Cơ hội triển khai chương trình đào tạo đón đầu xu thế

Dự thảo Quyết định về việc ban hành Danh mục các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 vừa được Chính phủ ban hành, bao gồm 41 công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đây được xem là cơ hội và thách thức với cơ sở GDĐH trong việc triển khai các chương trình đào tạo đón đầu xu thế.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM học thực hành. Ảnh: TG

Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội

Theo đó, dự thảo về Danh mục các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0, bao gồm 41 công nghệ tiên tiến trên thế giới, có thể phát huy được lợi thế của đất nước như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, môi trường, nguồn nhân lực và các lợi thế khác.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc nghiên cứu, lựa chọn xây dựng Danh mục các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0 dựa trên các quan điểm: Là công nghệ mới, cao được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá phù hợp với xu hướng phát triển và tiềm năng ứng dụng trong CMCN 4.0; công nghệ được các quốc gia phát triển, quốc gia dẫn dắt CMCN 4.0 lựa chọn để có định hướng ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển; công nghệ có thể phát huy được lợi thế của đất nước, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030…

Do vậy, các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCM 4.0 được lựa chọn để đưa vào Danh mục một mặt phù hợp với xu hướng phát triển và tiềm năng ứng dụng của công nghệ, đồng thời phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030 và định hướng ưu tiên nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế.

Trường ĐH nắm bắt xu thế đào tạo

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong năm 2019, nhà trường tuyển sinh đào tạo ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo. Đây là chương trình đào tạo liên ngành đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng dựa trên sự kết hợp của nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau: Cơ khí, điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ nano, sinh học…

Trong mùa tuyển sinh 2020, trường tuyển sinh thêm ngành Hệ thống nhúng và IoT. “Một điều thú vị, tuy là những ngành học mới nhưng điểm tuyển sinh đầu vào của hai ngành học này rất cao. Điều này chứng tỏ học sinh quan tâm tìm hiểu về những xu thế đào tạo những ngành học mới” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.

Theo Hiệu trưởng HCMUTE, trong năm học 2019 - 2020 với chủ đề “HCMUTE 4.0”, nhà trường đã hoàn thành giai đoạn 1 cho việc xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn (big data center) gồm UTE Data Center và UTEx Data Center là hệ thống quản trị, vận hành và xử lý cho hệ sinh thái (ecosystem) các phần mềm trong toàn trường theo kế hoạch chiến lược công nghệ thông tin từ 2017 - 2022.

Đồng thời, triển khai UTEx-LMS và UTEx-MOOC nền tảng công nghệ dạy học, kiểm tra đánh giá và thi trực tuyến, thiết kế và xuất bản các khóa học trực tuyến chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, hướng tới thương mại hóa hoàn toàn và chuyển giao các phần mềm trong hệ sinh thái, hệ thống đào tạo trực tuyến UTEx, các khóa học trực tuyến cho đối tác trên địa bàn TPHCM và cả nước.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM vừa khánh thành phòng thí nghiệm: “Hệ thống sản xuất 4.0của SMC SIF” để phục vụ đào tạo. Ảnh: TG

Khó khăn trong tiếp cận

Chia sẻ về dự thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Công nghệ sinh học IU cho rằng: Đây là những công nghệ mà các quốc gia lớn trên thế giới đang ưu tiên phát triển. Trong số đó có những công nghệ được áp dụng ở nước ta mấy năm gần đây, nhưng cũng có công nghệ hoàn toàn mới. Để ưu tiên tập trung phát triển, theo PGS.TS Nguyễn Văn Thuận, chúng ta chỉ nên chọn 1 hoặc 2 công nghệ chứ không nên quá nhiều.

“Mỗi công nghệ liên quan đến nhiều công nghệ phụ trợ. Nếu là cái mới thì chấp nhận nhập khẩu, sau đó làm chủ nó và biến thành của mình. Đây cũng là cách mà một số quốc gia trên thế giới đã và đang làm” - PGS.TS Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.

Theo PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật HCMUTE, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng thông qua thông báo tuyển sinh trong năm 2020 của trường đại học ở nước ta cho thấy, phần lớn các trường vẫn đào tạo những ngành nghề truyền thống, rất ít cơ sở GDĐH tuyển sinh những chương trình đào tạo nguồn lực phục vụ cuộc CMCN 4.0.

“Một trong những khó khăn mà các trường đại học công lập chưa tự chủ gặp phải là quy định mã ngành trong danh mục đào tạo cấp 4. Theo quy định này, các cơ sở GDĐH chỉ được tuyển sinh chương trình đào tạo có mã ngành và không thể tuyển sinh đào tạo những ngành phi truyền thống, trừ những trường tự chủ được phép đào tạo theo mã ngành thí điểm. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo cũng là những khó khăn không nhỏ cho các trường khi tiếp cận công nghệ chủ chốt” - PGS.TS Bùi Văn Hồng chia sẻ.

Chính phủ nên có chính sách đặt hàng dựa trên năng lực và thế mạnh của các trường đại học theo từng lĩnh vực công nghệ chủ chốt, qua đó đầu tư nguồn lực phù hợp… - PGS.TS Bùi Văn Hồng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/co-hoi-trien-khai-chuong-trinh-dao-tao-don-dau-xu-the-FE5LAl5MR.html