Có một làng chiêng..

ND-Cách đây gần ba chục năm, trong một chuyến điền dã sưu tầm văn hóa dân gian, tôi được nghe kể rằng, ở huyện An Nhơn có một lò chiêng đã từng rất nổi tiếng, chiêng ở đấy được đồng bào Tây Nguyên rất ưa dùng. Nhưng rồi tôi quên bẵng đi. Trong rất nhiều bài viết của mình về chiêng, tôi chỉ nhắc đến làng chiêng Phước Kiều ở Quảng Nam, đơn giản bởi vì mỗi lần về thăm quê ở Huế bằng đường bộ, tôi đều đi qua cái làng đúc đồng nổi tiếng này.

Mới đây, nhân việc Gia Lai sắp tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế năm 2009 thì có một bạn đọc ở Bình Định gọi điện và giới thiệu cho tôi làng nghề gò chiêng ở Mỹ Thạnh, An Thái, Nhơn Phúc, An Nhơn, Bình Định, và cho rằng làng chiêng này đã từng có ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên. Chúng ta đều biết là người Tây Nguyên chơi chiêng, tạo ra cả một nền văn hóa chiêng nhưng họ lại không làm được chiêng, mà họ mua hoặc đổi chiêng từ vùng đồng bằng Việt Nam và tận bên Lào. Nhưng khi tiếp xúc với làng chiêng Mỹ Thạnh này thì chúng tôi được cung cấp rằng, chiêng của họ cũng đã sang cả Lào. Cái khác của làng nghề chiêng này so với làng chiêng Phước Kiều là họ không đúc mà lại gò. Tổ tỉ vốn từ làng nghề Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nghề gò chiêng này du nhập vào Bình Định từ thế kỷ 18 do nghệ nhân Dương Bảy truyền nghề từ một đợt triều đình tuyển lính thợ Bắc Ninh vào xây dựng kinh thành Huế. Sau khi hoàn thành công việc, cụ rời Huế vào lập nghiệp tại Đập Đá, Bình Định, đổi sang họ Nguyễn, sau đó dời tiếp về Mỹ Thạnh như hiện nay. Giai đoạn phát triển mạnh nhất của làng nghề này là vào thế kỷ 19. Các nghệ nhân đã cung cấp cho các làng đồng bào dân tộc Tây Nguyên rất nhiều bộ chiêng độc đáo gò bằng tay mà hiện nay người dân Tây Nguyên rất thích và còn dùng rất nhiều, thậm chí nhiều bộ là chiêng quý. Chiêng Mỹ Thạnh gò bằng tay rất đẹp, giá lại rẻ, âm thanh tốt, độ bền cao. Có thời trước 1975, hàng tuần chiêng của làng chất đầy các xe cam nhông trực chỉ đường 19 ngược Tây Nguyên cung cấp cho các làng. Không chỉ thế, nó còn tiện đường sang cả Lào và Cam-pu-chia. Lịch sử làng nghề còn ghi: "Người dân tộc Tây Nguyên rủ nhau có khi đi bộ mấy ngày đường từ các buôn làng ở An Khê, Gia Lai kéo xuống, dắt cả trâu bò đến làng Mỹ Thạnh để đổi lấy cồng chiêng". Bản thân vợ và hai con của cụ Bảy cũng đã chết tại Mang Yang khi đang đi giao chiêng cho người Ba Na ở đây. Nhiều người già ở Plây Cu bây giờ xác nhận đã từng đi buôn chiêng Mỹ Thạnh lên Plây Cu bán cho người dân tộc. Sau một thời gian phồn thịnh, thời gian gần đây làng nghề đang có nguy cơ mai một vì chiêng gò ra không bán được nhiều như ngày xưa. Nghệ nhân chân truyền, hậu duệ của cụ Bảy, người có tay nghề cao nhất về gò chiêng hiện nay ở Mỹ Thạnh là anh Nguyễn Văn Cư, thế mà nhiều khi cũng... thất nghiệp. Vừa rồi nhân có Festival Tây Sơn - Bình Định, làng nghề gò chiêng Mỹ Thạnh có một gian hàng, biểu diễn gò và bán chiêng tại chỗ được rất nhiều khách tham quan ghé lại. Ao ước của các nghệ nhân làng nghề gò chiêng Mỹ Thạnh An Nhơn hiện nay là, nhân Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai lần này, làng được tạo điều kiện để có một gian hàng. Bao nhiêu đời làm chiêng mà người sản xuất và người sử dụng chưa bao giờ gặp nhau. Thêm nữa, họ biết có hoạt động của các nghệ nhân chỉnh chiêng tại Festival nên càng muốn được làm chiêng tại chỗ rồi các nghệ nhân chỉnh chiêng luôn để giao lưu học hỏi lẫn nhau (khi mua chiêng về người Tây Nguyên còn một công đoạn là phải chỉnh chiêng thì mới sử dụng. Việc này người Kinh không làm được)... Điều này có đến bốn, năm phần lợi, từ phía ban tổ chức, người làm chiêng, người chơi chiêng, người chỉnh chiêng và du khách. Theo tôi biết, trong kịch bản của Festival cồng chiêng lần này có hẳn một khu làng nghề truyền thống để giới thiệu với du khách, chắc rằng ước muốn chính đáng và thân thiện của các nghệ nhân gò chiêng làng nghề Mỹ Thạnh sẽ là một yếu tố góp phần để Festival thành công...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=159693&sub=134&top=43