Có 'kẻ thù chung', Hàn Quốc - Triều Tiên có 'xích lại gần nhau'?

Khi Triều Tiên chính thức khẳng định không có ca nhiễm Covid-19 nào, cũng là lúc dấy lên những đồn đoán rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang nắm chắc cơ hội đạt được bước đột phá trong quan hệ với Triều Tiên thông qua hợp tác phòng chống dịch Covid-19.

Tổng thống Moon Jae-in đã nhấn mạnh rằng hợp tác chống dịch Covid-19 là cơ hội để nối lại các cuộc đàm phán đang bị đóng băng với Triều Tiên. (Nguồn: The Leader)

Triều Tiên "dường như không tuyệt vọng"

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 2 năm ngày ra Tuyên bố chung Panmunjom, Tổng thống Moon Jae-in đã nhấn mạnh rằng hợp tác chống dịch Covid-19 là cơ hội để nối lại các cuộc đàm phán đang bị đóng băng với Triều Tiên.

Một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về ý tưởng này của ông Moon Jae-in. Bằng những nghiên cứu và nguồn tin riêng, họ khẳng định Covid-19 ở quốc gia "bí hiểm" Triều Tiên không nghiêm trọng như những gì cộng đồng quốc tế đang suy đoán.

An Chan-il, nhà nghiên cứu và bình luận về Triều Tiên đồng thời là người Triều Tiên đào tẩu hiện sống ở Seoul, nói: "Tình hình dịch bệnh ở Triều Tiên không nghiêm trọng như ở Hàn Quốc. Trong bối cảnh đó, Bình Nhưỡng chắc chắn phớt lờ lời đề nghị hợp tác của Seoul".

Ồng này cũng nhấn mạnh thêm rằng, chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc ngay từ tháng 1/2020, đồng thời áp đặt những biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt từ thời điểm đó.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng tăng cường kiểm soát mọi hoạt động di chuyển của người dân trong nước. Theo đó, Triều Tiên dừng tất cả các chuyến bay và tàu hỏa quốc tế trong khi tăng cường kiểm soát an ninh tại sân bay, hải cảng và khu vực biên giới trên bộ.

Giáo sư Quan hệ quốc tế Park Won-gon của Đại học Toàn cầu Handong nói rằng, "dường như không nhìn thấy thái độ tuyệt vọng" của Triều Tiên khi họ đón nhận vật phẩm của các tổ chức cứu trợ quốc tế.

Theo Giáo sư Park Won-gon, thời gian để hàng cứu trợ của Ủy ban Quốc tế thuộc Hội Chữ thập đỏ (ICRC), Tổ chức Bác sĩ không biên giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đến được Triều Tiên qua đường Trung Quốc phải mất hơn một tháng và thường thì số lượng cũng không nhiều.

"Cho thấy những đồn đoán cho rằng, Triều Tiên đã ứng phó khá tốt trước Covid-19 là đúng và nếu điều này là chính xác thì không có lý do gì để Bình Nhưỡng chấp nhận lời đề nghị hợp tác chống dịch của Seoul", ông Park nhấn mạnh.

Liên quan đến việc Triều Tiên khẳng định chưa có ca nhiễm SARS-CoV-2 nào, cũng có những đồn đoán rằng, dịch Covid-19 đã xuất hiện và lây lan ở Triều Tiên. Giáo sư Park Won-gon nhấn mạnh, "cho dù lời đồn đoán đó là đúng thì Triều Tiên cũng có thể từ chối nhận các mặt hàng viện trợ từ Hàn Quốc. Chính quyền Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể nhận sự giúp đỡ bí mật từ Bắc Kinh và không tiết lộ ra bên ngoài".

Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên Yang Moo-jin của Đại học Triều Tiên cũng có quan điểm tương tự khi nói rằng "Triều Tiên hoàn toàn không bị miễn nhiễm trước SARS-CoV-2". Ông nhấn mạnh rằng, Tiểu ban chính trị thuộc Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên đã ban hành hướng dẫn về phòng dịch vì đất nước đã bị virus tấn công.

Ông nói: "Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là Triều Tiên sẽ bất ngờ thay đổi lập trường và trở nên thân thiện với Hàn Quốc. Trung Quốc vẫn luôn là đối tác mà Bình Nhưỡng sẽ đưa ra đề nghị hỗ trợ đầu tiên".

Chính quyền Triều Tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc ngay từ tháng 1/2020. (Nguồn: AP)

Cách tiếp cận cho Seoul

Để có thể tận dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 và coi đó là một cơ hội mới cho mối quan hệ liên Triều, các nhà phân tích cho rằng, Seoul chỉ nên thiết lập liên lạc ở cấp độ người dân chứ không nên ở cấp Chính phủ.

Giáo sư Yang Moo-jin nhận định: "Điều quan trọng là phải chứng minh được sự hợp tác trong phòng chống dịch Covid-19 hoàn toàn vì lý do nhân đạo. Hơn nữa, Bình Nhưỡng còn có thể coi điều đó như nỗ lực của Seoul nhằm phô trương ưu thế về ý thức hệ".

Ông cũng cho rằng, hàng viện trợ cần được chuyển qua Hội Chữ thập đỏ hoặc Ủy ban Hòa giải và Hợp tác Hàn Quốc, một tổ chức tư vấn về thống nhất hai miền có sự tham gia của các chính trị gia, lãnh đạo tôn giáo, học giả và các nhà hoạt động dân sự.

Giáo sư Yang Moo-jin cũng cho rằng, hợp tác về Covid-19 với Triều Tiên chỉ có thể bắt đầu sau khi Bình Nhưỡng nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Ông nói thêm: "Do Bắc Kinh luôn đóng vai trò là nhà bảo trợ lớn nhất của Bình Nhưỡng, hoàn toàn không có lý do gì để Triều Tiên sẵn sàng nhận sự hỗ trợ từ Hàn Quốc mà không đoái hoài đến nước láng giềng Trung Quốc".

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tháng 4 vừa qua cũng khẳng định đã nhận được "báo cáo cập nhật hàng tuần" về tình hình dịch bệnh từ Bộ Y tế Triều Tiên. Theo đó, quốc gia này có khả năng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại một phòng xét nghiệm quốc gia ở Thủ đô Bình Nhưỡng.

Sau đó, WHO cũng khẳng định hoạt động xét nghiệm đã được tiến hành trên quy mô toàn quốc và đã có hơn 500 người được đưa vào diện cách ly.

Trong một diễn biến liên quan, Liên hợp quốc mới đây cũng đã phê chuẩn việc cho phép tiến hành các hoạt động viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên để giúp quốc gia này đối phó với sự lây lan của Covid-19. Một quan chức cấp cao của Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) đã đề cập sự phê chuẩn này của Liên hợp quốc, đồng thời khẳng định, sự hợp tác về Covid-19 với Triều Tiên "không thuộc lĩnh vực chịu lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế".

Ông này cũng khẳng định, Seoul và Washington đã có sự "tham vấn chặt chẽ" trong tất cả những vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

(theo Korea Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-ke-thu-chung-han-quoc-trieu-tien-co-xich-lai-gan-nhau-114912.html