Có một “biệt phủ” trong trái tim

(TBKTSG) - Việc làm của chị Vũ Thị Hồng Khanh - công nhân phân loại rác của Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành (Yên Bái) thật đáng ngưỡng mộ. Nhặt được 30 triệu đồng khi phân loại rác, chị gửi công ty để trả cho người bị mất.

Cuộc sống của chị Hồng Khanh chắc là không khấm khá, có khi còn khó, khó nhiều. Với chị, 30 triệu đồng là số tiền lớn; ngót nghét cũng hơn sáu tháng lương. Nhưng chị đã không tham của rơi bởi cái đó không phải của mình, không do công sức của mình làm ra.

Xưa nay nhiều người vẫn thường vin vào cái lẽ “giàu thì đã giàu rồi, nghèo thì cũng nghèo rồi” khi quyết định hay luận giải việc gì.

Biết vậy, nhưng trong cuộc sống ít người làm được như chị Hồng Khanh, nghèo nhưng “sống sạch”. Đó là kết quả của giáo dục gia đình, tự rèn luyện bản thân để rồi dần thành thói quen cả trong suy nghĩ và hành động. Kết nên văn hóa, đạo đức của mỗi người, giá trị ấy không phân biệt sang - hèn, quan chức hay thứ dân, có học hàm - học vị cao hay chưa qua được phổ thông. Ai cũng có thể có được, chỉ tiếc là trong cái cuồn cuộn của cơn lốc cuộc đời đã làm cho nhiều người không giữ được mình trước cám dỗ của vật chất, danh vọng, tình ái. Bòn rút của công, chiếm đoạt của người khác để làm giàu cho mình hay “đạp” lên người khác để bước lên những nấc thang danh vọng... Tất nhiên không thể phủ nhận có một nhóm người công thành danh toại, họ giàu lên nhờ nỗ lực từ chính khối óc và bàn tay của mình.

Những siêu xe, biệt phủ, những bữa tiệc “nhất dạ đế vương”... những toan tính để giàu thêm, để tiếp tục được thăng tiến trên mồ hôi, nước mắt của người khác... chính là tội lỗi! Đạt được bằng bất minh, bất chính, bất lương thì chẳng thể bền lâu. Có những kẻ vẫn biết đó là tội lỗi nhưng vẫn lao vào con đường đó như con thiêu thân, bởi họ chấp nhận “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt!”. Nhưng đâu phải “chợt tắt” rồi mọi chuyện sẽ được lãng quên, chấp nhận bán danh dự bản thân nhưng còn gia đình, dòng tộc thì sao? Và hơn nữa, hậu quả do tội ác gây ra còn để lại di chứng cho cuộc đời. Có về bên kia thế giới đi chăng nữa, liệu đã yên ổn ở cõi ấy hay không? Quy luật nhân quả, vốn là quy luật của tự nhiên và xã hội nhưng phải chăng đấy cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang ngập ngụa trong danh vọng, tiền tài.

Viết đến đây chợt liên tưởng đến tỉ phú Mỹ Warren Buffett, người đã cam kết sẽ cho cộng đồng 99% số tài sản khổng lồ của mình sau khi chết. Cuộc đời ông, để giàu có như ngày nay, lẽ tất nhiên là kết quả của sự thông minh, lao động miệt mài (do học tập, quan sát, trải nghiệm, khởi nghiệp) nhưng ông khác nhiều người bởi có trái tim biết yêu thương. Nhìn vào quỹ The Giving Pledge mà ông cùng Bill Gates sáng lập, hình như không có được nhiều người giàu trên thế giới sẵn sàng làm như vậy. Những người như ông hay chị Hồng Khanh có trái tim thật đẹp. Trong cuộc sống đời thường, họ cũng đang làm việc như bao người nhưng có lẽ trong trái tim họ đang có một “biệt phủ” - nơi ấy chốn đi về là hy sinh, là phẩm hạnh cao quý, là yêu thương con người. Chính “biệt phủ” trong trái tim giúp họ sống đẹp, biết tìm cho mình sự yên bình để tiếp tục phụng sự cho cộng đồng. Được nhiều người như thế, chắc rằng đất nước nói riêng và hành tinh này nói chung sẽ xanh hơn, thân thiện hơn, an lành hơn.

Gần đây báo chí đưa tin, đâu đó có những vị bệ vệ trong biệt phủ nguy nga, tráng lệ. Biệt phủ ngoài đời này làm dấy lên những góc nhìn đa chiều như chính cuộc sống đầy khác biệt, đa dạng “phủ bóng” người người với đủ cung bậc cảm xúc. Mong manh hay vĩnh hằng những biệt phủ ấy? Cứ đợi, rồi thời gian sẽ trả lời. Nhưng điều có thể thấy, dường như biệt phủ ngoài đời này không kết nối được, thậm chí là đóng cửa với cuộc sống chung quanh khi mà bên ngoài hàng rào cao ngất ấy còn lắm phận người nghèo khổ.

Nguyễn Hoàng Chương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/162671/co-mot-biet-phu-trong-trai-tim.html