Cổ kính ngôi đình có hai tam quan của Thủ đô

Đình Quán Giá (còn gọi là đình Yên Sở) thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, thờ danh tướng Lý Phục Man dưới thời nhà Tiền Lý. Điều độc đáo là ngôi đình này có hai tam quan, được các nhà nghiên cứu coi là trường hợp duy nhất trong cấu trúc đình đền ở nước ta.

Quán Giá thờ Lý Phục Man, một danh tướng của Lý Bí, sống ở thế kỷ thứ VI, quê ông ở làng Cổ Sở (huyện Hoài Đức). Tương truyền ông giỏi võ nghệ, theo Lý Bí khởi nghĩa chống quân Lương (Trung Hoa) xâm chiếm nước ta, lập nhiều chiến công. Nhà Tiền Lý (544-555) thành lập, ông được cử trông coi vùng đất phía Nam, đánh tan cuộc xâm lấn của Chăm pa.

Sau đó, ông kết hôn với công chúa Lý Nương, vua ban cho ông họ Lý và chức thiếu úy, gọi là tướng quân Lý Phục Man. Ông trở về quản lĩnh vùng đất Đỗ Động, Đường Lâm. Nhà Lương lại đưa quân sang xâm lược nước Vạn Xuân. Ông chỉ huy quân sĩ đánh giặc và hi sinh ở chiến trường. Thương nhớ và biết ơn ông, nhân dân ở nhiều nơi như Yên Sở (Hoài Đức), Xuân Đỉnh (Từ Liêm)… dựng đền, đình thờ Lý Phục Man.

Theo các nguồn tư liệu có trong di tích, đình Quán Giá lúc đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ xây dựng lên (cạnh mộ của Lý Phục Man, xung quanh mộ được trồng cây) để tưởng nhớ người con quê hương đã hy sinh anh dũng vì nền độc lập của nước nhà.

Hiện nay, kiến trúc của đình Quán Giá vẫn còn được giữ khá nguyên vẹn.

Trải qua một thời gian dài tồn tại, đến năm 1016 đời vua Lý Thái Tổ, nhân một lần đi qua vùng đất này, ông đã cho xây dựng lại các tòa của khu Quán Giá và dựng tượng vị anh hùng Lý Phục Man. Giữa thế kỷ 13, vua Trần Thái Tông cho xây dựng tiếp tiền đường. Sau đó, từ thời nhà Lê đến thời nhà Nguyễn, lần lượt hai dãy hành lang, cửa tam quan, dãy cột đồng trụ, đúc ngựa đồng, mãng đồng hứng nước được xây dựng lên.

Năm 1947, giặc Pháp đã đốt phá gần hết Quán Giá, chỉ còn lại hai tam quan, ba bức tường và hậu cung. Sau này, trên nền cũ, nhân dân địa phương đã dựng lại cả ba nhà đại đình, trung đình và thượng điện, tuy có nhỏ hơn trước song vẫn bảo đảm sự thờ cúng trang nghiêm. Tòa thượng điện vẫn còn bức tường hồi xây từ thời Nguyễn có các ô hình trang trí và cột trụ phía trước có đắp nghê trên đỉnh cột như một sự kiểm soát người vào quán lễ thánh.

Bên cạnh khu đền chính, phía hồi phải có nhà bia và nhà ở của tuần canh (thời xưa), phía hồi trái có dãy nhà để ngựa và nhà bếp phục vụ cho sinh hoạt lễ hội. Lại thêm vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ ở đằng sau, tạo thành một cảnh quan cổ kính, trang nhã.

Riêng về hai tam quan, cái ngoài cách cái trong 20 mét, được các nhà nghiên cứu coi là trường hợp duy nhất trong cấu trúc đình đền ở nước ta. Trên tam quan thứ hai có gắn 49 mảnh đất nung được trang trí. Ở hai bức tường liền với hai cột trụ lớn có những viên gạch rất đặc biệt. Tường phía đông có 23 viên, tường phía tây có 26 viên. Đó là những viên gạch nung, vuông, có đường chỉ viền xung quanh, giữa là những hình nổi, không hình nào giống hình nào, tạo thành một bức tranh sống động.

Trong đình Quán Giá may mắn còn tượng Lý Phục Man không bị giặc Pháp phá hủy ở giữa và tượng hai bà Phương Dung và Ả Nương ở hai bên, cùng bốn pho tượng đứng là các thị nữ, hộ sĩ. Ba pho tượng chính được tạo tác rất cẩn thận, ứng với ba ngai thờ, được chạm khắc tỉ mỉ, tỉa tót kỹ lưỡng. Cũng trang trọng như ngai thờ là hai hương án và một cỗ kiệu. Lại có một con ngựa to bằng đồng, bên ngoài phủ lớp sơn.

Hàng năm, tại đây tổ chức lễ hội Rước Giá được tổ chức từ ngày 10 đến 26/3 âm lịch. Rước Giá - một lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Hàng ngàn người dân đã đổ về tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như hội cờ tướng, cờ người, thi đấu vật, thi hát quan họ...

Ngày nay, cùng với những biến đổi mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội theo hướng ngày càng hiện đại hóa, các loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng theo đó bị mai một dần thì việc bảo tồn đình Quán Giá và duy trì lễ hội nơi đây là một việc làm vô cùng đáng quý. Nó không chỉ mang lại niềm vui cho mọi người sau những chuỗi ngày lao động mệt mỏi, vất vả, mà còn khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng và đây cũng là dịp để nhắc nhở mọi người hướng về cội nguồn, tưởng nhớ đến công lao của tổ tiên.

P.B

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-kinh-ngoi-dinh-co-hai-tam-quan-cua-thu-do-99369.html