Cơ hội thủ tướng Anh vừa đánh mất

Sau cú quay đầu gấp gáp của chính phủ Anh, chuyên gia cho rằng đội ngũ của bà Liz Truss đã quá lạc quan về phản ứng từ thị trường, do đó không lường trước được hệ quả.

Những chỉ trích mạnh mẽ hướng về Thủ tướng Anh Liz Truss và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng sau tuyên bố về “ngân sách ngắn hạn” (mini-budget) - bản kế hoạch làm rung chuyển thị trường Anh suốt những ngày qua.

Đánh giá về vấn đề này, giáo sư chính trị Simon Usherwood, thuộc Open University và Tổ chức các học giả nghiên cứu về châu Âu UACES, nhận định dường như khi nhậm chức, bà Truss và ông Kwarteng có thể đã không lường hết được tình hình.

 Giáo sư chính trị Simon Usherwood, thuộc Open University và Tổ chức các học giả nghiên cứu về châu Âu UACES. Ảnh: Open University.

Giáo sư chính trị Simon Usherwood, thuộc Open University và Tổ chức các học giả nghiên cứu về châu Âu UACES. Ảnh: Open University.

“Họ có thể từng cảm thấy rằng việc phản đối kế hoạch này khó xảy ra, dẫn đến không lường trước được hết tình hình”, ông nói với Zing.

Vị giáo sư chỉ ra thực tế rằng bà Truss chưa từng được đa số nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ trong chiến dịch chạy đua cho vị trí thủ tướng. Bên cạnh đó, việc bà loại những người ủng hộ ông Rishi Sunak ra khỏi nội các khiến giới phê bình dễ dàng thể hiện thái độ không hài lòng hơn. Ông Sunak vốn là đối thủ của bà trong cuộc đua vị trí thủ tướng Anh.

Giáo sư Simon cũng cho rằng chính phủ của bà Truss đã đưa ra một thông điệp “tồi tệ” về cắt giảm thêm thuế cho những người giàu nhất trong xã hội, trong khi từ chối gia tăng phúc lợi xã hội để bắt kịp tốc độ lạm phát.

“Thủ tướng và bộ trưởng Tài chính đã mất cơ hội để tạo ấn tượng tích cực đầu tiên”, ông nói.

Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Truss đã từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập cao nhất 45%, sau phản ứng hỗn loạn từ thị trường quốc tế cùng sự phản đối ngày càng tăng của đảng Bảo thủ đối với chính sách này, Guardian đưa tin ngày 3/10.

Sự lạc quan không đúng chỗ

Trước bản kế hoạch ngân sách gây tranh cãi và cú quay đầu vội vã của chính phủ Anh, nhiều chuyên gia cho rằng đội ngũ của bà Truss dường như đã đánh giá thấp phản ứng hoài nghi của thị trường đối với chương trình nghị sự kinh tế của bà.

Theo Spectator, đội ngũ của bà Truss có một niềm tin khá sâu sắc rằng thị trường sẽ lạc quan về việc chuyển dịch sang một nền kinh tế có mức thuế thấp hơn. Họ tin rằng nếu có thể tăng trưởng thông qua "cắt giảm và cải cách thuế", nước Anh sẽ có những lựa chọn tài chính hấp dẫn hơn nhiều.

Tuy nhiên, ngoài việc cắt giảm thuế, không có thông báo cải cách hỗ trợ tăng trưởng nào được đưa ra, do đó phản ứng tiêu cực từ thị trường không phải điều ngạc nhiên. Và thực tế này cho thấy sự lạc quan không đúng chỗ của chính phủ Anh, theo Spectator.

Ngân hàng Anh (BoE) đã can thiệp để ổn định thị trường sau khi bản kế hoạch được công bố. Ảnh: Reuters.

Nhận định về kế hoạch này, tiến sĩ Steven McCabe, phó giáo sư Viện nghiên cứu về Tăng trưởng và Kinh tế Bền vững (IDEAS), Đại học Birmingham City, cũng cho rằng nó mang lại những hậu quả “tai hại” về mặt kinh tế, với nhiều lý do.

“Việc cắt giảm thuế mà chưa tính toán kỹ hậu quả đã gây ra mối lo ngại trên thị trường tiền tệ quốc tế. Hệ quả là việc vay nợ của chính phủ và cá nhân tăng lên. Điều này càng tăng thêm gánh nặng cho hàng triệu người vốn đã trở nên túng thiếu do lạm phát leo thang”, ông nói với Zing.

“Ngân sách chính phủ dành cho mục tiêu nâng cao sự thịnh vượng cũng sẽ bị cắt giảm, đi ngược lại mục đích gián tiếp của cắt giảm thuế. Nhìn chung, tất cả đều kết thúc tồi tệ hơn”, vị chuyên gia nhận định.

Tiến sĩ Steven McCabe, phó giáo sư Viện nghiên cứu về Tăng trưởng và Kinh tế Bền vững (IDEAS), Đại học Birmingham City. Ảnh: Birminghammail.

Tiến sĩ McCabe nói thêm rằng việc cắt giảm mức thuế 45% dành cho những người kiếm được hơn 150.000 bảng/năm (khoảng 162.000 USD), dù bị hủy bỏ, đã khiến nhiều người nghĩ rằng chính quyền bà Truss quan tâm đến nhóm có thu nhập cao hơn là những người nghèo, vốn đang bị bóp nghẹt bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Sau khi đề xuất giảm thuế cho nhóm có thu nhập cao nhất bị hủy bỏ, kế hoạch ngân sách ngắn hạn vẫn bao gồm việc cắt giảm thuế thu nhập cơ bản từ 20% xuống 19% cho đến tháng 4/2023, và không tăng thuế cho doanh nghiệp, theo Guardian.

Ông McCabe cho rằng cách duy nhất để giữ lại những đề xuất này là cắt giảm ngân sách chính phủ. “Điều này sẽ dẫn đến một thời kỳ ‘thắt lưng buộc bụng’ mới và thậm chí gây ra sự phẫn nộ lớn hơn đối với những người cho rằng họ đã bị bỏ lại phía sau”.

Giáo sư Usherwood cũng chia sẻ góc nhìn tương đối tiêu cực về kế hoạch ngân sách mới: “Họ đã đưa ra một thông điệp ‘tồi tệ’ về cắt giảm thêm thuế cho những người giàu nhất trong xã hội, trong khi từ chối gia tăng phúc lợi xã hội bắt kịp tốc độ lạm phát”.

“Chi phí vay cũng tăng do Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng thiếu kế hoạch (để tiên lượng trước hệ quả)”, ông nói.

Bước lùi về chính trị

Về khía cạnh chính trị, tiến sĩ McCabe cũng nhận định bà Truss đã không thu hút được sự ủng hộ của các nghị sĩ trong chính đảng của bà, những người thích cựu Bộ trưởng Sunak hơn. Không những vậy, bà còn để mất niềm tin của nhiều cơ quan khác.

“Như những gì hai tuần qua đã cho thấy, bà Truss không nhận được sự tin tưởng của những người đưa ra các quyết định quan trọng về nền kinh tế Anh, trong đó có các cơ quan tín dụng”, ông McCabe nói với Zing.

Đặc biệt, trong kết quả của các cuộc thăm dò dư luận kể từ khi Bộ trưởng Tài chính Kwarteng công bố kế hoạch “ngân sách ngắn hạn”, rõ ràng là nhiều cử tri, vốn từng ủng hộ người tiền nhiệm của bà Truss, đã mất niềm tin vào đảng của bà, ông cho biết.

Thủ tướng Anh Liz Truss và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng. Ảnh: Sun.

Liên quan đến cú quay đầu gây chấn động trong kế hoạch cắt giảm thuế cao nhất 45% của thủ tướng Anh, giáo sư Usherwood cho biết động thái này diễn ra sau khi bà Truss khẳng định sẵn lòng đưa ra những lựa chọn không được lòng công chúng.

Bà từng khẳng định sẽ kiên trì với kế hoạch của mình, vì vậy nó thực sự làm tổn hại đến mức độ tín nhiệm dành cho bà đối với nhiều lĩnh vực khác, ông nhận định.

Ngoài ra, tiến sĩ McCabe cho rằng bà Truss chắc chắn có ý định tiếp tục thực hiện những lời hứa đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, song đã phải đối mặt với tình hình không mấy dễ dàng.

“Giờ đây chỉ có một phép màu mới có thể cứu bà ấy và đặc biệt hơn là đảng của bà tại cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Nghị viện Anh có thể sẽ chứng kiến sự hỗn loạn trong vài tuần tới. Điều này sẽ càng làm giảm uy tín của Anh với tư cách một quốc gia ổn định”, ông cho biết.

Nếu tiếp tục thực hiện những cú quay đầu tiếp theo, ông Usherwood cho rằng bà Truss sẽ có cả “được và mất”.

“Một cú quay đầu khác có thể làm giảm bớt những lời chỉ trích đối với các chính sách của bà Truss, nhưng sẽ chỉ làm tăng sự chỉ trích về năng lực chính trị của bà. Chúng ta đã chứng kiến công chúng có cái nhìn rất tiêu cực về bà, và điều đó không có khả năng sẽ sớm thay đổi”, ông nhận định.

Vì vậy, câu hỏi lớn đặt ra là liệu các vấn đề tiếp theo tại số 10 Phố Downing có khiến các nghị sĩ đưa ra quyết định khiến nhiệm kỳ thủ tướng của bà Truss bị lung lay hay không, ông kết luận.

Vân Đinh - Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-hoi-thu-tuong-anh-vua-danh-mat-post1363103.html