Cơ hội phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số

Hơn 200 năm qua, thế giới đã đi qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp, đó là cơ giới hóa, điện khí hóa và tự động hóa; và nay là cuộc cách mạng về số hóa. Công nghệ số đang thâm nhập thế giới với tốc độ rất cao, nhất là khi một số công nghệ đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang làm thay đổi căn bản kinh tế, văn hóa và xã hội.

nhất là khi một số công nghệ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang làm thay đổi căn bản kinh tế, văn hóa và xã hội.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, theo đánh giá của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019), mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của nước ta còn thấp; thể chế chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập; xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức trung bình; năm 2018 Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đạt 20/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia. Bên cạnh đó, thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ còn bất cập, chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của CMCN 4.0…

Tỉnh Phú Yên đã chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; tuy nhiên mức độ đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nội bộ chưa khai thác hết công năng; người dùng sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn thấp; chưa có chế độ ưu đãi cho cán bộ phụ trách CNTT... nên vẫn còn khó khăn trong tham mưu triển khai Chính quyền điện tử…

Có thể nói, cuộc CMCN 4.0 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN mà nòng cốt là công nghệ số, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.

Do vậy, Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 vừa được Bộ Chính trị ký ban hành là một yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh và thể hiện khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tích cực, chủ động tham gia CMCN 4.0, gắn với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc của đất nước.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 52-NQ/TW là: “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”. Qua đó, Bộ Chính trị đã đề ra 8 chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 Đó là: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia; Thực hiện các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển nguồn nhân lực, các ngành và công nghệ ưu tiên và hội nhập quốc tế…

Bước đi của CNTT là chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ là nhiệm vụ mới, thách thức mới (Bộ TT-TT đang xây dựng đề án Chuyển đổi số Quốc gia - PV), nhưng cũng chính thách thức này mà lực lượng làm CNTT của nước nhà nói chung và Phú Yên nói riêng sẽ có bước phát triển đột phá trong xây dựng nền tảng kinh tế số, xã hội số. Và sứ mạng của những người làm CNTT là đưa Nghị quyết 52-NQ/TW về cuộc CMCN 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới!

NGUYÊN LƯU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/230000/co-hoi-phat-trien-manh-me-kinh-te-so-xa-hoi-so.html