Cơ hội thu hút FDI từ khối ASEAN vào Việt Nam

Đầu tư từ các quốc gia trong khu vực ASEAN vào Việt Nam sẽ ngày càng tăng khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành từ đầu năm 2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thu hút 56 tỷ USD từ các nước ASEAN

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 10/2015, đã có 8 nước ASEAN bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia đầu tư FDI tại Việt Nam. Các nhà đầu tư ASEAN đã đầu tư vào 18/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, với 2.705 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký 56,85 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Trong đó, vốn đầu tư tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo với 1020 dự án và tổng vốn đầu tư là 22,32 tỷ USD, chiếm 37,7% số dự án và chiếm 39,2% tổng vốn đầu tư của khối ASEAN tại Việt Nam. Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản với 104 dự án và tổng vốn đầu tư là 16,9 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là ngành xây dựng với 175 dự án và tổng vốn đầu tư là 3,34 tỷ USD, chiếm 5,8% tổng vốn đầu tư.

Singapore đứng đầu về đầu tư vào Việt Nam với 1469 dự án và 33,92 tỷ USD, chiếm 54,3% tổng số dự án và 59,6% tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam. Vốn đầu tư nước ngoài của Singapore không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Các dự án đầu tư của Singapore hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp đáng kể cho giải quyết việc làm, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Điển hình là Công ty liên doanh khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP).

Một số tồn tại

Kết quả tương đối tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và hợp tác của các nước: Nhìn chung kết quả đầu tư FDI của các nước Asean tại Việt Nam đã có những kết quả vượt bậc qua các giai đoạn song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn hợp tác. Việt Nam và Asean có những lợi thế như cùng là các nước trong khu vực, có vị trí địa lý gần nhau, hiểu rõ về phong tục tập quán cũng như văn hóa của các nước. Ngoài ra, Việt Nam đã gia nhập Asean từ năm 1995 cũng như việc hình thành cộng đồng kinh tế chung AEC vào cuối năm 2015 sẽ là những lợi thế vô cùng thuận lợi để thúc đẩy đầu tư của các nước Asean vào Việt Nam. Tuy nhiên, những kết quả vừa qua chưa phản ánh đúng tình hình cũng như tiền năng hợp tác trong khu vực.

Quy mô vốn bình quân dự án cao: trong khi quy mô dự án trung bình của Việt Nam đạt khoảng 14 triệu USD/dự án thì quy mô vốn trên 1 dự án của Asean đạt khoảng 20 triệu USD/dự án. Đây là đặc điểm tốt bởi đã xuất hiện nhiều dự án có quy mô vốn lớn từ các nước Asean vào Việt Nam.

Không đồng đều theo đối tác: trong khi Singapore, Malaysia và Thái Lan và 3 nước năm trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có kết quả đầu tư FDI cao nhất ở Việt Nam thì một số quốc gia khác có kết quả rất khiêm tốn. Đặc biệt là Singapore, đây là một đầu tư đóng vai trò quan trọng trong thu hút ĐTNN của Việt Nam và cũng có nhiều dự án có tác động tốt với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các quốc gia còn lại như Indonesia, Brunei, Phillipin, Lào, Campuchia có kết quả còn rất khiêm tốn. Myammar chưa có đầu tư tại Việt Nam.

Các dự án tác động lan tỏa, giá trị gia tăng cao còn ít: ngoài một số dự án có hiệu quả hoạt động tốt của Singapore thì các dự án của các nước Asean chưa thực sự có tác động lan tỏa cũng như tầm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả ĐTNN chung của Việt Nam.

Triển vọng lớn từ AEC

Là một thành viên tích cực của ASEAN, luôn thực hiện tốt các cam kết chung của khối, thực hiện hợp tác song phương đa dạng trên tất cả các lĩnh vực, vì vậy triển vọng để Việt Nam thu hút FDI từ các nước ASEAN rất lớn.

Đặc biệt, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khối ASEAN phát triển tốt đẹp. Theo nhận định của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc AEC được thành lập vào cuối năm 2015, với các hiệp định chung về điều chỉnh đầu tư (Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN- ACIA), thương mại (Hiệp định Thương mại hóa ASEAN- ATIGA) và dịch vụ (Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ- AFAS), làm tăng sức hấp dẫn của khu vực này trong thu hút đầu tư.

Hơn nữa, so sánh với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn là quốc gia có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nhờ nền tảng chính trị ổn định, hạ tầng giao thông, hạ tầng chính sách thu hút đầu tư được cải thiện mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam liên tục đưa ra cam kết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạt động.

Theo ncseif.gov.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/co-hoi-thu-hut-fdi-tu-khoi-asean-vao-viet-nam-103182.html