Cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Việt Nam ở Trung Đông - châu Phi

Doanh nghiệp Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi có rất nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết trong các lĩnh vực như dầu khí, khoáng sản, dệt may, da giày...

Đoàn Đại biểu tham dự Hội nghị Gặp mặt các Đại sứ khu vực Trung Đông – châu Phi tham quan khu Trưng bày các mẫu sản phẩm nông nghiệp tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ngày 10/9. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thời gian vừa qua, phát triển thị trường Việt Nam sang khu vực Trung Đông - châu Phi đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh gay gắt của các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc... Tuy nhiên, triển vọng mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này là rất khả quan bởi quy mô dân số ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và máy móc thiết bị gia tăng.

Cơ hội mở, nhiều dư địa

Đặc biệt, từ ngày 30/5/2019, Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) bao gồm 44 quốc gia châu Phi đã bắt đầu có hiệu lực, đưa châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia. Vì vậy, đầu tư vào khu vực này sẽ là cơ hội để cung cấp hàng hóa cho thị trường với dân số trên 1,2 tỷ người.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi có tính chất bổ sung cho nhau. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa, sữa và sản phẩm từ sữa, thủy sản, điện thoại di động, hàng điện tử, sản phẩm dệt may, giày dép các loại… đã thâm nhập và hiện có chỗ đứng tốt tại thị trường Trung Đông - châu Phi, được người dân sở tại ưa chuộng và đánh giá cao về giá cả, mẫu mã, chất lượng. Điều đó cho thấy năng lực cạnh tranh, uy tín đang ngày càng tăng trong bối cảnh thị trường các nước còn nhiều dư địa cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ khu vực Trung Đông - châu Phi các mặt hàng như dầu thô, dầu diesel, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, phân bón, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày; hàng nguyên liệu thô như điều thô, bông, gỗ, đồng, quặng, thức ăn gia súc... phục vụ các ngành công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu.

Không chỉ là tiềm năng Không chỉ là tiềm năng và triển vọng, mà thực tế, cả nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi còn đang rất lớn và đa dạng. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi còn gặp không ít thách thức, trở ngại. Do cả hai bên còn thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh, hệ thống pháp luật, thêm sự xa cách về địa lý dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao, sự quan tâm chưa đúng mức của các Bộ, ngành doanh nghiệp hai bên.

Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại thường trú của mỗi bên còn mỏng, các cơ chế hợp tác song phương hiện có chưa thực sự phát huy hết vai trò trong thúc đẩy hợp tác kinh tế. Là một nền kinh tế mở với 16 hiệp định thương mại tự do, nhưng đến nay, Việt Nam cũng chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với bất kỳ nước nào trong khu vực.

Tuy nhiên, khả năng đáp ứng các nhu cầu hợp tác ngày càng cao và đa dạng với các nước Trung Đông - châu Phi của Việt Nam là thực tế. Bằng chứng là từ năm 2010 đến nay, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi đã tăng trên 3,5 lần, từ 5 tỷ USD lên 18 tỷ USD. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp hai bên cũng đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ, đạt trên 5,5 tỷ USD, trong đó, đáng chú ý là các dự án viễn thông của Việt Nam tại một số quốc gia châu Phi, giúp người dân nơi đây tiếp cận dịch vụ viễn thông và mở rộng cơ hội kết nối toàn cầu.

Hợp tác nông nghiệp, năng lượng, giao thông, lao động và chuyên gia cũng là những điểm sáng. Những kết quả đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia Trung Đông - châu Phi.

Tuy nhiên, con số thực tế cho thấy hiệu quả hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên. Tỷ trọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông – châu Phi rộng lớn với 70 quốc gia, 1,6 tỷ dân trải dài trên 36 triệu km2 chỉ chiếm khoảng 3,5% trên tổng số 480 tỷ USD xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2018.

Vượt khó bằng giải pháp cụ thể

Như vậy, rõ ràng, cần phải có những giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi.

Chẳng hạn, khó khăn lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu sang châu Phi hiện nay chính là khâu thanh toán. Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở Thư tín dụng L/C (do chi phí cao). Việc thanh toán còn được thực hiện bằng TTR, đặt cọc 10%, số còn lại trả nốt khi có chứng từ. Đây là phương thức thanh toán không an toàn nên hầu hết không được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chấp thuận.

Hay do hiện nay, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Đông - châu Phi còn mỏng nên khả năng giới thiệu, thẩm tra đối tác, hỗ trợ thủ tục visa… gặp nhiều khó khăn. Nhằm tránh rủi ro, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế, đây là lý do khiến giá hàng hóa bị đội lên, làm giảm tính cạnh tranh...

Với những vấn đề rất thực tế đó, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông - châu Phi, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan của Việt Nam và các nước, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin, nghiên cứu kỹ về thị trường, từ đó xây dựng chiến lược sản xuất và xuất khẩu phù hợp; tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác thông qua tham gia các chương trình xúc tiến, các hội chợ, triển lãm tổ chức tại các nước trong khu vực.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-hoi-rong-mo-cho-doanh-nghiep-viet-nam-o-trung-dong-chau-phi-100989.html