Cơ hội và thách thức trong triển khai các kỹ thuật chuyên sâu

Từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên và triển khai thực hiện tại bệnh viện. Tuy nhiên, việc triển khai các kỹ thuật chuyên sâu có thuận lợi và có cả thách thức.

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Công Thành - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết từ năm 2017 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã bắt đầu phối hợp và nhận sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến trên bằng nhiều hình thức, nhất là sự hỗ trợ thường xuyên của các chuyên gia đầu ngành.

Từ đó, năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng nâng cao, chất lượng, hiệu quả điều trị ngày càng cải thiện theo xu hướng y học hiện đại “xâm lấn tối thiểu - can thiệp tối đa”. "Việc phát triển kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện liên tục và đồng đều trong hầu hết các lĩnh vực chuyên môn nội - ngoại khoa của bệnh viện”, Bác sĩ chuyên khoa II Trương Công Thành nói.

Lĩnh vực can thiệp nội khoa tại bệnh viện nổi bật với các kỹ thuật can thiệp mạch máu, được thực hiện thường xuyên bởi đội ngũ y tế chuyên nghiệp. Tại Khoa Nội tim mạch, bệnh nhân có thể được chẩn đoán và xử trí nhanh các bệnh lý mạch vành từ đơn giản đến phức tạp với sự hỗ trợ từ các hệ thống máy DSA hiện đại, để thực hiện các kỹ thuật như siêu âm trong lòng mạch, khoan phá mảng xơ vữa, kỹ thuật chụp cắt lớp quang học động mạch vành (OCT), kỹ thuật đặt máy tạo nhịp ba buồng điều trị các rối loạn nhịp chậm. Thời gian tới, bệnh viện chuẩn bị triển khai đốt điện sinh lý để điều trị rối loạn nhịp nhanh.

Bên cạnh đó, công tác hồi sức cấp cứu bệnh nhân luôn được chú trọng, triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục, thay huyết tương trong điều trị ngộ độc, sốc nhiễm trùng, kỹ thuật hồi sức tim - phổi, hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) trong điều trị suy hô hấp - tuần hoàn.

Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang thực hiện can thiệp mạch vành cho bệnh nhân.

Lĩnh vực ngoại khoa là thế mạnh chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, được đầu tư chuyên sâu với hệ thống phòng mổ Hybrid đầu tiên và duy nhất tại đồng bằng sông Cửu Long. Tại phòng mổ trang bị máy chụp cắt lớp điện toán 128 lát, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền một bình diện và hai bình diện, có thể thực hiện các can thiệp thủ thuật mạch não, mạch ngoại biên, mạch tạng và phẫu thuật chuyên sâu, phức tạp như ghép tạng, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật thần kinh, sọ não, cột sống.

Song song đó, bệnh viện sử dụng hiệu quả các hệ thống thiết bị thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh trong việc triển khai áp dụng phẫu thuật nội soi. Nhiều kỹ thuật nội soi phức tạp trở thành lựa chọn ưu tiên, được thực hiện thường xuyên tại bệnh viện như phẫu thuật nội soi cắt dạ dày, cắt khối tá tụy, cắt đại tràng, nội soi mật tụy ngược dòng, phẫu thuật nội soi vùng trung thất, nội soi tán sỏi, nội soi điều trị phì đại tiền liệt tuyến…

Từ nỗ lực đó, bệnh viện đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân không chỉ trên địa bàn tỉnh mà cả các vùng lân cận, củng cố niềm tin của bệnh nhân đối với ngành y tế của tỉnh. Bà Phan Thị Reo, ngụ huyện Hòn Đất là một trong rất nhiều bệnh nhân được bệnh viện can thiệp bằng kỹ thuật hình ảnh OCT trong can thiệp mạch vành bộc bạch: “Tôi bị đau hết vùng ngực, không thở được và được con cháu đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu kịp thời. Sau khi được can thiệp, đặt stent mạch vành tôi không còn thở nặng nề, sức khỏe cải thiện tốt”.

Bên cạnh những thuận lợi trong công tác điều trị, việc áp dụng và phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang còn nhiều thách thức. Trước hết, để nắm bắt kịp xu thế phát triển chung, bản thân người làm chuyên môn phải không ngừng trau dồi kiến thức, không ngừng rèn luyện kỹ năng và phải luôn cân nhắc giữa lợi ích chính và tác dụng phụ để chọn phương pháp phù hợp nhất.

Để triển khai áp dụng kỹ thuật mới tại đơn vị cần có kinh phí đủ để đào tạo nhân lực, ký kết với các đơn vị chuyển giao và trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị, vật tư y tế cần thiết. Hiện kinh phí được trích từ nguồn thu từ các dịch vụ khám, chữa bệnh không đủ đáp ứng bởi giá thu được Bộ Y tế quy định vẫn chưa thể tính đúng, tính đủ so với tình hình thực tế. Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, qua nhiều giai đoạn là trở ngại lớn cho việc triển khai các ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu.

Với trách nhiệm là bệnh viện tuyến đầu của tỉnh, tập thể lãnh đạo và nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang không ngừng nỗ lực và phấn đấu để nâng cao chất lượng điều trị, tạo điều kiện để bệnh nhân được khám, chữa bệnh tại chỗ với những kỹ thuật cao, phương pháp mới, từng ngày nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Bài và ảnh: KHÁNH LAM

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/y-te/co-hoi-va-thach-thuc-trong-trien-khai-cac-ky-thuat-chuyen-sau-19230.html