Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng và tích cực sau hơn 30 năm đổi mới. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang tập trung triển khai 3 mũi đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Tọa đàm thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý. (Ảnh: HNV)

Tọa đàm thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý. (Ảnh: HNV)

Trong khuôn khổ Tọa đàm giữa Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - xã hội với các diễn giả quốc tế bên thềm Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2019 diễn ra chiều 18/9, các nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia từ Ngân hàng thế giới (WB) và các đối tác phát triển tại Việt Nam đã cùng trao đổi, thảo luận về các nội dung kinh tế - xã hội nổi bật hiện nay của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cũng như tác động của thế giới, khu vực tới các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Đây cũng được coi là một trong những nội dung để xem xét, bổ sung, đóng góp vào Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tới đây liên quan tới mảng kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Lê Tiên)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn thông qua tọa đàm lần này cùng với Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2019, các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia quốc tế sẽ thông tin chi tiết về xu hướng mới của tình hình thế giới đã, đang và sẽ có những tác động thể nào đến việc phát triển kinh tế của Việt Nam? Việt Nam phải tập trung xây dựng thế chế kinh tế với mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chính phủ kiến tạo như thế nào cho hiệu quả? Cải cách giáo dục đào tạo Việt nam triển khai theo hướng nào, có thể học tập theo mô hình nào trên thế giới hiện nay? Đặc biệt, liên quan tới vấn đề môi trường và phát triển bền vững khi Việt Nam đang phải gánh chịu hàng loạt diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang cân nhắc việc tích hợp các vấn đề môi trường trong xây dựng thực hiện chính sách kinh tế đồng thời quan tâm tới vấn đề con người, sự bình đẳng, nhất là không bỏ lại ai ở phía sau; quan tâm đặc biệt tới các đối tượng người già – người nghèo, bảo đảm phân bổ nguồn lực hiệu quả với các cực tăng trưởng phát triển nhanh hơn đóng góp nhiều hơn nhưng cũng không vì thế mà bỏ rơi các khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, khó khăn. Đây là bài toán cần giải quyết trong quá trình phát triển, không để đồng bào vùng sâu, vùng xa không được thụ hưởng thành quả phát triển. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn lực tư nhân còn khó khăn, việc cần thiết là phải có cách thức và mô hình tạo động lực tăng trưởng, vừa chăm lo các vùng khó khăn làm giảm khoảng cách phát triển giàu - nghèo các khu vực, vùng, miền.

TS Jan Rielander (giữa) phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: HNV)

Tại tọa đàm, TS Jan Rielander, Trưởng bộ phận đánh giá quốc gia đa chiều OECD cho biết, mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong quá trình đổi mới phát triển nhưng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ hơn theo hướng củng cố nền kinh tế tích hợp, phát huy hiệu quả sự tương tác chặt chẽ giữa các đối tác: nhà nước – nước ngoài và tư nhân, tìm cách phát triển bền vững, vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Liên quan đến cải cách giáo dục và đào tạo, Việt Nam cần tập trung hơn cho giáo dục đại học chất lượng cao, hướng tới thiết lập hệ thống tư duy phản biện, sáng tạo, gắn bó mật thiết với dạy nghề và thị trường lao động, đặc biệt ưu tiên chiến lược hợp tác tạo ra mạng lưới nghiên cứu cũng như cải thiện lương cho giáo viên…

GS David Dollar, Viện Brookings (Hoa Kỳ), nguyên giám đốc WB tại Trung Quốc cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế cởi mở, phát triển về thương mại nhưng chưa mạnh mẽ về dịch vụ. “Do đó, cần tập trung tăng năng suất, liên kết sản xuất và dịch vụ, lưu ý tới kinh tế tư nhân – một trong những đòn bẩy phát triển của Trung Quốc trong những năm qua mà tôi đã nghiên cứu và phát hiện ra sau 9 năm sống tại nước này”- GS nói.

Bà Mari Elka Pangestu đến từ Indonesia thẳng thắn chia sẻ, kinh nghiệm của nước này trong quá trình phát triển là không đánh đổi tất cả vì tăng trưởng, chăm lo tới các vấn đề BĐKH, tích cực sử dụng các năng lượng tái tạo với các chính sách và mô hình bền vững.

Chuyên gia đến từ WB Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là điển hình của “câu chuyện thành công”, tham gia thành công vào hội nhập quốc tế. Vấn đề đặt ra hiện tại là Việt Nam có nắm bắt kịp hay không với xu hướng phi toàn cầu hóa và sự bất định về tương lai như hiện nay. “Rõ ràng, Việt Nam đang hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhưng vấn đề phải thống kê được tác động rõ ràng, chi tiết và cụ thể của những tác động này”- chuyên gia này nói.

Chuyên gia Mareline Pagitu, Indonesia bày tỏ suy nghĩ “theo tôi, cách thức hiệu quả nhất là đầu tư con người, hướng tới đổi mới sáng tạo nhưng không rập khuôn.

Một chuyên gia đến từ Malaysia với 27 năm trong ngành kế hoạch đưa ra nhận định, hiện Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng phải hết sức cảnh giác với “bẫy” thu nhập trung bình. Kinh nghiệm của Malaysia cho thấy, đất nước này phải mất 27 năm thành một nước có thu nhập trung bình và 23 năm thành một nước có thu nhập cao. Để đạt được kết quả đó, chúng tôi đã dành ưu tiên hàng đầu vào nguồn lực con người một cách xứng đáng. Đối với Việt Nam, vị chuyên gia kiến nghị, cần cân đối sản xuất và dịch vụ; thu hẹp khoảng cách, giải quyết bất bình đẳng thu nhập giàu – nghèo, đảm bảo tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ tăng trưởng; thực hiện nghiêm túc công cuộc phòng, chống tham nhũng cũng như tìm cách nâng cao năng suất lao động, triển khai hiệu quả đổi mới sáng tạo và tích cực cạnh tranh đúng quy định pháp luật quốc tế.

Một chuyên gia khác đến từ Hàn Quốc lại bày tỏ ngạc nhiên sau 25 năm mới có dịp trở lại Hà Nội. GS Sungchul Chung chỉ ra hai nguyên nhân chưa thành công trong phát triển hiện nay của đa số các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đó là: phát triển khoa học công nghệ với đổi mới sáng tạo rất đắt và khó, không phải quốc gia nào cũng làm được, vừa phụ thuộc tiềm lực kinh tế vừa phụ thuộc năng lực tiếp cận khai thác giá trị. Do đó, Việt Nam cần ưu tiên tới hiệu suất, hiệu quả và cái gì tốt, cái gì mạnh thì tập trung phát triển. Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc đã trải qua trong thời gian phát triển của mình.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, thực tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, thậm chí có thể biến cơ hội đó thành hiện thực. Tuy nhiên, Việt Nam cần tập trung củng cố năng lực bộ máy quản lý, củng cố nội lực nền kinh tế một cách hiệu quả, nếu không khẩn trương nắm bắt thì có thể nhỡ “đoàn tàu 4.0”./.

Lê Anh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/co-hoi-va-thach-thuc-cua-viet-nam-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau-535622.html