Cơ hội và thách thức

Chiều 12/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với số phiếu tán thành cao. Việc thông qua Nghị quyết này là bước để Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký phê chuẩn việc tham gia Hiệp định của Việt Nam.

Đánh giá về việc tham gia CPTPP, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (ĐBQH Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định CPTPP là quyết định chính trị quan trọng, thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước vì lợi ích của đất nước, nhưng quan trọng hơn là xây dựng cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để thực hiện thành công những cơ hội mở ra cho đất nước.

Với góc nhìn chuyên gia, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhận định, do có lợi thế thấp nên chúng ta có ưu đãi hơn khi thực hiện đàm phán lộ trình tham gia vào Hiệp định CPTPP, chúng ta cũng thực hiện lộ trình cắt giảm các dòng thuế chậm hơn so với các nước, có thời gian chuyển đổi kéo dài hơn. Như vậy, phần lớn các nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ cho hàng hóa Việt Nam rất cao, ví dụ Canada 94%, Chile 95%, Nhật Bản 86%, thấp nhất như Mexico là 77%.

Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam chỉ phải cắt giảm 66% sau khi tham gia. Các dòng thuế này có lộ trình 3 năm sau mới tăng lên 86%, đồng thời có một số mặt hàng chúng ta có thời gian chuyển đổi kéo dài 7 – 10 năm- điều đó chứng tỏ chúng ta có lợi thế hơn các nước không phải chỉ ở mức các dòng thuế cắt chậm mà còn có thời gian dài hơn để thực hiện quá trình chuyển đổi, cắt giảm dòng thuế cũng như thực hiện cam kết.

Nhìn chung, các ý kiến chuyên gia và ĐBQH đều phân tích kỹ những lợi thế mà Việt Nam sẽ có khi tham gia CPTPP. Nhưng, tham gia một “sân chơi” lớn như thế chúng ta không thể chỉ nói đến cơ hội và kỳ vọng mà không lo lắng về nguy cơ các cơ hội này có thể không trở thành hiện thực. Bài học từ việc đang thực thi 10 FTA đã cho thấy rất rõ điều này. Các FTA hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan trung bình chỉ tận dụng chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về FDI, hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi doanh nghiệp Việt Nam.

Thậm chí, ĐBQH TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân cũng “nhắc nhở”: “Đánh giá của Chính phủ về thách thức, tôi thấy còn khiêm tốn, chúng ta phải tăng liều lượng lên, việc đánh giá thách thức và rủi ro khi Việt Nam ký Hiệp định này.” ĐB này nhắc đến câu chuyện nhập khẩu từ các nước trong CPTPP. Bởi, theo ông “Nhập khẩu vào Việt Nam khi tham gia Hiệp định sẽ tăng rất cao và có khi cao hơn xuất khẩu. Chúng ta phải kiểm soát, phải phòng vệ thương mại để tránh việc nhập siêu giống như khi gia nhập WTO”.

Hay như vấn đề về người lao động và tổ chức đại diện cho họ mà ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhắc đến và cho là: “thách thức lớn nhất trong điều kiện cam kết về lao động liên quan đến yêu cầu sửa đổi pháp luật nhằm bảo đảm quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động”.

Tham gia CPTPP chúng ta có thuận lợi nhiều nhưng đan xen với đó là những thách thức không hề nhỏ. Mặt được và mặt còn thách thức đã được chuyên gia phân tích khá nhiều. Từ đó để thấy, tham gia vào các sân chơi toàn cầu là cách chúng ta học hỏi và thi đấu với thế giới. Không có một nền kinh tế nào; không có một quốc gia nào và cũng không có người dân của quốc gia nào chỉ muốn mình mãi giẫm chân tại chỗ. Việt Nam cũng thế! Chúng ta ra với thế giới để học cách lớn khôn và phát triển vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và của chính người dân. Vì lý do đó mà chúng ta phải học cách “bơi ở biển lớn” thay vì cứ loay hoay tại “ao nhà” dù rằng ra biển sóng sẽ to và sẽ bất lợi cho những cơ thể chưa thật sự khỏe mạnh. Vì thế, vừa “bơi” chúng ta vừa phải học chứ cũng không còn cách nào khác.

Nước đã đến chân và không chờ đến lúc này mà Chính phủ đã bắt đầu hành động. Theo như thuyết minh của Chính phủ, về quá trình sửa đổi luật, qua rà soát 265 văn bản cho đến nay Chính phủ chỉ đề nghị bổ sung, sửa đổi 8 luật, trong đó có 2 luật, một luật đã được thông qua và các điều khoản trong luật này đều đáp ứng cam kết của chúng ta trong Hiệp định CPTPP. Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay đang trình Quốc hội thông qua, với những điều khoản hiện nay đã đáp ứng được Hiệp định CPTPP. Còn lại 6 luật thì 3 luật gồm Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự sẽ sửa sau và chúng ta có lộ trình trong đề xuất của Chính phủ trong thời gian tới. Còn 3 luật khác là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm đã được đưa vào lộ trình trong báo cáo của Chính phủ.
Như vậy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự chủ động của Chính phủ trong quá trình chuẩn bị và gia nhập CPTPP. Mỗi người đều chung tay quá trình tham gia Hiệp định này sẽ không còn quá nhiều thách thức với Việt Nam.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/co-hoi-va-thach-thuc-tintuc422539