Cỗ máy 'hô biến' chất thải thành VLXD lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc xử lý phế thải vật liệu xây dựng theo hướng tái sử dụng, hôm qua 5/8, Cty CP Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu đã giới thiệu và vận hành cỗ máy tái tạo phế thải rắn thành vật liệu xây dựng ngay tại chân công trình 138 Giảng Võ. Sự kiện này được đại diện UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng và các ngành chức năng chứng kiến, ủng hộ.

Lễ khai trương cỗ máy tái tạo phế thải rắn thành vật liệu xây dựng (Ảnh: MĐ)

Lễ khai trương cỗ máy tái tạo phế thải rắn thành vật liệu xây dựng (Ảnh: MĐ)

Công nghệ xử lý chất thải rắn từ các công trình xây dựng bị phá bỏ lần này là lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và đáp ứng được các tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn EURO 6.

Cty CP Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu là đơn vị được TP Hà Nội giao thực hiện dự án này. Đây là công nghệ mới, hiện đại lần đầu tiên được áp dụng tại Hà Nội. Công ty này cũng tính toán, với lượng rác thải vật liệu xây dựng hiện nay, thành phố Hà Nội chỉ cần 5 dây chuyền hoạt động liên tục là có thể xử lý hoàn toàn lượng rác thải vật liệu xây dựng phát sinh trên địa bàn Thủ đô.

Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội cùng đại biểu tới dự lễ khai trương cỗ máy tái tạo phế thải rắn thành vật liệu xây dựng của Công ty CP Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu (Ảnh: MĐ)

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dây chuyền nghiền phế thải vật liệu xây dựng được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức có nhiều tác dụng, làm cho phế thải vật liệu xây dựng không phải đưa đi chôn lấp mà sẽ được nghiền nhỏ, có thể tái sử dụng làm vật liệu xây dựng.

Dây chuyền cỗ máy tái chế chất thải rắn thành vật liệu xây dựng (ảnh MĐ)

Theo thống kê, mỗi ngày thành phố Hà Nội có khoảng 3.000 tấn phế thải là vật liệu xây dựng được đưa ra môi trường. Lượng phế thải vật liệu xây dựng nhiều, trong khi đó Hà Nội chưa có biện pháp xử lý hiệu quả, chủ yếu thực hiện chôn lấp, tốn diện tích đất, có nguy cơ gây nguy hại cho môi trường, chi phí xử lý cao...

Có thể nói, phế thải là một bài toán nan giải với con người chúng ta. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một cỗ máy biến chất thải thành vật liệu xây dựng giúp cho việc tái chế rác trở nên hữu dụng hơn bao giờ hết.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/moi-truong/co-may-ho-bien-chat-thai-thanh-vlxd-lan-dau-tien-xuat-hien-o-viet-nam-41598