Cô hồn là gì và truyền thuyết về 'quỷ đói' nỗi ám ảnh kinh hoàng trong tháng cô hồn

Tháng cô hồn mỗi năm tới đều khiến nhiều người lo sợ vận đen. Dù vậy ít ai hiểu đầy đủ về cô hồn cũng như nguyên nhân tháng 7 âm lịch lại được đặt cái tên đầy ám ảnh.

Cô hồn là gì?

Theo quan niệm dân gian, con người sinh ra vốn được chia làm 2 phần là "hồn" và xác". Do vậy sau khi qua đời, khi phần "xác" biết mất, linh hồn cũng sẽ được siêu thoát về chầu trời.

Tuy nhiên vì có oan khuất hoặc những điều còn nuối tiếc mà một số linh hồn không thể siêu thoát, còn vất vưởng trên thế gian, lang bạt nay đây mai đó trên dương gian, lòng lưu luyến dương gian. Họ trở thành nguồn năng lượng kì bí mắc kẹt giữa cõi trần và cõi âm, thuộc về cõi âm nhưng lại lưu ở cõi trần.

Cô hồn thường đi cùng dã quỷ, nên người xưa thường nhắc cô hồn dã quỷ. Những linh hồn tha phương cùng những con quỷ sống vật vờ ở dương gian, có thể quấy nhiễu tới con người.

Truyền thuyết về "quỷ đói" trong tháng cô hồn

Tháng 7 âm lịch hàng năm được coi như tháng của ma quỷ, hay vẫn còn gọi "tháng cô hồn". Đặc biệt, ngày rằm của tháng này, tức 15/7 âm lịch, Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương gian.

Các linh hồn quay lại dương gian trở về gia đình mình, thăm hỏi người thân. Tuy nhiên, có những linh hồn không chốn nương tựa, không nơi quay về, có thể là người tứ cố vô thân, người chết đường chết chợ, người quên nhà quên cửa, không ai phụng thờ, nên quay trở lại phá phách dương gian.

Theo tích truyện của Phật Giáo, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi trong tịnh thì thấy một con Ngạ quỷ (quỷ đói) người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (Diệm Khẩu Quỷ) như nó.

Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên, thì ông cũng được tăng thọ”.

A Nan Đà sau đó đi gặp Đức Phật, được Phật truyền cho bài chú “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để thêm phước. Y theo lời báo của quỷ miệng lửa, A Nan Đà sau đó làm theo, cúng quỷ đói và đọc bài chú Đức Phật truyền cho nên mới thoát được kiếp nạn.

Do đó, theo quan niệm, vào tháng 7 âm lịch, người ta quan niệm trên dương thế có rất nhiều quỷ đói nên cần tránh việc lớn, cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa... Bên cạnh đó, người dương thế nên cúng cháo, gạo, muối, một mặt dành cho những người thân đã khuất của gia đình mình, mặt khác để bất cứ cô hồn dã quỷ nào ngang qua cũng đều nhận được lễ mà không bị đói khát, không bị thiếu thốn, có thể quên đi nỗi day dứt, không quấy nhiễu, làm phiền hà, trở về cõi âm và đầu thai kiếp khác.

Cúng cô hồn cũng là cách để bảo vệ bản thân và gia đình, tránh cho cô hồn dã quỷ quấy nhiễu, làm phiền hà. Đây không chỉ là nghi thức tâm linh mà còn là lời nhắc nhở thiết thực về lòng nhân hậu, vị tha và tinh thần bao dung, nhân ái, biết sẻ chia giữa con người với con người, kể cả khi âm dương xa cách, sống chết ngăn trở.

Mặc dù truyền thuyết và những điều kiêng kỵ trên chưa được bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chứng minh là đúng nhưng theo tín ngưỡng dân gian, cúng cô hồn được cho là hành động mang tính nhân văn, thể hiện lòng kính trọng, vị tha của người còn sống với người đã khuất.

Pham Nụ / Tin Nhanh Online

Nguồn Tin Nhanh: http://tinnhanhonline.vn/co-hon-la-gi-va-truyen-thuyet-ve-quy-doi-noi-am-anh-kinh-hoang-trong-thang-co-hon-1483584