Cơ hội và thách thức với những tài năng biên đạo múa trẻ

Trong tác phẩm múa, biên đạo múa là người lên ý tưởng kịch bản, chịu trách nhiệm dàn dựng một tác phẩm múa từ sáng tác vũ điệu, chỉ đạo nghệ thuật cho vũ công cho đến dàn dựng, sắp đặt các tiết mục trên sân khấu...

Trong tác phẩm múa, biên đạo múa là người lên ý tưởng kịch bản, chịu trách nhiệm dàn dựng một tác phẩm múa từ sáng tác vũ điệu, chỉ đạo nghệ thuật cho vũ công cho đến dàn dựng, sắp đặt các tiết mục trên sân khấu...

Theo đánh giá của giới chuyên môn, thời gian gần đây, nhiều biên đạo múa trẻ có những tìm tòi, sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm múa chất lượng cao. Từ việc khai thác đề tài đa dạng, đến cách thể hiện bố cục, tạo hình chuyển hóa luật động, tuyến múa hợp lý... Trong đó, có những đề tài, những nội dung mới nghe qua tưởng chừng rất khó thể hiện bằng ngôn ngữ múa, nhưng các biên đạo trẻ vẫn tìm được cách nói riêng, thông qua thủ pháp ước lệ, cách điệu, trừu tượng hóa mà dễ hiểu, dễ xem, tạo cảm xúc và đem lại khoái cảm thẩm mỹ cho người xem.

Một cảnh trong tác phẩm múa "Những mối quan hệ" của biên đạo Nguyễn Vũ Khánh.

Một cảnh trong tác phẩm múa "Những mối quan hệ" của biên đạo Nguyễn Vũ Khánh.

Nhiều biên đạo trẻ tài năng

Xem tác phẩm múa "Đường cày trên nương" của biên đạo trẻ Hoàng Thị Nguyệt (Nhà hát Ca múa nhạc Sơn La), người xem có thể hiểu và cảm nhận được tình cảm của người cha dân tộc Khơ Mú, phải vật lộn và chịu biết bao nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống nhưng vẫn cố gắng che chở, dành những thứ tốt nhất cho các con của mình có được một cuộc sống vui vẻ, để tiếng cười của con trẻ vang lên rộn ràng...

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đánh giá, tác phẩm của biên đạo Hoàng Thị Nguyệt mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, đã "chạm" được đến độ sâu của văn hóa, cách thể hiện cũng ngọt ngào, đằm thắm và lột tả khá trọn vẹn ý tưởng của tác giả. Biên đạo Nguyễn Vũ Khánh (Đoàn múa UNISON Hà Nội) với tác phẩm "Những mối quan hệ" đã mang đến cho người xem thông điệp: Khi con người quá phụ thuộc vào mạng xã hội, mải mê chạy theo những mối quan hệ ảo, con người sẽ trở nên thờ ơ và lãng quên xung quanh, để rồi tự đưa mình vào những rắc rối... Tác phẩm này của Nguyễn Vũ Khánh được giới trong nghề đánh giá cao, bởi sự khai thác, tìm tòi mới từ ý tưởng đến cách thể hiện.

NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, lực lượng biên đạo múa trẻ góp phần không nhỏ trong việc đưa hoạt động sân khấu múa sôi động hơn. Trước kia, múa là một loại hình nghệ thuật khó xem và chưa phổ cập, chưa dễ hiểu đối với công chúng. Giờ đây, múa đã ăn nhập vào trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, vai trò của múa như hoạt động xương sống trong các kỳ lễ hội, các hoạt động thể thao, thậm chí, trong nhiều vở kịch cũng đưa múa vào thể hiện... điều này khẳng định, múa đang ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa nghệ thuật.

Còn nhiều khó khăn

Mặc dù có nhiều đóng góp trong việc đưa hoạt động sân khấu múa trở nên sôi động hơn, nhưng lực lượng biên đạo múa trẻ cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về chủ quan và khách quan.

Biên đạo trẻ Nguyễn Vũ Khánh chia sẻ, để có một tác phẩm múa, cần phải hội tụ nhiều yếu tố, từ việc tìm đề tài, nghĩ cách thể hiện, sau đó phải tìm kinh phí dựng vở, tìm và thuê diễn viên, trang phục, âm thanh, ánh sáng, cho đến việc xin cấp phép biểu diễn và truyền thông để đưa tác phẩm đến với công chúng... Là đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, anh phải một mình làm tất cả, đối mặt với rất nhiều khó khăn, nên dù rất yêu nghề, nhiều lúc anh cũng cảm thấy tủi thân và nhụt chí.

Biên đạo múa trẻ Phương Linh (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) cũng cho rằng, nếu không thực sự yêu, không thực sự đam mê, không phải là có duyên với nghề, sẽ không thể theo nổi cái nghề vừa phải khổ luyện, lại có mức thu nhập ít ỏi này. "Tôi biết có những biên đạo trẻ, dù có kịch bản tốt và rất muốn dàn dựng tác phẩm nhưng vì không đủ khả năng tài chính nên đành bỏ cuộc", biên đạo Phương Linh cho biết. Ngoài khó khăn về kinh phí, các biên đạo trẻ còn gặp nhiều khó khăn do tuổi đời còn ít, chưa có sự cọ xát nhiều trong cuộc sống... nên dù có đề tài, ý tưởng tốt, nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại thiếu kinh nghiệm thực tế. Do đó, việc thể hiện tác phẩm đôi khi còn thiếu hơi thở cuộc sống, đặc biệt trong thể hiện cảm nhận về cuộc sống, về tâm lý, cảm xúc của con người.

Trong khi các biên đạo trẻ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngành Văn hóa hầu như cũng chưa có chính sách nào để hỗ trợ các biên đạo trẻ. NSND Lê Ngọc Cường thừa nhận, nhiều năm qua, ngành văn hóa hầu như chưa có sự quan tâm đầu tư, chưa có cơ chế, chính sách riêng cho nghề múa, hầu hết các biên đạo tự thân phát triển. Theo NSND Lê Ngọc Cường, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các nghệ sĩ. Chẳng hạn, khi phát hiện những biên đạo tài năng, ngành nên có sự đầu tư nhất định như: có chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng người tài, không nên để các nghệ sĩ tự "bơi" như hiện nay.

PHƯƠNG LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_210365_co-hoi-va-thach-thuc-voi-nhung-tai-nang-bien-dao-mua-tre.aspx