Cơ hội từ chính sách cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ

Với vị thế là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, chiếm 13% thị phần, Việt Nam được nhận định sẽ đón nhận nhiều cơ hội lớn trong bối cảnh nguồn cung gạo trên toàn cầu đang ngày càng bị thắt chặt hơn khi Ấn Độ mới đây đã đột ngột cấm xuất khẩu gạo tẻ.

Năm nay lúa được mùa, được giá nên bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất. Ảnh: TL

Gạo Việt Nam hưởng lợi về giá

Gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ do các dự báo về hiện tượng thời tiết El Nino khiến lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tăng, đặc biệt là khi Ấn Độ vừa ban hành lệnh cấm XK gạo.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo XK 5% tấm của Việt Nam ở mức 525 USD/tấn - mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây và được dự báo có thể đạt tới 600 USD/tấn đối với các loại gạo thông thường, 700

USD/tấn đối với các loại gạo chất lượng cao. Đáng chú ý, hoạt động XK gạo của Việt Nam còn được hỗ trợ bởi tỷ giá đang duy trì ổn định.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm, XK gạo của nước ta vẫn tăng mạnh 21% về lượng và tăng 32% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,2 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD. Đây cũng là kết quả XK tốt nhất của ngành gạo trong 13 năm trở lại đây.

Cùng với đà tăng của giá gạo XK, giá gạo nội địa cũng tăng. Các nhà phân tích thị trường cho biết, khảo sát tại TP. Hồ Chí Minh mấy ngày gần đây giá gạo có tăng khoảng 500 - 600 đồng/kg, tùy loại. Giá bắt đầu nhích nhẹ dần từ cuối năm ngoái đến nay với tổng mức tăng gần 2.000 đồng/kg, các loại gạo thông dụng từ 11.000 - 12.000 đồng/kg nay lên 13.000 - 14.000 đồng/kg. Còn các loại gạo thơm, chất lượng cao tăng bình quân hơn 1.000 đồng/kg…

Lệnh cấm XK gạo của Ấn Độ không chỉ khiến giá gạo trên thị trường gạo nói chung và Việt Nam tăng cao, mà còn khiến nguồn cung trên thị trường toàn cầu thiếu hụt. Với vị thế chiếm 40% tổng lượng gạo XK toàn cầu, việc Ấn Độ đột ngột ngưng XK toàn bộ gạo tẻ vừa qua đang khiến thị trường gạo toàn cầu gián đoạn. Các nhà phân tích thị trường đánh giá, việc này sẽ khiến nhiều quốc gia khó có thể tìm kiếm các lô hàng thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Thái Lan và Việt Nam - hai nước XK gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới, sẽ nổi lên là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ.

Giá gạo sẽ tiếp tục tăng mạnh, kéo dài đến giữa năm 2024

Theo ước tính sơ bộ, nếu Việt Nam và Thái Lan hoạt động hết công suất thì thị trường thế giới vẫn thiếu hụt ít nhất 5 triệu tấn gạo. Đây là yếu tố khiến nhiều người tin rằng giá gạo sẽ tiếp tục tăng mạnh và ít nhất kéo dài đến giữa năm 2024.

Các doanh nghiệp cho rằng, lệnh cấm XK gạo của Ấn Độ là cơ hội tốt cho hạt gạo Việt Nam. Ông Trần Vũ Khánh - Giám đốc Công ty Hiệp Quang (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, giá gạo sẽ ở mức cao, có lợi cho các nhà XK đến khi nào Ấn Độ có chính sách mới về XK gạo. Tuy nhiên, giá sẽ tăng đến mức nào là điều rất khó nói trước, vì một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới là Trung Quốc không mấy mặn mà do giá gạo đang ở mức rất cao. Họ có kho dự trữ lớn nên khả năng sẽ không mua với giá cao. Ngoài Trung Quốc, các nước châu Á khác và châu Phi vẫn có nhu cầu rất lớn.

Các doanh nghiệp dự đoán, mức giá 600 USD/tấn với gạo 5% tấm là có khả năng xảy ra. Các loại gạo thông dụng sẽ tăng mạnh vì nhu cầu thế giới hiện chủ yếu ở phân khúc này. Tuy nhiên, hiện tại phân khúc thị trường này sản lượng của Việt Nam rất ít vì diện tích gieo trồng chỉ khoảng 4 - 5% nhưng do không có nguồn nào khác, buộc khách hàng phải lựa chọn mua gạo ở phân khúc cao hơn.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, gạo Việt Nam hưởng lợi về giá khi Ấn Độ cấm XK gạo nhưng không được nhiều vì nguồn cung gạo Việt Nam bị giới hạn. Dự kiến năm nay sản lượng gạo dành cho XK của Việt Nam khoảng 6,5 triệu tấn nên những tháng cuối năm chỉ còn khoảng 2,5 triệu tấn.

Trước việc Ấn Độ mới ban hành lệnh cấm XK gạo dự báo sẽ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu, phía Bộ Công thương cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa; bình ổn giá thóc, gạo trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, nhất là việc tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Đảm bảo cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ít nhất 6,5 triệu tấn gạo

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay lúa được mùa, được giá nên bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất trên toàn bộ diện tích và sản lượng ước tính trên 43 triệu tấn. Sản lượng này đảm bảo cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ít nhất 6,5 triệu tấn gạo. Việt Nam có lợi thế lớn là các giống lúa ngắn ngày, sản lượng cao và sản xuất được nhiều vụ trong năm nên gần như lúc nào trên đồng cũng có lúa đang thu hoạch.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-hoi-tu-chinh-sach-cam-xuat-khau-gao-cua-an-do-132708.html