Cỗ máy kinh tế Đức 'đang cài số lùi'

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể rơi vào 'suy thoái kỹ thuật' lần đầu tiên kể từ năm 2013, theo trang tin CNN Business. Suy thoái kỹ thuật được xác định khi nền kinh tế của một nước rơi vào tăng trưởng âm trong hai quí liên tiếp.

Trong tháng 11-2018, sản lượng công nghiệp của Đức giảm 1,9% so với tháng trước đó và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters

Hôm 8-1, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết dữ liệu sản lượng công nghiệp Đức trong tháng 11-2018 giảm 1,9% so với tháng trước đó, trái ngược với mức dự báo tăng 0,3% của các chuyên gia kinh tế. Chỉ số này giảm trong ba tháng liên tiếp và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cú giảm sốc của sản lượng công nghiệp có thể báo hiệu nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng âm trong quí cuối năm 2018. Nếu như vậy, kinh tế Đức sẽ bước vào suy thoái kỹ thuật do tăng trưởng âm trong hai quí liên tiếp (trong quí 3, GDP của Đức đã tăng trưởng âm 0,2%).

Sau khi chứng kiến tăng trưởng âm trong quí 3, Ngân hàng Trung ương Đức dự báo kinh tế sẽ phục hồi trong quí 4 và các khó khăn tạm thời sẽ sớm lắng dịu. Song giờ đây, đất nước này dường như cần nhiều thời gian hơn để vượt qua các khó khăn.

Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của chi nhánh Ngân hàng ING (Hà Lan) tại Đức cho rằng dữ liệu sản lượng công nghiệp cho thấy nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Đức “gia tăng rõ rệt”.

Nhà kinh tế Greg Fuzesi ở Ngân hàng J.P.Morgan (Mỹ) nhận định cho dù sản lượng công nghiệp phục hồi mạnh trong tháng 12-2018, kinh tế Đức vẫn có thể suy giảm nhẹ trong quí 4-2018.

Trong khi đó, tổ chức tư vấn Oxford Economics (Anh) hạ dự báo tăng trưởng của nước này trong quí 4-2018 về mức 0% và cảnh báo nền kinh tế lớn thứ tư thế giới giờ đây đứng trước nguy cơ suy thoái cao. Các dữ liệu khác cũng cho thấy nền kinh tế dựa vào xuất khẩu đang chịu nhiều áp lực lớn.

Hôm 7-1, Bộ Kinh tế Đức cho biết lượng đơn hàng mới của các nhà máy trong tháng 11 giảm 1% so với tháng trước đó.

Theo Viện nghiên cứu kinh tế Ifo Đức, chỉ số môi trường kinh doanh ở nước này (sử dụng để đo lường niềm tin của doanh nghiệp Đức) trong tháng 12 giảm về 101 điểm, mức thấp nhất trong hơn hai năm qua. Chỉ số này được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát ý kiến từ 9.000 doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, thương mại và xây dựng.

Jack Allen, nhà kinh tế cấp cao ở tổ chức tư vấn Capital Economics (Anh) nói: “Bức tranh lớn hiện nay là nền kinh tế Đức và khu vực eurozone (các nước sử dụng đồng tiền euro) nói chung rõ ràng đang 'cài số lùi'”.

Giới phân tích nhận định các cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động và nguy cơ thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (EU) sụp đổ cùng với đà tăng trưởng yếu ớt ở các nền kinh tế mới nổi đã hãm phanh đà tăng trưởng kéo dài chín năm liên tục của Đức.

Mihir Kapadia, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập Công ty quản lý đầu tư Sun Global Investments (Anh) cho rằng cỗ máy kinh tế Đức suy yếu một phần là do các tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. “Kể từ tháng 8-2019, sản lượng công nghiệp của nền kinh tế Đức suy yếu qua mỗi tháng với mức giảm 4,7% nếu tính theo năm”, Kapadia nói.

Nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Đức là một mối lo lớn cho giới đầu tư, những người đang bi quan về triển vọng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc trong năm nay. Các hãng xe của Đức như Volkswagen đang chứng kiến doanh số sụt giảm tại thị trường Trung Quốc. Trong tháng 9-2018, lượng xe đăng ký mới ở Đức cũng sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục sụt giảm 10% trong tháng 11.

Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của chi nhánh Ngân hàng ING (Hà Lan) tại Đức nhận định dù kinh tế suy thoái kỹ thuật nhưng điều này cũng không quá lo ngại vì thị trường lao động của nước này vẫn vững mạnh và có nhiều lý do khác để lạc quan về hoạt động đầu tư và sản xuất trong năm 2019.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/284004/co-may-kinh-te-duc-dang-cai-so-lui.html