Cơ hội từ những giá trị... đảo lộn

Công nghệ số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống hằng ngày và trong công việc kinh doanh nó đang tạo ra những giá trị mới mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua. Thời đại 4.0 đang cho phép người mở cánh cửa của nền kinh tế sáng tạo không hẳn là những tên tuổi quen thuộc.

Cuộc chơi không dành cho những kẻ… thờ ơ

Doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ lại thiếu tính liên kết nếu thiếu quan tâm đến cách mạng 4.0 rất dễ tự loại mình ra khỏi xu thế toàn cầu. Cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất trên thế giới, giúp tăng cường kết nối các quốc gia trên tất cả các phương diện, từ thể chế nhà nước đến kinh tế - xã hội, môi trường. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng có các chiến lược cụ thể để tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhưng dường như, doanh nghiệp Việt vẫn mơ hồ, thờ ơ về cuộc cách mạng 4.0. Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa chính thức có một mục tiêu về thúc đẩy công nghiệp 4.0. Đồng nghĩa với đó là Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình sản xuất kinh doanh.

Nhận định về thực tế tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay tại Việt Nam, ông Nguyễn Đình Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn EDX - chuyên hoạt động trong lĩnh vực đào tạo khởi nghiệp, kinh doanh thương mại điện tử cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn đang rất mơ hồ về cuộc cách mạng này, trong khi đó thế giới lại đang biến đổi từng ngày với cách mạng 4.0.

“Hầu hết mọi người đều đang nghe và biết rõ rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần nhưng lại không hiểu rõ bản chất của nó và không biết phải ứng dụng nó ra sao. Đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa dù họ biết đến những thuật ngữ như “vạn vật kết nối”, “ứng dụng IoT” nhưng họ không rõ rằng sẽ ứng dụng cái gì trong đó. Nhiều doanh nghiệp đang mơ hồ với cách mạng 4.0 và khi không biết phải bắt đầu từ đâu”, ông Hùng nhận định.

Là một trong những doanh nghiệp đã và đang dần có những chuyển đổi để thích nghi với thời đại của một nền kinh tế số, ông Hùng cho rằng, doanh nghiệp trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phải bước chân vào một thế giới phẳng, phải cạnh tranh với toàn cầu, không chỉ đơn thuần cạnh tranh trong một địa phương, một tỉnh, một quốc gia. Như vậy, nếu doanh nghiệp nào thờ ơ với xu thế này cũng đồng nghĩa doanh nghiệp tự bước ra khỏi cuộc chơi toàn cầu.

Cơ hội từ những giá trị... đảo lộn

Tại Việt Nam, sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab trong lĩnh vực giao thông vận tải hay Facebook, Viber trong lĩnh vực thông tin truyền thông đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra mâu thuẫn với mô hình doanh nghiệp truyền thống. Trước viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được khi nền kinh tế tham gia ngày càng bình đẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thách thức nữa doanh nghiệp phải đối mặt là về vấn đề thích nghi. Khi thay đổi trong cơ cấu công việc, doanh nghiệp phải học hỏi và thay đổi một cách nhanh chóng để tự động hóa các sản phẩm, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp khác để đề ra tầm nhìn chiến lược hơn, xây dựng mô hình kinh doanh riêng biệt, mới mẻ của doanh nghiệp mình. Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp phải có thái độ, bản lĩnh không ngừng và không ngại thay đổi. Thêm vào đó, sự phát triển của các mô hình tổ chức và công nghệ vượt trội cũng đặt ra vấn đề rất lớn về nguồn nhân lực.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong 4 năm từ 2016-2020, dân số Việt Nam sẽ tăng 1,7%, số người sử dụng internet tăng 10%, sử dụng các ứng dụng xã hội tăng 25% và tính đến tháng 9/2015 Việt Nam là nước đứng đầu trong 6 nước phát triển nhất trong khu vực ASEAN về cần người lao động làm việc trong lĩnh vực lập trình. Rõ ràng chúng ta có rất nhiều cơ hội để có thể hòa nhập vào nền kinh tế số nhưng nguy cơ thụt lùi của nước ta cũng rất lớn.

Bên cạnh đó, cần phải mạnh dạn “khai tử” những yếu tố cũ, xây dựng yếu tố mới và sinh lời, không ngại thất bại để có thể phát triển nhanh hơn, không ngừng học hỏi những kinh nghiệm tốt, và quan trọng nhất là phải đứng trên nhu cầu và tầm nhìn của khách hàng xem họ muốn gì để nâng cao hơn chất lượng dịch vụ của mình.

Ông Brian Hull - CEO của ABB Việt Nam đã từng phải thốt lên rằng, tương lai của các doanh nghiệp công nghiệp truyền thống có vẻ ảm đạm khi công nghệ đã phát triển đến mức mà con người có khi phải lo lắng nhiều hơn... “Không ít tên tuổi toàn cầu đang “chết đuối” trong Big Data, với nhiều câu hỏi họ có thể làm gì để cạnh tranh. Chúng tôi phải thay đổi rất nhiều khi số hóa không còn là giấc mơ, các nhà máy thông minh đã ở khắp nơi trên thế giới”, ông Brian Hull chia sẻ kinh nghiệm mà những tên tuổi vốn thành danh từ cách kinh doanh truyền thống đang phải nỗ lực. Mục tiêu của họ không phải là níu giữ ánh hào quang cũ mà phải là tạo ra những giá trị mới. Với ABB, đó là việc thiết lập mạng lưới toàn cầu với hội sở là trung tâm dữ liệu, vận hành, kết nối các hoạt động trên toàn cầu để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng của mình.

Trong cuộc vận động này, doanh nghiệp quy mô lớn không còn là thế mạnh, mà là những doanh nghiệp sáng tạo, đi nhanh, thuận chiều trong dòng chảy công nghệ. “Vấn đề không chỉ là công nghệ, mà là mô hình, cách thức sử dụng công nghệ đó như thế nào. Doanh nghiệp Việt có lẽ phải bắt đầu từ việc vượt qua sự quen thuộc, đặt cho mình mục tiêu lớn hơn, đó là thị trường toàn cầu, để xác lập tư duy mới”, ông Brian Hull nói.

TS. Trần Đình Thiên đang muốn viết cuốn sách về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, nhưng chưa thể bắt đầu. “Tôi vẫn chưa hình dung được tốc độ của cuộc cách mạng này ập vào Việt Nam thế nào”, ông Thiên lý giải sự trì hoãn.

Không chỉ là tốc độ, những thay đổi thậm chí còn được gọi là phi truyền thống bởi sự bất thường mà ông Thiên gọi là những logic mới, nguyên lý mới của Cuộc cách mạng 4.0, khiến nhiều người lúng túng.

“Hiện tại, chúng ta đang bàn về Uber, Grab với những giả định, thử nghiệm..., nhưng rồi đây sẽ là tiền ảo với những cấu trúc vô cùng phức tạp. Doanh nghiệp đã tạo ra trò chơi, mở cánh cửa vào nền kinh tế sáng tạo, Nhà nước phải đưa chúng vào khuôn khổ. Vấn đề hiện tại là cần phải tư duy và vận động rất nhanh”, ông Thiên thừa nhận.

Trong khi đó, như Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương đã từng thừa nhận, thực tế nhiều khi đi quá nhanh, khiến những người hoạch định chính sách như ông nhiều khi không biết định hướng thế nào, tuy rằng ai cũng hiểu, xu hướng này là tất yếu, nếu không vượt qua thì sẽ phải trả giá.

Mấu chốt là, người phải trả giá lớn nhất, nếu không vượt qua thách thức này không phải là các nhà hoạch định chính sách mà là cả nền kinh tế.

Đã từng có câu hỏi khó của doanh nghiệp gửi tới Chính phủ: “Thời điểm này, doanh nghiệp đã có thể làm ăn thực sự nghiêm túc được chưa, có thể tư duy đúng nghĩa 4.0 được chưa?”.

Trước đó, doanh nghiệp này đã nhắc tới những hành động quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhắc tới cả cam kết tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng họ không thể không nhắc tới lựa chọn không muốn lớn lên, không muốn chính thức hóa của hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, dù quy mô doanh thu, lợi nhuận không hề nhỏ. Họ cũng chưa thể quên câu chuyện của giới start-up với những mối lo hình sự hóa...

Cũng như thời WTO tràn vào Việt Nam, cơ hội về càng nhiều thì lại đặt đất nước, nền kinh tế, doanh nghiệp vào thách thức càng lớn... Điều mà giới kinh doanh muốn nói lúc này là phải hành động thật, làm thật, của cả Chính phủ, từng công chức, từng địa phương, từng bộ phận 1 cửa mà họ làm việc trực tiếp, hằng ngày.

Doanh nghiệp sẽ tìm cách ứng phó với thời cuộc. Họ sẽ biết cách mở cửa nền kinh tế sáng tạo nếu môi trường thể chế, môi trường kinh doanh ủng hộ.

An Khánh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/co-hoi-tu-nhung-gia-tri-dao-lon-54542