Cơ hội phát triển bền vững cho các doanh nghiệp dệt, may

Ngày 23/10, tại Hà Nội đã khai mạc Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu 2019 (HanoiTex 2019 & HanoiFabric 2019).

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: LP

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: LP

Tham gia triển lãm có 179 nhà triển lãm của 194 công ty đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, Hồng Kong, Indonesia, Ý, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Anh, Mỹ, Việt Nam... giới thiệu các công nghệ, thiết bị tiên tiến cũng như nguyên phụ liệu phục vụ sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam trong những năm tới.

Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong việc tìm nguồn cung ứng thiết bị, công nghệ, vật liệu và vật tư tiên tiến, cập nhất mới nhất về thông tin thị trường thế giới, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Phát biểu tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết Việt Nam đang đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may trên thị trường thế giới với giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt trên 36 tỷ USD và ước tính năm 2019 đạt 40 tỷ USD. Đây cũng là ngành tạo việc làm cho trên 2 triệu người lao động, đồng thời tiếp tục tạo ra khoảng 200.000 việc làm mới mỗi năm.

Gian hàng Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Đạt - đơn vị chuyên cung cấp các loại vải, chăn ga gối đệm, nguyên phụ liệu ngành dệt và may. Ảnh: LP

Cũng theo ông Hưng, ngành Dệt may hiện đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững với mức tăng trung bình từ 8 % - 15% mỗi năm, tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều biến động hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đang gặp một số khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều năm qua, Triển lãm đã trở thành điểm hẹn quen thuộc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội giới thiệu, tham quan, tìm hiểu, lựa chọn thiết bị có trình độ công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường từ các nước công nghiệp tiên tiến. Trên cơ sở đó định hướng đầu tư thêm công nghệ mới nhằm sản xuất và cung cấp thêm nguồn nguyên phụ liệu dệt may với số lượng và chất lượng cao, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ đòi hỏi của các hiệp định thương mại.

“Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, thiết bị hiện đại, nguyên phụ liệu mới, phù hợp, hợp lý hóa hệ thống quản lý sản xuất và quản lý chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Triển lãm diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25/10.

Lê Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/co-hoi-phat-trien-ben-vung-cho-cac-doanh-nghiep-det-may_t114c7n155669