Có một giấc mơ bóng đá ở Marshall

Đó là câu chuyện khởi nguồn từ tình yêu của người cha với con trai mình trên Quần đảo Marshall, một quốc gia với hơn 1.000 hòn đảo nhỏ trải rộng trên 29 rạn san hô nằm ở Thái Bình Dương. Dù là thành viên của Liên hiệp quốc từ năm 1991 nhưng đây là quốc gia không hề có đội tuyển bóng đá.

Giám đốc kỹ thuật Lloyd Owers, một chuyên gia đến từ Vương quốc Anh.

Giám đốc kỹ thuật Lloyd Owers, một chuyên gia đến từ Vương quốc Anh.

Cuộc hành trình để trở thành một phần trong gia đình FIFA khởi đầu bởi Shem Livai, một doanh nhân sống ở đảo thủ đô Majuro. Con trai của Livai, Carter là người thích chơi bóng. Livai thấy đây là một môn thể thao dễ chơi, chỉ cần tụ tập bạn bè trên một trong những bãi biển đẹp như tranh vẽ của Majuro. Nhưng khi con trai anh 11 tuổi, anh và những người bạn của mình ngừng chơi. Không có giải đấu được thành lập, không có một lộ trình nào để đi tới và không có gì để khuyến khích họ tiếp tục.

Quần đảo Marshall chịu ảnh hưởng của Mỹ suốt chiều dài lịch sử và nếu bóng đá không được nhóm thành ngọn lửa, thì xu hướng yêu thích thể thao rồi cũng sẽ chuyển sang các đam mê “kiểu Mỹ” như bóng rổ, bóng chày hoặc bóng bầu dục. Nhưng Shem Livai nhìn thấy cơ hội và vào năm 2020, anh thành lập Liên đoàn bóng đá quần đảo Marshall (MISF). “Tôi nhìn bọn trẻ yêu thích môn thể thao này đến mức nào, tôi biết mình phải làm gì đó”, Livai nói với ESPN. Tháng 12 năm ngoái, họ đã bổ nhiệm Giám đốc kỹ thuật đầu tiên của mình: Lloyd Owers, một chuyên gia đến từ Vương quốc Anh. Họ cũng đã thuê một Giám đốc tiếp thị và một Giám đốc truyền thông và vào ngày 17 -3 vừa qua, họ đã một hợp đồng quảng cáo đầu tiên với nhãn hiệu trang phục thi đấu PlayerLayer.

Nhưng đây không đơn giản là câu chuyện cổ tích về sự ra đời của một “vùng đất bóng đá”. Lý do chính để họ muốn bóng đá của Quần đảo Marshall được biết đến, là để thế giới quan tâm đến vấn đề biến đổ khí hậu ở quê hương họ: Theo dự báo 40% Majuro sẽ chìm dưới nước vào năm 2030. Bằng hiểu biết của mình, Shem Livai tin rằng không có gì truyền đi thông điệp nhanh chóng đến thế giới bằng bóng đá. Với tương lai của quốc gia đang bị đe dọa, những người mơ mộng bóng đá ở Marshall đang muốn làm một cái gì đó thật ý nghĩa bằng chính tầm ảnh hưởng của môn chơi này.

Quần đảo Marshall muốn qua bóng đá để thế giới biết đến và quan tâm đến vấn đề biến đổ khí hậu ở quê hương họ.

Giám đốc Owers chưa từng đến Quần đảo Marshall. Ông tương tác với ông chủ của mình, Livai qua màn hình điện thoại và nhận việc nhờ Livai đọc được trang web của ông. Ở đó, Owers đã cố gắng đưa kiến thức bóng đá đến những nơi chưa biết đến môn chơi này bằng những gì đã học thời còn là sinh viên thể thao cũng như có thời gian huấn luyện đội U23 Oxford City. Một bài báo anh viết về sự phát triển của bóng đá đảo Samoa đã thu hút sự chú ý của Livai.

“Chúng tôi đã nói chuyện khá nhiều”, Owers nói với ESPN. “Dù lệch múi giờ nhưng chúng tôi vẫn có thể trao đổi bằng cách ghi âm ý kiến của mình và gởi cho nhau. Ông ấy (Livai) yêu cầu tôi tạo một kế hoạch dài hạn dựa trên phong cách của riêng tôi và kế hoạch đó có khả năng phù hợp với MISF. Sau đó, ông ấy giao tôi vai trò Giám đốc kỹ thuật. Có thể nói chúng tôi thực sự đang xây dựng mọi thứ từ con số không”.

Owers phải mất thời gian để tìm kiếm chính xác vị trí của Quần đảo Marshall trên Google. Đây là nhóm đảo nằm giữa Australia và Hawai ở trung tâm Thái Bình Dương, với dân số 60.000 người. Nó từng là nơi thử nghiệm vũ khí hạt nhân suốt từ năm 1946 đến năm 1958, khiến mấy chục năm sau các cư dân mới có thể quay về quê sinh sống sau khi bụi phóng xạ xuống thấp mức an toàn. Quốc gia này phụ thuộc lớn vào nguồn viện trợ của Mỹ khi mà mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nó chỉ là cá ngừ và dầu dừa. 97,8% diện tích lãnh thổ của quần đảo là nước và nói cho công bằng, phát triển bóng đá gần như một điều bất khả thi.

Owners thú nhận: “Tôi khá tuyệt vọng. Tôi đã hình dung ra nó, tôi đã lên kế hoạch cho nó khi xem xét các bãi biển qua Google Maps, nhưng thú thật là bạn không biết có thể chơi bóng trên đó được không khi kích thước rất hạn chế trong khi bạn lại muốn có một tiêu chuẩn đủ để FIFA công nhận”. Thế rồi việc đầu tiên mà Owners làm đó là tìm cách đưa bóng đá vào cuộc sống hàng ngày càng nhiều càng tốt trước khi nghĩ đến chuyện “chuẩn hóa” mọi thứ. Rất may là những gì Owners làm đã có tiếng vang nhất định, nhiều nhà tài trợ muốn chia sẻ cảm hứng này và nhờ đó, việc tổ chức một vài trận đấu không còn là việc khó. Ông Livai hy vọng sẽ thành lập và vận hành một giải đấu gồm 6 đội tại địa phương. Kế đến sẽ là đưa bóng đá vào chương trình học tập của các trường học.

Tiếc là trong năm 2023 này, giải đấu mà Livai mơ ước vẫn chưa thể tổ chức do Majuro lần đầu tiên đăng cai Micronesian Olympic, một Thế vận hội của các quốc gia đảo trên Thái bình dương vào tháng 7-2023 với sự tham gia của những quốc gia như Guam, Palau, Quần đảo Bắc Mariana, Pohnpei, Yap, Nauru và Chuuk… Sân vận động Majuro mới xây dựng có sức chứa 2.000 người sẽ tập trung toàn bộ cho sự kiện này, nên sau khi Micronesian Olympic kết thúc, thì MISF và Ủy ban Olympic Quốc gia Quần đảo Marshall mới có thời gian tập trung cho môn bóng đá.

Còn hiện thời, Giám đốc kỹ thuật Owners vẫn đang tìm kiếm những phương cách mới để quảng bá cho bóng đá quần đảo Marshall. Ví dụ như việc đưa quốc gia này vào trò chơi máy tính Football Manager. Theo một trong những nhà điều hành trò chơi này, thì việc Quần đảo Marshall là quốc gia có chủ quyền duy nhất chưa từng tổ chức một trận đấu quốc tế rõ ràng là chi tiết sẽ thu hút được nhiều người. Vấn đề còn lại là chính những người làm bóng đá ở Marshall phải nỗ lực quảng bá chính mình nhiều hơn.

Riêng với việc tìm kiếm sự công nhận của FIFA thì hiện chỉ mới dừng lại ở sân vận động mới trên Majuro, bao gồm một sân Futsal trong nhà. Các cơ sở vật chất khác để phục vụ một trận quốc tế trên sân nhà hầu như chưa có. Kế đến, bóng đá Quần đảo Marshall cũng phải chọn chỗ để gia nhập thông qua LĐBĐ châu Đại dương (OFC) hay châu Á (AFC) hay CONCACAF. Đó đều là những việc không thể chỉ có quyết tâm là xong. Đơn giản là một khi trở thành thành viên, thì quần đạo Marshall phải có trách nhiệm tham gia và thi đấu quốc tế trong khi họ hiện chẳng có gì ngoài giấc mơ như của Owners: "Đó là một quốc gia nhỏ bé, nhưng bóng đá có thể giúp đưa nó lên bản đồ"

VIỆT TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/co-mot-giac-mo-bong-da-o-marshall-post683987.html