Cơ hội tìm kiếm việc làm luôn rộng mở với sinh viên thú y

Năm học 2019 - 2020, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo chuyên ngành mới về Chăn nuôi - Thú y nhằm đào tạo ra đội ngũ nhân lực có kiến thức tổng hợp cả về chăn nuôi và thú y, giúp sinh viên có cơ hội rộng mở tìm kiếm việc làm.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi phát triển cả về quy mô và chất lượng, dịch chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, phát triển chăn nuôi bền vững đòi hỏi nguồn nhân lực có kiến thức tổng hợp cả về chăn nuôi và thú y. Nhằm đáp ứng đòi hỏi và nâng cao hiệu quả sản xuất, năm học 2019 - 2020, bên cạnh chương trình đào tạo truyền thống là ngành Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu chiêu sinh và đào tạo các sinh viên đại học ngành Chăn nuôi - Thú y.

Sau 4 năm đào tạo, sinh viên tốt nghiệp ngành Chăn nuôi - Thú y sử dụng hiệu quả kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y; nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực chăn nuôi, thú y; trở thành nhà kinh doanh, quản lý tại các cơ quan công lập, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Là ngành học mới của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên có kiến thức tổng hợp cả hai lĩnh vực chăn nuôi và thú ý cơ hội rộng mở hơn trong tìm kiếm việc làm. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên nhận bằng Kỹ sư Chăn nuôi - Thú y đối với hệ đại học.

Với chương trình đào tạo mới mẻ, áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại và đội ngũ cán bộ giảng viên dạn dày kinh nghiệm, sinh viên không chỉ được trang bị các kiến thức về chăn nuôi như chọn lọc, di truyền, nhân giống vật nuôi, quy trình công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, cách thiết kế chuồng trại, mà còn được đào tạo các iến thức về nghề thú y như chẩn đoán, phòng và trị bệnh vật nuôi, phân tích kiểm định chất lượng thức ăn, kiểm soát và quản lý vệ sinh môi trường chăn nuôi, marketing thức ăn chăn nuôi, sử dụng các loại vắc-xin, thuốc, hóa dược phù hợp và an toàn trong phòng và trị bệnh cho vật nuôi… nhằm đáp ứng nguồn nhân lực tốt nhất cho chiến lược phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu chuyên môn, sinh viên theo học ngành mới này được tạo điều kiện trang bị các kỹ năng mềm như tiếng Anh, thảo luận một số chủ đề về chuyên môn trong chăn nuôi và thú y bằng tiếng Anh; trau dồi kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian, lập kế hoạch là, việc.

Sinh viên hoàn thành xong chương trình đào tạo có cơ hội trở thành giảng viên, cán bộ nghiên cứu trong cả lĩnh vực chăn nuôi và thú y; cán bộ quản lý, kiểm dịch trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y; hành nghề thú y; cán bộ kỹ thuật tại các trang trại chăn nuôi. Một số sinh viên sau khi ra trường có thể tự mình khởi nghiệp, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y.

Ngoài ra sinh viên còn được tạo điều kiện tham gia các chương trình đào tạo sau đại học trong và ngoài nước thuộc các ngành học như Chăn nuôi, Thú y và Chăn nuôi - Thú y.

Tính đến hết năm học 2016 - 2017, riêng khoa Chăn nuôi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo được gần 50.000 kỹ sư Chăn nuôi và Chăn nuôi thú y tại trường, hơn 1.500 kỹ sư Chăn nuôi và Chăn nuôi thú y tại các địa phương, đào tạo hơn 250 thạc sĩ chuyên ngành Chăn nuôi.

Ngọc Linh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/co-hoi-tim-kiem-viec-lam-luon-rong-mo-voi-sinh-vien-thu-y-d2068424.html