'Cỗ máy tri thức': Cuốn sách giải thích nền tảng và những quyền năng của khoa học

Trong cuốn sách 'Cỗ máy tri thức', nhà triết học hàng đầu Michael Strevens trả lời câu hỏi vì sao sau khi triết học và toán học ra đời, nhân loại mới bắt đầu sử dụng khoa học để học hỏi và nghiên cứu những bí mật vũ trụ.

Bất cứ ai cũng không thể phủ nhận vai trò, lợi ích của khoa học đem đến cho cuộc sống con người trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, xét trên chiều dài lịch sử nhân loại, khoa học hiện đại “sinh sau đẻ muộn” hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác trong nền văn minh nhân loại.

Bước nhảy vĩ đại của khoa học hiện đại được ghi nhận xảy ra từ đầu thế kỳ XVII đến đầu thế kỷ XVIII. Và một trong những phương pháp giúp khoa học thực sự phát triển, gặt hái được những thành tựu nhảy vọt là nhận được sự quan tâm, tranh luận của nhiều nhà tư tưởng trên thế giới trong hơn 100 năm qua...

Nguyên tác lý giải "sắt"

Trong phần đầu cuốn sách Cỗ máy tri thức, Michael Strevens dẫn dắt độc giả khám phá quan điểm của triết gia Karl Popper đến Thomas Kuln - người cho rằng có một loại tổ chức xã hội đặc biệt chịu trách nhiệm tạo nên sức mạnh của khoa học. Trong khi chuyên gia xã hội học Steven Shapin lại cho rằng không hề tồn tại một phương pháp khoa học nào.

 Bản dịch sách do Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt và Nhà xuất bản Dân trí liên kết xuất bản tại Việt Nam.

Bản dịch sách do Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt và Nhà xuất bản Dân trí liên kết xuất bản tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tất cả các quan điểm này đều không thành công trong việc chỉ ra cơ chế nền tảng tạo nên năng lực sản sinh tri thức của khoa học. Và bằng việc sàng lọc, nhà triết học Michael Strevens đã tìm ra được nền tảng lý thuyết xác đáng hơn về khoa học là nguyên tắc lý giải "sắt".

Ông chỉ ra rằng trước đây, các nhà khoa học được tự do suy nghĩ về mối liên hệ giữa bằng chứng và lý thuyết. Nhưng một khi đã tham gia vào nghiên cứu khoa học, họ buộc phải khám phá bằng chứng có sẵn hoặc tạo ra bằng chứng mới để thảo luận.

Cũng theo ông, nếu không có khoa học, con người sẽ chẳng bao giờ làm những việc như thế. Nhưng chính nhờ quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế vụn vặt đầy đau thương ấy mà con người mới tìm ra sự thật trong những lý thuyết sai lầm nhưng nghe rất hợp lý.

Cuối cùng, những bằng chứng đó sẽ được tích lũy đủ nhiều, để khiến tất cả các nhà khoa học dù trước đây từng chế giễu, mang thành kiến, định kiến ra sao đều phải đồng ý sẽ có một lý thuyết vững chắc hơn tất cả, có thể giải thích thỏa đáng và dự đoán chính xác nhất.

Tóm lại, nguyên tắc lý giải "sắt" là bộ nguyên tắc cư xử đầy khiêm nhường, quy định chỉ tiến hành tranh luận khoa học dựa trên bằng chứng chính là nền tảng tạo nên tất cả các phương pháp khoa học giúp nhân loại vững bước trên con đường đi tìm chân lý. Đây chính là nguyên tắc hoạt động tạo ra hiệu quả và quyền năng to lớn của khoa học.

Chăm sóc cỗ máy khoa học

Trong phần 2 của cuốn sách Cỗ máy tri thức, tác giả giải thích rõ nguyên tắc hoạt động của nền khoa học với quy tắc "sắt". Nếu phần 3 giải thích tại sao khoa học lại xuất hiện muộn như vậy, thì phần 4 thu hút độc giả khi đề cập các nội dung liên quan nền khoa học hiện đại với cách xây dựng tư duy khoa học, cách chăm sóc và bảo trì cỗ máy khoa học.

Đưa ra câu chuyện về những vùng đất chịu sự biến đổi nặng nề theo hướng tiêu cực, tác giả Strevens cũng chỉ ra mặt trái của sự phát triển khoa học: giúp nền nông nghiệp, công nghiệp ngày càng phát triển, đồng thời dẫn đến sự biến đổi ngày càng xấu đi nhanh hơn của khí hậu, địa chất.

Tuy nhiên, tác giả Strevens cũng chỉ ra khoa học cũng mang đến cho nhân loại cơ hội thuận lợi để cứu lấy hành tinh với việc chỉ ra cách khắc phục một số tổn hại, hướng dẫn con người cách thỏa mãn nhu cầu mà không vắt kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống.

Đặc biệt, tác giả đề ra ba thành tố thiết yếu để tạo nên một nền khoa học phát triển mạnh mẽ: tinh thần quyết chiến, quyết thắng; các nhà khoa học phải tuân thủ đúng nguyên tắc sắt; khoa học sẽ cẩn thận lưu trữ những bằng chứng ấy để các nhà tư tưởng của nhiều thế kỷ sau tiếp tục khai thác.

Michael Strevens là Giáo sư Triết học của Trường Đại học New York, Mỹ. Từ năm 2004, ông giảng dạy và nghiên cứu bản chất của khoa học, các hệ thống phức tạp, tâm lí học triết học, vai trò của trực giác trong việc khám phá khoa học, bản chất của việc giải thích và sự hiểu biết, cùng nhiều đề tài khác.

Ông sinh ra và lớn lên ở New Zealand, lấy bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Rutgers và có 25 năm kinh nghiệm giảng dạy ở Đại học bang Iowa và Đại học Standford.

Michael Strevens đã được nhận Giải thưởng Guggenheim (được Quỹ tưởng niệm John Simon Guggenheim trao tặng từ năm 1925 cho những người “chứng minh năng lực đặc biệt trong sản xuất hoặc khả năng sáng tạo đặc biệt trong nghệ thuật”) vào năm 2017.

Văn Việt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-may-tri-thuc-cuon-sach-giai-thich-nen-tang-va-nhung-quyen-nang-cua-khoa-hoc-192787.html