vải, dưa hấu. Dịch bệnh bùng phát ngay từ đầu vụ, dù lo lắng về đầu ra sản phẩm nhưng mỗi thành viên của hợp tác xã (HTX) tại Bắc Giang đều chăm chút với quyết tâm làm ra quả vải chất lượng tốt nhất. Với thương hiệu vải thiều đã khẳng định uy tín nhiều năm, liên minh HTX Bắc Giang kết nối, thu mua và tiêu thụ khoảng 800 tấn vải thiều dù bối cảnh dịch bệnh bao trùm. Ngoài tiêu thụ trong nước, trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) kết hợp với một số vựa thu mua nông sản tại Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Hà Giang và công ty xuất khẩu nông sản tại Lạng Sơn để lựa chọn nông sản, hướng dẫn quy cách đóng gói, hỗ trợ làm thủ tục thông quan, kết nối với bên mua tại Trung Quốc. Khi vào chính vụ, chỉ tính riêng vải thiều của các HTX đã xuất được 50-70 tấn/ngày.

Đánh giá nguy cơ dịch COVID-19 có thể làm đứt gãy chuỗi nông sản, Liên minh HTX Việt Nam chủ động cùng nhà phân phối và địa phương có sản lượng nông sản lớn tích cực vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ. Một trong những giải pháp hiệu quả chính là thành lập Tổ công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, việc tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh cần chủ động thay thế tư duy “giải cứu” sang tìm “giải pháp”. Trước tiên, mỗi địa phương phải nắm được tình hình về tổng nhu cầu sản phẩm từ HTX. Muốn có đầu ra phải nắm chắc đầu vào về số lượng, chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn gì, thương hiệu, giá cả.

“Câu chuyện sản xuất như thế nào là của HTX, nhưng câu chuyện vận chuyển hàng hóa, vấn đề lái xe, người giao hàng cho đến xét nghiệm nhanh COVID -19, kiểm tra liên ngành lại là vấn đề của chính quyền địa phương. Nếu các cấp ngành không vào cuộc, HTX gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước thì nông sản của HTX mới nhanh đến tay người tiêu dùng”, ông Thịnh nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Theo ông Thịnh, tiêu thụ sản phẩm phải đa dạng kênh bán hàng mới mang lại hiệu quả. Trong lần bùng phát dịch thứ 4, nông sản được tiêu thụ qua nhiều kênh như: điểm bán hàng trực tiếp; siêu thị; chợ đầu mối; hệ thống Liên minh HTX địa phương; xúc tiến thương mại điện tử, xuất khẩu. Trong đó, tiêu thụ qua chợ đầu mối có số lượng nhiều nhất. Việc bán hàng thông qua mạng xã hội bằng việc người dân, thành viên HTX tiến hành livestream, quảng cáo sản phẩm trên trang mạng dù mới thực hiện nhưng hiệu quả rất tốt.

“Phương thức bán này thu hút được nhiều người đặt hàng, được giá. Tuy nhiên, để có được hiệu quả phải ứng dụng công nghệ thông tin và phải có tri thức nhất định. Nếu người dân và thành viên HTX không hiểu về công nghệ thông tin và không có nền tảng tri thức việc ứng dụng các kênh bán hàng này cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, đi liền với các kênh bán hàng này là phải nâng cao chất lượng đội ngũ thành viên và cán bộ HTX”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh chia sẻ.

Ông Thịnh cũng cho rằng, muốn thành công trong hỗ trợ tiêu thụ thì phải chủ động từ sớm, từ xa, không để xảy ra tình trạng bị động. Như tại Bắc Giang, 200 thương lái Trung Quốc được đón vào địa phương trước mùa thu hoạch rộ khoảng 45 ngày, để cách ly y tế và có đủ thời gian sắp xếp việc thu mua vải thiều. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị cho công tác vận chuyển luồng xanh và xét nghiệm COVID-19… để bảo đảm thời gian vận chuyển nông sản kịp thời gian và bảo đảm chất lượng.

Giải bài toán thiếu sự liên kết

Đánh giá về việc đứt gãy chuỗi tiêu thụ nông sản tại nhiều địa phương trong lần bùng phát dịch COVID-19 thứ 4, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc hỗ trợ nông sản tại địa phương vùng dịch cho thấy sự rời rạc, thiếu gắn kết giữa nông dân, hợp tác xã và giữa người sản xuất với hệ thống phân phối.

“Câu chuyện sản xuất như thế nào là của HTX, nhưng câu chuyện vận chuyển hàng hóa, vấn đề lái xe, người giao hàng cho đến xét nghiệm nhanh COVID -19, kiểm tra liên ngành lại là vấn đề của chính quyền địa phương. Nếu các cấp ngành không vào cuộc, HTX gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước thì nông sản của HTX mới nhanh đến tay người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh

HTX Việt Nam

“Nông dân sản xuất theo hướng mạnh ai nấy làm, không có kế hoạch cụ thể, khiến sản xuất mang tính nhỏ lẻ, mùa vụ, được chăng hay chớ. Trong thực tế, dù nhiều nông dân đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị nhưng khi giá bên ngoài cao hơn thì tâm lý lại bấp bênh và sẵn sàng phá bỏ giao ước. Chính vì vậy, mặc dù đã hội nhập sâu rộng với thế giới nhưng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa được tổ chức sản xuất theo quy mô lớn và luôn ở thế bị động, nhất là khi có những tình huống bất ngờ xảy ra như lần bùng phát dịch thứ 4 hiện nay”, ông Thịnh đánh giá.

Theo ông Thịnh, do thiếu sự phối hợp chặt chẽ dẫn đến ùn ứ hàng hóa, thậm chí sợ lây bệnh qua nông sản nên hàng bị chặn không được lưu thông, gây khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa. Thậm chí tạo ra áp lực đối với cuộc sống của người dân địa phương. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần rà soát và bổ sung những cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

“Thời gian tới, nghề nông trở thành nghề đòi hỏi chuyên môn cao, kỹ năng hiện đại, vận dụng công nghệ sinh học, tưới tiêu hiện đại, áp dụng kinh tế số hóa, thương mại điện tử, am hiểu ngoại ngữ, kinh tế đối ngoại. Đó là những cơ hội và thách thức lớn hơn nhiều, phức tạp và mới mẻ hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống trước đây. “Chậm là chết”, chậm đổi mới là mất cơ hội, chịu nhiều thua thiệt không đáng có”.

Ông Lê Đăng Doanh

Cùng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, trong nguy có cơ, trong họa có phúc, lửa thử vàng gian nan thử sức. Chính trong tình hình biến động này, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào nông nghiệp, tạo lập chuỗi giá trị liên kết với quốc tế, nâng cao tỷ lệ chế biến, giá trị gia tăng của nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Từ đó, sản phẩm nông nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, đáp ứng nhu cầu cao của các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ngọc Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-hoi-nhin-lai-nen-nong-nghiep-viet-nam-post1370896.tpo