Có một Cô Tô trong tôi

Mỗi năm ra Cô Tô đến vài lần nhưng tôi luôn muốn trở lại nơi này. Nhiều lần trên tàu, tôi gặp được những du khách đã đến với Cô Tô lần thứ hai, thứ ba. Tôi đặt câu hỏi tại sao rồi cũng tự có được cho mình câu trả lời: Mỗi người có một Cô Tô riêng và mỗi lần đến nơi này lại có một cảm nhận rất khác. Chẳng lần nào giống lần nào.

Du khách rời tàu lên tham quan đảo Cô Tô.

Du khách rời tàu lên tham quan đảo Cô Tô.

Câu hỏi đầu tiên mà ai cũng đặt ra là: Ra Cô Tô ăn gì, chơi gì, đi những đâu? Ăn gì thì gần như ai cũng giống nhau vì ở đó hải sản ngon khó cưỡng. Nhưng còn chơi gì thì mỗi người một lựa chọn.

Tôi có một người bạn ở tận trong xứ Nghệ nhưng hè năm nào cũng ra với Cô Tô. Anh bảo anh thích được ra biển để theo ngư dân đi đánh cá, để hít thở cái không khí trong lành, cái hơi biển mặn mòi mùi muối. Ra với biển để quên đi cái ồn tạp của phố phường, cái bon chen của cuộc sống thường nhật.

Và anh còn ra với biển để... làm thơ. Có lẽ cảnh sắc và tình người Cô Tô rất dễ làm cho con người ta rung động. Với những kẻ có sẵn máu thi sĩ rồi thì chỉ cần rung ngân sợi tơ lòng thôi là đã đủ gọi về những câu chữ, vần điệu. Anh bảo anh sẽ in một tập văn thơ nhiều tác giả đã viết về Cô Tô như thể đi gom những tâm hồn đồng điệu.

Quả thực không chỉ riêng giới văn nghệ sĩ mà dường như mỗi người đến với Cô Tô, sống ở Cô Tô cũng sẵn có cho mình một tâm hồn thi sĩ. Chỉ có điều họ có diễn đạt nó thành lời hay không mà thôi. Tôi lấy làm lạ bởi đã gặp một người từng là quân nhân quen với súng ống như ông Nguyễn Đăng Lương, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Cô Tô, lại có cái nhìn lãng mạn đến vậy.

Ông Lương chia sẻ: Cô Tô như một nàng tiên ngủ quên được đánh thức. Bằng những bàn tay, khối óc của những “chàng hoàng tử” đã thổi hồn cho “nàng tiên ngủ quên ngày ấy” nay trở nên rực rỡ muôn màu và tràn đầy hạnh phúc. Đến hôm nay, tôi cũng như nhiều người dân sống trên đảo vẫn còn bàng hoàng như đang được sống trong mơ. Cơ sở hạ tầng như nước, điện, đường, trường, trạm đã được Đảng, Nhà nước quan tâm; giao thông nối đất liền với đảo được rút ngắn thời gian.

Những con đường cát trắng ngày xưa đã biến thành đường bê tông, đường nhựa rộng thênh thang với ánh điện lung linh chiếu sáng dọc hai bên đường. Các trường học khang trang và đều đạt chuẩn quốc gia. Trung tâm Y tế huyện được nâng cấp, trình độ y bác sĩ đã được nâng cao. Người dân được dùng nước sạch. Người dân chúng tôi rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chúng tôi yên tâm bám đảo lao động, sản xuất phát triển kinh tế.

Là một người được coi là "thổ địa" ở đây nên Cô Tô với ông Lương như phần ký ức không thể nào quên. Năm 1979, khi mới 7 tuổi, ông Lương đã cùng gia đình thực hiện hành trình vượt sóng đi xây dựng kinh tế mới tại đảo Cô Tô.

Sau hơn 40 năm, nhớ lại những ngày đầu ra đảo, những kỷ niệm khó quên nhất đối với ông Lương đó là ngày đầu tiên cắp sách tới trường, được ngồi trên cái ghế được kê bằng gạch, cái bàn được ghép bằng gỗ ván kê trên mấy hàng gạch đỏ, mỗi khi viết bài nó cứ chòng chành, đu đưa như những con tầu trên sóng. Tối đến, ông lại cùng chúng bạn học bài bằng chiếc đèn dầu Hoa kỳ nhưng phải vặn nhỏ để tiết kiệm dầu... Hình ảnh Cô Tô ngày ấy đã gắn với ông Lương suốt cả quãng đời niên thiếu.

Cô Tô của ông Lương lúc bấy giờ là một quần đảo hoang sơ, dân số thưa thớt, cơ sở hạ tầng gần như chưa có gì, nhất là giao thông. Thậm chí cả tháng trời mới có một chuyến tàu từ đất liền ra đảo. Đường bộ lối liền các thôn là những con đường mòn cát trắng, quanh co.

Về mùa khô, nguồn nước ngọt vô cùng khan hiếm, phải chia sẻ cho nhau từng bát nước giếng để ăn. Cuộc sống khó khăn, lương thực, thực phẩm tự cung, tự cấp, người dân thiếu thông tin, đời sống văn hóa tinh thần khó khăn, lạc hậu... Đã một thời gian dài, đó là nỗi ám ảnh với ông Lương cũng như mỗi người dân Cô Tô lúc bây giờ.

Một góc đảo Cô Tô con.

Đấy là với ông Lương, còn với bà Hoàng Thị Thậm, ở thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến thì những ngày ấy đã qua lâu rồi. Và khó khăn gian khổ cũng là thử thách để mỗi người dân Cô Tô như bà vượt qua, là nền móng để xây dựng niềm tin về một Cô Tô ngời sáng trong ngày mới.

Bà Thậm bảo rằng, bà được sống và làm việc tại huyện đảo từ những năm mới thành lập nên cảm nhận thấy Cô Tô hôm nay như có phép màu kỳ diệu. Phép màu ấy đã biến Cô Tô thay da đổi thịt từng ngày. Bộ mặt của huyện khang trang, cảnh quan đô thị, người dân đã không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước.

"Điều làm tôi ấn tượng là sự quan tâm của huyện về đào tạo nguồn nhân lực cho các xã, thị trấn đã nâng cao chất lượng cán bộ. Việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân được nhanh chóng, thuận lợi tạo sự tin tưởng, hài lòng của người dân với chính quyền, đã góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của huyện"- bà Thậm chia sẻ. Bà Thậm vững tin rằng, Cô Tô đang dần hiện thực hóa giấc mơ và sẽ là một thiên đường biển đảo trong một tương lai gần.

Ông Lương, bà Thậm hay mỗi người dân Cô Tô mà tôi từng gặp đều là một kho chuyện kể vô tận như những con sóng ngoài khơi xa chẳng bao giờ dứt. Có lẽ cũng chính cái sóng cái gió ở hòn đảo tiền tiêu này đã hun đúc nên khí chất của người Cô Tô. Người Cô Tô thân thiện, thuần phác, nồng hậu, ăn sóng nói gió.

Bởi vậy, mỗi lần đến với Cô Tô, tôi như thể được về nhà mình, được gặp những người thân của mình vậy. Tôi có thể đi đánh cá, bắt ốc, đi trồng khoai với bà con trên đảo. Tôi có thể ở trong nhà họ, ăn cơm với họ. Đến Cô Tô mà có lỡ bữa thì cũng chẳng bao giờ phải lo ôm cái bụng đói mà đi ngủ.

Nhưng Cô Tô của riêng tôi cũng rất lạ. Gần đấy nhưng cũng xa đấy. Xa thì quá rõ rồi. Từ Vân Đồn phải mất một tiếng đi tàu cao tốc nhấp nhô với sóng mới đến được Cô Tô. Nếu đi từ Tuần Châu thì thời gian là hơn hai tiếng. Chưa kể ra đảo rồi muốn sang Thanh Lân hay Cô Tô con cũng lại phải thêm lần đò nữa. Khó nhất vẫn là sang đảo Trần khi cả tuần mới có một chuyến.

Nếu đi từ Móng Cái ra đảo Trần thì sẵn tàu hơn nhưng đường sá lại xa xôi cách trở. Ấy vậy mà dù say sóng đã nhiều lần nhưng cứ nhắc đến Cô Tô là tôi lại muốn xách ba lô lên và đi. Cô Tô chỉ xa trong khoảng cách địa lý nhưng lại gần gụi trong tâm tưởng.

Du khách tham quan bãi đá Cầu Mỵ.

Cô Tô của tôi có quen không? Quen lắm chứ! Tôi có thể gọi tên ai đó mà mình gặp trên đường. Cũng không ít người trên đảo đã nhớ tên tôi. Cô Tô quen vì tôi là người vốn thích biển, yêu biển và gắn bó với biển.

Tôi ra Cô Tô nghe sóng để nhớ lại những ngày tháng sinh viên sôi nổi bên mái trường đại học sát bờ cát, ở một thành phố biển. Cái tiếng sóng đó phải ra Cô Tô mới nghe được chứ ở Hạ Long nơi tôi đang sống thì bói đâu ra. Phần vì cái ồn tạp của phố phường người xe đã đẩy tiếng sóng ra xa. Phần khác vì Hạ Long là vịnh kín gió nên “đặc sản” của Hạ Long là mênh mông và êm đềm.

Sóng Cô Tô xô ghềnh đá ở bãi Móng Rồng. Sóng mơn man bờ cát Hồng Vàn, Vàn Chảy. Sóng đùa giỡn với cái hoang sơ của bãi biển Cô Tô con. Sóng gầm gào nơi đảo Trần. Sóng chao đảo lắc lư con tàu đưa tôi vào cơn say đến nôn nao...

Sóng cũng như người tình làm cho chúng ta say nhưng không thể nào dứt ra được mà cũng không muốn dứt ra làm gì nữa. Bởi vậy, có thể nói, nếu tôi có một “người tình muôn năm cũ” thì đó chính là Cô Tô.

Ghi chép của Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/co-mot-co-to-trong-toi-2492271/